THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:51

Phụ nữ Cần Thơ góp phần hỗ trợ bệnh nhân tâm thần

 

 

Số liệu thống kê 8 tháng năm 2016, Bệnh viện (BV) Tâm thần TP Cần Thơ khám và điều trị ngoại trú gần 1.600 bệnh nhân; nội trú khoảng 600 bệnh nhân. Bên cạnh đó, BV quản lý gần 3.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh tại cộng đồng. Nhân Ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10-10, chúng ta nhìn nhận tác hại bệnh tâm thần đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh, để cộng đồng quan tâm hơn, giúp nhóm người bệnh này tái hòa nhập cộng đồng.

 

 

Tại BV Tâm thần thành phố, các rối loạn tâm thần phổ biến thường gặp là: Tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần cấp, trầm cảm, rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu và ma túy, rối loạn lo âu và rối loạn giấc ngủ,… Bà Trần Thị Lành - bác sĩ chuyên khoa bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ cho rằng, áp lực từ việc kiếm tiền, thất nghiệp, mâu thuẫn gia đình, hàng xóm, học hành, thi cử, tệ nạn ma túy, cờ bạc, rượu bia, trò chơi điện tử… có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ (ngủ ít, mất ngủ…), rối loạn ăn uống (ăn ít, chán ăn…), cảm xúc bất thường như: buồn chán, nóng nảy, giận dữ, sinh hoạt chậm chạp, ít giao tiếp; các cử chỉ, lời nói lạ lùng như: cười, khóc một mình, có khi đập phá đồ đạc…

Hiện BV quản lý gần 3.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh, cần uống thuốc suốt đời và cấp thuốc miễn phí tại địa phương, nên cần hỗ trợ đầy đủ, kịp thời kinh phí; đồng thời có chính sách phù hợp giúp đỡ. 

 

Dạy nghề cho người tâm thần 

Ở Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ, chúng tôi đã có dịp đi cùng đoàn công tác gặp gỡ những phụ nữ có gia cảnh đáng thương vì có người thân mặc bệnh tâm thần. Trò chuyện với bà N.T.H. (ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), bà ngậm ngùi kể về người con trai bị bệnh. Nguyên nhân, theo bà H là do làm ăn thất bại, con trai bà đâm ra rượu chè liên miên, tính tình thay đổi hẳn. Suốt ngày rượu vào là la mắng, chửi bới mọi người rồi hăm chém chết cả mẹ và cả hàng xóm khi họ đến can ngăn.

“Cả nhà chịu đựng nó rất lâu, giờ nghe người quen kêu đi khám mới biết nó bị loạn thần do lạm dụng rượu”. Từ ngày nhập viện, con trai bà đã có dấu hiệu thuyên giảm, bớt la hét đập phá, nhưng bác sĩ nói, cần thêm thời gian nữa. Khỏi phải nói về nỗi khó nhọc của người mẹ bám viện chăm sóc con mà kể những  nữ tình nguyện viên cũng bỏ bê hết ruộng vườn công việc đồng áng, công việc cá nhân để hỗ trợ những bệnh nhân và gia đình neo đơn. “Mất bao nhiêu công sức tui cũng không nản, chỉ mong bệnh nhân khỏi bệnh” – bà Trần Thị Phấn – tình nguyện viên nói trong nước mắt.

 

 

Bà L.T.T. (ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có con gái đang điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ kể: “Lúc mới vào bệnh viện nó quậy phá, la hét dữ lắm nên mấy bác sĩ phải xích trên giường, cho uống thuốc mấy ngày nay đã tỉnh táo, đỡ hơn rồi.

Trò chuyện với chúng tôi, bà tâm sự: “Mấy năm trước gia đình khó khăn, gả nó đi lấy chồng ở Đài Loan. Ai ngờ mấy năm sau nhà chồng trả nó về với tấm thân tàn tạ, rồi nó ngơ ngác và hay lảm nhảm nói chuyện một mình. Càng lúc càng nặng thêm, la hét, đập phá, bỏ nhà đi. Lúc tìm được con, tui liền đưa lên đây chữa bệnh”.

Điều trị bệnh nhân tâm thần chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt, cần tốn nhiều thời gian và cả tình yêu thương chăm chút. Ngoài nỗ lực của bác sĩ, chính những người mẹ người vợ, người thân trong gia đình là tác nhân quan trọng nhất để người bệnh nương tựa, chữa bệnh, trở về hòa nhập với cộng đồng.

NGỌC THIỆN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh