CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:35

Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái


Tham dự Lễ phát động về phía Bộ LĐ-TB&XH có: Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; Thứ trưởng Đào Hồng Lan cùng đại diện lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Bộ VH-TT&DL, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ…

 

Các đại biểu tham dự lễ phát động

Bạo lực kìm hãm tăng trưởng kinh tế, gia tăng đói nghèo

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người. Số liệu từ Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục Thống kê và Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố năm 2010, cho thấy: 58 % phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Khoảng 50 % nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng. 87 % nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo kết quả nghiên cứu “Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam” của Liên hợp quốc, những chi phí và thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5% GDP năm 2012 của Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí xã hội còn cao hơn do bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đáng kể đối với sự gắn kết xã hội và khả năng phục hồi của cộng đồng. Bạo lực dẫn tới kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo của quốc gia.

Việt Nam đã dần từng bước xây dựng khung pháp lý giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình, cũng như tăng cường thực thi pháp luật nhằm từng bước thu hẹp bất bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn khoảng cách giữa luật pháp, chính sách và thực thi pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại lễ phát động

Phát biểu tại Lễ phát động, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho biết, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể về tình trạng kinh tế xã hội của phụ nữ, nhưng thực trạng lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái vẫn là hành vi vi phạm quyền con người phổ biến nhất và chưa được giải quyết trên thế giới. Mỗi ngày chúng ta đều nghe nói về các vụ bắt cóc, dụ dỗ, hãm hiếp và lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái. Trên toàn cầu, cứ ba phụ nữ thì có một người là đối tượng bị đàn ông lạm dụng – mà những lạm dụng lại chính là người thân của nạn nhân -  có thể là cha, chồng, bạn trai, chú bác, quản lý, sếp hay đồng nghiệp tại nơi làm việc… Những điều này cho thấy, cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các nạn nhân bị bạo lực. Đồng thời, cần thiết phải tạo ra một môi trường thuận lợi để nạn nhân bị bạo lực không cảm thấy xấu hổ hoặc phải chịu áp lực mà phải giữ im lặng hoặc không dám nói ra.

 

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại lễ phát động

Bình đẳng giới – chìa khoá chấm dứt bạo lực

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, chúng ta thường nhìn nhận bạo lực giới là 'vấn đề của người phụ nữ', nhưng tôi muốn nói với quý vị rằng nó cũng là "vấn đề của nam giới"! Với việc những người đàn ông chịu trách nhiệm cho hầu hết các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thì chính họ cũng là một yếu tố quan trọng của giải pháp giúp chấm dứt bạo lực. Một nghiên cứu của Liên hợp quốc về nam tính cho thấy chúng ta có thể thay đổi thái độ và hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, mà những hành vi này dẫn tới bạo lực giới và lựa chọn giới tính do phân biệt giới. “Chúng ta cần tất cả mọi người thay đổi cách suy nghĩ. Tôi hy vọng rằng tất cả trẻ em trai và nam giới ở Việt Nam sẽ đứng lên để giải quyết sự bất bình đẳng, bất công và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ cần phải là ưu tiên hàng đầu đối với cả nam giới và nữ giới" – bà Astrid Bant .

 

Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu

Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nêu rõ:  “Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm đánh thức mỗi người dân suy ngẫm sâu sắc hơn và hành động thiết thực hơn để cùng chung tay xóa bỏ bất bình đẳng giới, hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc và phát triển bền vững. Một quốc gia mạnh khỏe, không còn nghèo đói, công bằng và “không ai bị bỏ lại phía sau” là ước nguyện chính đáng của mỗi con người. Ước vọng đó sẽ sớm trở thành hiện thực nếu tất cả chúng ta cùng chung tay vun đắp bằng đầy đủ trách nhiệm và tình yêu thương. Thực hiện bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái!.


Đoàn diễu hành lễ phát động

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, các chính sách, chương trình và đặc biệt là vai trò của truyền thông cần làm thay đổi được những quan niệm lạc hậu về giá trị và vai trò của phụ nữ và nam giới; cần nhiều giải pháp để thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tăng quyền năng cho phụ nữ, đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Nam giới cũng xây dựng được niềm tin rằng, họ có thể đảm đương vai trò chăm sóc gia đình như phụ nữ. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự chia sẻ trách nhiệm của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái. “Chúng ta hãy cùng hành động để thông điệp “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương” được lan tỏa sâu rộng trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng” – Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm kêu gọi.

 

 

Sáng cùng ngày tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám, hơn 300 thanh niên và cộng đồng đã cùng hoà mình vào màn nhảy Flashmob với thông điệp “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Đây là hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới lần đầu tiên được Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) phát động trên toàn quốc, hợp tác với trường Đại học Xây dựng và tổ chức ActionAid Việt Nam. Hoạt động này cũng là một phần của Chương trình “Thành phố An toàn – Thành phố tôi yêu” được thực hiện tại 20 nước trên toàn thế giới. Tại Việt Nam chương trình đã mở rộng đến 5 thành phố lớn : Hà Nội, Hải Phòng, T.p Uông Bí, T.p Trà Vinh và T.p Hồ Chí Minh từ năm 2014 đến nay.  

NGUYỄN SÍU - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh