THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:33

Phải chăm lo người có công bằng cái tâm và trách nhiệm

 

Trong những ngày cuối năm, mặc dù bận rộn với lịch công tác, nhưng bà vẫn dành thời gian cho Dân Sinh cuộc trao đổi về công tác Người có công. Xin được giới thiệu cùng bạn đọc:

 

Bà Trân Hồng Chiến trao quà cho gia đình chính sách.


*Thưa bà, thời gian qua công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc Người có công của tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện như thế nào?

- Bà Trần Hồng Chiến: Bạc Liêu hiện vẫn còn là một trong những tỉnh nghèo, tuy nhiên không vì vậy mà công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công của tỉnh ít được chú trọng. Ngược lại, công tác này luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo thực hiện và được toàn dân hưởng ứng tham gia với tất cả tình cảm và tinh thần trách nhiệm.

- Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 63.000 người có công. Tuy địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua tỉnh Bạc Liêu luôn thực hiện đạt 100% đối tượng người có công được hưởng chính sách đầy đủ, không có đối tượng hưởng sai chính sách. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, nhất là thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ trợ cấp ưu đãi người có công.

- Hàng năm, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được ngành LĐ-TB&XH tỉnh thực hiện thường xuyên, với các chương trình hoạt động hiệu quả, mang ý nghĩa thiết thực. Tất cả mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đã được các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Hàng trăm hộ người có công được tặng nhà tình nghĩa, được hỗ trợ sửa chữa nhà ở…

- Năm 2016, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã trợ cấp thường xuyên trên 11.000 người, với số tiền trên 160 tỷ đồng và trợ cấp một lần trên 1.000 người, với số tiền trên 03 tỷ đồng. Ngoài ra tỉnh cuãng đã hoàn thành việc điều chỉnh trợ cấp cho 291 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Cũng trong năm vừa qua, tỉnh đã tổ chức cho trên 800 người có công đi tham quan và điều dưỡng luân phiên ở Phú Quốc, Côn Đảo, Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc…

 

Đoàn đại biểu người có công tỉnh Bạc Liêu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã có những chương trình, hoạt động cụ thể gì để giúp đỡ, hỗ trợ gia đình và người có công?

- Bà Trần Hồng Chiến: Như tôi đã nói, ngoài việc thực hiện công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công theo sự chỉ đạo của các cấp, các ngành Trung ương và địa phương, ngành LĐ-TB&XH Bạc Liêu cũng đã thực hiện nhiều chương trình cụ thể giúp các hộ gia đình chính sách, người có công có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

- Đầu tiên là công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công, đây là việc làm không chỉ là trách nhiệm của ngành mà đó còn là việc làm có ý nghĩa thiết thực, việc làm này cần phải thực hiện, nhanh chóng, chính xác, giải quyết có tình, có lý. Phải thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân, kịp thời rà soát, xử lý những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện chính sách....

Theo thống kê của Sở, năm 2016, tỉnh đã tiếp nhận 4.100 hồ sơ người có công, trong đó đã xem xét giải quyết 3.900 hồ sơ. Bao gồm 66 hồ sơ phong tặng, truy tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 89 hồ sơ trợ cấp Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 180 hồ sơ thờ cúng liệt sĩ, 263 hồ sơ người có công giúp đỡ cách mạng, 56 hồ sơ bị địch bắt, tù đày được hưởng thường xuyên, 78 hồ sơ hưởng chế độ nhiễm chất độc hóa học, 40 hồ sơ hưởng chế độ 290, 464 hồ sơ hưởng chế độ mai táng phí...  Đây là con số không lớn, tuy nhiên, đây là sự cố gắng của các cán bộ, chuyên viên phụ trách lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã xây dựng mới và bàn giao 235 căn nhà tình nghĩa cho người có công gặp khó khăn về nhà ở. Vào dịp lễ, tết, Sở đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 20.626 gia đình chính sách, người có công với cách mạng, với số tiền 12 tỷ đồng, phụng dưỡng suốt đời 179 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống và hỗ trợ 212 thương binh 1/4, 2/4 có mức sống trung bình trở xuống, với số tiền 01 triệu đồng/người/tháng.

* Những khó khăn và đề xuất đối với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công của tỉnh như thế nào? 

- Bà Trần Hồng Chiến: Hiện nay, những vướng mắc về hệ thống văn bản chồng chéo, một số quy định chưa sát thực tiễn khiến việc triển khai công tác gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các chế độ đối với người hoạt động kháng chiến, hỗ trợ nhà ở, thủ tục, hồ sơ hưởng trợ cấp... Chính vì vậy, các bộ, ngành có liên quan cần có những hướng dẫn cụ thể đối với các thủ tục, hồ sơ này.

- Ngoài ra, khó khăn lớn nhất của công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công hiện nay là kinh phí thực hiện, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta chăm sóc thiếu chu đáo, thiếu đầy đủ. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo phải huy động mọi nguồn lực xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của những người và gia đình có công với cách mạng.

* Năm 2017 là thời gian tròn 70 năm kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sỹ, Ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã có những mục tiêu gì để đánh dấu cột mốc đáng nhớ này?

- Bà Trần Hồng Chiến:  Có thể nói, 70 năm qua và hiện nay công tác Người có công trong thời kỳ đổi mới có một vai trò, vị trí quan trọng và là một nhiệm vụ hết sức thiêng liêng. Điều đó được thể hiện trong đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt phải được thực thi một cách có trách nhiệm, có hiệu quả và phải xuất phát từ tình cảm, lương tâm của toàn xã hội đối với sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cách mạng đi trước.

- Năm 2017, là thời gian tròn 70 năm kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sỹ, cùng với các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, ngành LĐTB&XH tỉnh sẽ phấn đấu triển khai thực hiện có hiệu quả tích cực các hoạt động trong công tác này.

- Cụ thể, ngành LĐ-TB&XH sẽ đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc thiết lập hồ sơ xác nhận người có công và giải quyết các chế độ, chính sách, quản lý chi trả trợ cấp kịp thời, đúng đối tượng, chế độ theo quy định. Đồng thời, tiếp tục vận động hỗ trợ kinh phí giúp các đối tượng chính sách tu sửa, nâng cấp nhà ở cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ; đẩy mạnh cuộc vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và xã hội hóa chăm sóc người có công nhằm huy động thêm nguồn lực cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách và người có công. Đảm bảo 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng nơi cư trú.

- Tập trung xem xét, giải quyết hoặc đề nghị giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công theo quy định. Phối hợp thực hiện hoàn thành Đề án hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho người có công gặp khó khăn về nhà ở mới phát sinh.

- Ngành LĐTB&XH tỉnh cũng sẽ tích cực phối hợp với các cấp, các ngành về tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình ghi công liệt sĩ, nhất là thực hiện Đề án nâng cấp, sửa chữa Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và các huyện đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hoặc thống nhất đầu tư.  

- Với những hoạt động cụ thể trên, công tác Người có công của tỉnh trong năm 2017 và thời gian tới sẽ cải thiện, có hiệu quả hơn nữa, để không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng người có công, mà còn góp phần xoa dịu những nỗi đau chiến tranh, đảm bảo các mục tiêu bình ổn an sinh xã hội của địa phương nói riêng, đất nước nói chung.

* Trân trọng cảm ơn bà !

NGỌC THIỆN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh