THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 09:13

Nơi sẻ chia yêu thương

 

Tham gia cách mạng từ khi mới chỉ tròn 17 tuổi, ngày ấy cũng như bao thanh niên trong làng, bà Phạm Thị Tùng (nay đã 84 tuổi) cùng gia đình nuôi giấu cách mạng ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Đến năm 1959, cơ sở bị lộ, bà bị địch bắt đi tù 5 năm ở Hội An. “Những ngón đòn tra tấn vào đầu, lưng, khắp nơi trên cơ thể… ngày ấy khiến sức khỏe tôi thực sự suy kiệt”, bà Tùng kể.

Khám bệnh cho các cụ tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công Đà Nẵng


Tuổi cao, sức yếu, lại không có người thân thích bên cạnh, những khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại hành hạ bà ngày cũng như đêm. Từ khi vào vào Trung tâm Phụng dưỡng người có công Đà Nẵng, được điều trị tại khu vật lý trị liệu cùng sự chăm sóc, chữa trị kịp thời của các y, bác sĩ ở đây, sức khỏe của bà đã được cải thiện đáng kể.

Tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công TP. Đà Nẵng, có lẽ ít ai không biết đến câu chuyện của bà Trần Thị Minh (86 tuổi, quê ở Quảng Nam). Tham gia du kích từ khi mới chỉ mười tám, đôi mươi, cái tuổi xuân xanh đẹp nhất của một đời người. Trong một lần đi hoạt động, bà bị đích bắt và chịu cảnh tù đày ròng rã suốt 7 năm. Những trận đòn roi dã man của quân thù thỉnh thoảng vẫn dội về từng cơn trong ký ức của cô du kích dũng cảm năm xưa.

Hòa bình lặp lại, mong ước về một mái ấm gia đình, được nghe tiếng con trẻ bi bô, nói cười, bà quyết định kết duyên cùng với một người đàn ông đã đứng tuổi. Tưởng rằng cuộc sống từ đây sẽ suôn sẻ, thế nhưng đến mãi bà vẫn không có được niềm hạnh phúc làm mẹ. Cho đến khi người chồng thân yêu qua đời, bà mất đi chỗ nương tựa, người bầu bạn duy nhất nên quyết định bán căn nhà đang ở để vào Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng TP.Đà Nẵng.

Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm riêng, nhưng đối với họ, nơi đây đã thực sự trở thành mái nhà chung, nơi sẻ chia những yêu thương từ những đau thương, mất mát, nơi luôn có những người chăm sóc các cụ ân cần như con cháu trong nhà.

Chị Đặng Thị Thanh Huyền, y sỹ tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công Đà Nẵng cho biết, các cụ tuổi già lại đau yếu thường xuyên, nhiều cụ đã không còn minh mẫn, đi lại cũng khó khăn hơn. Có cụ còn bị hoang tưởng, hay la hét lớn… đòi hỏi những người chăm sóc phải có sự ân cần, chu đáo và kiên nhẫn, coi các cụ như ông bà, cha mẹ mình ở nhà.  "Chúng tôi luôn tự nhủ phải giúp các bác, các cụ vơi bớt phần nào nỗi đau bệnh tật, sống hạnh phúc trong phần đời còn lại", chị Huyền tâm sự.

Được biết, kể từ khi thành lập, Trung tâm Phụng dưỡng người có công TP. Đà Nẵng đã đã tiếp nhận chăm sóc, phụng dưỡng hàng ngàn thương bệnh binh, người có công trên địa bàn TP. Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Phụng dưỡng thường xuyên cho các đối tượng là Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, thương bệnh binh nặng và người có công với cách mạng. Hằng năm, đơn vị còn tiếp nhận gần 1.500 đối tượng chính sách đến điều dưỡng luân phiên. Đa số các thương bệnh binh và người có công với cách mạng sống tại Trung tâm đều tuổi đã cao sức yếu và thường hay đau ốm do di chứng của chiến tranh để lại. Các hoạt động vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, thăm khám sức khỏe định kỳ luôn được tổ chức thường xuyên để giúp các cụ tăng cường sức khỏe, giảm bệnh tật.

 Bà Nguyễn Thị Tú, Giám đốc Trung tâm Phụng dưỡng người có công TP. Đà Nẵng cho biết, việc đưa vào sử dụng phòng vật lý trị liệu (từ tháng 9/2016) với đầy đủ các trang thiết bị châm cứu, massage, bấm huyệt, phục hồi chức năng thực sự có hiệu quả rất tốt trong việc chăm sóc sức khỏe cho người có công. Nhiều cụ giảm đau ốm, đặc biệt là đối với các bệnh kinh niên, mãn tính.

Được biết, hiện chế độ chăm sóc các cụ tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công Đà Nẵng có mức 1.200.000 đồng/ người/tháng (từ ngày 1/1/2016). Ngoài việc đảm bảo các dụng cụ sinh hoạt cá nhân, chế độ thuốc men… lãnh đạo Trung tâm cho biết, đơn vị thường xuyên chỉ đạo bộ phận cấp dưỡng cải thiện, thay đổi món ăn, thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp với sức khoẻ các cụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời tổ chức các buổi sinh hoạt tinh thần, vui chơi, giải trí để các cụ có thể sống vui, sống khỏe. 

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh