Ưu đãi người có công là chính sách cao nhất trong hệ thống chính sách xã hội
- Người có công
- 03:25 - 18/07/2017
Chế độ, chính sách ưu đãi NCC ngày càng toàn diện, đầy đủ
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội khẳng định, chính sách ưu đãi đối với NCC là khung chính sách cao nhất trong hệ thống chính sách xã hội của nước ta. Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi NCC với cách mạng đã tương đối đầy đủ, thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đối với NCC, thể hiện trách nhiệm, tình cảm cũng như tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống của người có công.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp lưu ý một số nguyên tắc trong thực hiện chính sách với NCC
Về những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách đối với NCC, Thứ Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, trong hơn 10 năm trở lại đây, việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về ưu đãi người có công luôn được quan tâm, chú trọng, đã có khoảng trên 100 văn bản được ban hành của các cơ quan hành chính nhà nước dưới các dạng nghị quyết, quyết định, thông tư…Chính sách ưu đãi người có công đã từng bước được hoàn thiện về các diện đối tượng và chế độ ưu đãi. Đến nay đã có 12 diện đối tượng người có công được quy định tại Pháp lệnh, toàn quốc đã xác nhận trên 9 triệu người có công.
Các chế độ ưu đãi đối với từng diện đối tượng người có công được quy định ngày càng toàn diện, đầy đủ, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống, phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội từng thời kỳ, đảm bảo mức sống của người có công và thân nhân như: ưu đãi về đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tín dụng, thuế…
Cùng với nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi với NCC từ ngân sách Nhà nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa cũng được duy trì và phát huy ở các địa phương, phong trào phụng dưỡng các bà Mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh. Đến nay 97% số hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Nhiều khó khăn, vướng mắc đang được tháo gỡ, xử lý
Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Lợi- Cục trưởng Cục Người có công, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được trong việc triển khai các quy định mới về chính sách ưu đãi NCC thì trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số phát sinh, vướng mắc đã và đang được các cơ quan quản lý từng bước hướng dẫn tháo gỡ, xử lý. Cụ thể :
Một số nội dung trong triển khai thực thực hiện chính sách cần tiếp tục được nghiên cứu, hướng dẫn, bổ sung để được kịp thời triển khai thống nhất trong cả nước, ví dụ như: việc điều chỉnh và thực hiện chế độ trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với đối tượng đã được xác nhận và giải quyết chế độ trước ngày 1 tháng 9 năm 2012; bên cạnh đó quy định về xác nhận và giải quyết chế độ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xác nhận đối với người hoạt động kháng chiến hoặc hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày; thực hiện chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo,… vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Ông Lợi cho biết, đến nay, thực tế chứng minh còn một số chính sách chưa được nghiên cứu bổ sung quy định và hướng dẫn triển khai, bao gồm:
Chưa quy định chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, bị địch bắt tù sau 30/4/1975.
Về thực hiện trợ cấp ưu đãi: Quy định người có công thuộc 2 đối tượng trở lên được hưởng trợ cấp, phụ cấp với từng đối tượng dẫn đến một người có thể được hưởng nhiều suất trợ cấp người phục vụ; trợ cấp một lần cho đối tượng hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, vẫn áp dụng mức trợ cấp 120.000 đồng/năm, mức trợ cấp này ít và chưa thay đổi kể từ năm 1995; chưa quy định trợ cấp 1 lần đối với BMVNAH, AHLLVTND, AHLĐ, đã chết mà chưa hưởng trợ cấp.
Chưa quy định chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống... Chưa quy định việc giám định vết thương tái phát đối với người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21%. Chưa quy định chế độ ưu đãi đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác...
Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi nêu những vấn đề khó khăn trong thực hiện chính sách với NCC
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng nêu một số khó khăn trong công tác xác định đối tượng nhiễm chất độc da cam, dễ phát sinh kẽ hở cho tiêu cực trong việc xác định nạn nhân chất độc hóa học/dioxin, lạm dụng chính sách của Đảng và Nhà nước, cụ thể: ở một số địa phương, đơn vị còn có cán bộ nhận thức chưa đúng về chính sách đền ơn đáp nghĩa, đã tạo áp lực cho người khám giám định, ngành GĐYK và gây nguy cơ tiêu cực tiềm tàng. Một số cán bộ y tế đã lạm dụng chẩn đoán bệnh, tật liên quan đến tiếp xúc với chất độc hóa học. Một số bệnh dễ lạm dụng chẩn đoán như: Rối loạn tâm thần, viêm thần kinh ngoại biên, đái tháo đường týp 2. Bên cạnh đó, một số đối tượng khám giám định chưa thật sự hợp tác trong quá trình khám giám định, đôi khi có phản ứng quá mức đối với cán bộ y tế, gây khó khăn, tạo áp lực căng thẳng cho giám định viên...
Đại tá Ngô Quang Phúc- Phó Cục trưởng Cục chính sách quân đội cũng nêu một số vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC. Ông Phúc cho rằng, theo quy định tại Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13, có 12 nhóm đối tượng người có công. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung đối tượng người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế bị đối phương bắt, giam giữ vào nhóm đối tượng “Người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày”.
Theo đại tá Ngô Quang Phúc, theo quy định hiện hành tại Nghị định số 70/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 của Chính phủ, thì mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng hiện nay là 1.417.000 đồng, như vậy còn thấp so với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
Thủ tục, hồ sơ xác nhận đối với người có công với cách mạng từng bước được nghiên cứu, sửa đổi theo hướng cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đối tượng chính sách.Tuy nhiên, vướng mắc, bất cập lớn nhất về thủ tục, hồ sơ giải quyết chế độ đối với đối tượng diện tồn đọng, nhiều trường hợp phải tổ chức xác minh công phu mới có căn cứ để xem xét, giải quyết….
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, xã hội hóa hoạt động ưu đãi NCC
Các đại biểu tham dự Hội thảo, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện chính sách đối với NCC
Để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng cần chú trọng bảo đảm một số nguyên tắc sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng phải trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về người có công với cách mạng và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Chú trọng việc nghiên cứu một số vấn đề còn tồn tại cần hoàn thiện, bổ sung như tiêu chuẩn xác nhận đối tượng thụ hưởng, phạm vi áp dụng, các biện pháp trợ cấp, chăm lo, giúp đỡ người có công.
Cần phải sớm tổng kết, đánh giá toàn diện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công, xây dựng và ban hành Pháp lệnh mới thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người công với cách mạng hiện hành để nhằm mục đích thực hiện tốt hơn chính sách đối với người có công, hoàn thiện hệ thống pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng.
Hai là, xã hội hóa hoạt động ưu đãi người có công, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa ba chủ thể: Nhà nước, đối tượng ưu đãi và cộng đồng, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tiếp tục công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, thực hiện dân chủ công khai trong tổ chức thực hiện chính sách.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực ưu đãi xã hội. Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính lĩnh vực ưu đãi xã hội, mục tiêu góp phần xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả công khai và minh bạch; đẩy mạng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
Bốn là, hoàn thành công tác quy hoạch mộ, nghĩa trang liệt sĩ. Xây dựng, duy tu, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ làm cho các công trình này trở thành các công trình lịch sử văn hoá. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý những sai sót trong việc xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
“Những vấn đề liên quan đến người có công là những vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp, do đó để xây dựng hệ thống pháp luật ưu đãi người có công phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, cần phải được tiến hành từng bước, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; đảm bảo công bằng xã hội. Việc tổ chức triển khai thực hiện cần đồng bộ, nhất quán và có sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, Ban tổ chức sẽ tổng hợp tiếp thu các ý kiến để cùng các cơ quan chức năng xử lý từng bước những vướng mắc khó khăn trong thực hiện chính sách pháp luật về ưu đãi NCC đặc biệt, chú ý tới công việc như: tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin cải thiện đời sống cho NCC và tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính.
“Nhiệm vụ trước mắt là tập trung nghiên cứu tham mưu sửa đổi Pháp lệnh NCC. Nhưng chúng tôi mong muốn về mặt lâu dài sẽ xây dựng được Luật NCC vì thứ nhất là vấn đề quyền con người, thứ 2 là do thực tiễn đòi hỏi và thứ 3 là ý nghĩa chính trị. Tuy nhiên, dù là Pháp lệnh hay Luật thì cũng phải xử lý tốt 5 yếu tố, đó là: đối tượng, điều kiện, chính sách, nguồn lực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong thực hiện chính sách ưu đãi NCC”- Ông Hùng nhấn mạnh.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Trung tâm điều dưỡng NCC & BTXH tỉnh Hà Tĩnh: Mang Xuân yêu thương đến cho các đối tượng
Với chức năng, nhiệm vụ là tổ chức quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng chính sách người có công, các đối tượng người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa và tổ chức...
9 tháng trước
Tin nên đọc