THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:28

Cai nghiện trong giai đoạn mới gắn với vai trò của cộng đồng

Hiện cả nước có hơn 200.000 người nghiện,  nên để giải quyết được vấn đề trên không phải đơn giản. 

Phải làm tốt ngay từ đầu
 
Người nghiện đến điều trị bằng Methadone tại Cơ sở cai nghiện số V Hà Nội (ảnh Chu Lương)
Làm việc với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, lãnh đạo Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – LĐXH số 4 Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chỉ đạo, chúng ta phải làm từ khâu ban đầu khi đưa học viên vào trung tâm, như tư vấn, quản lý, điều trị, giáo dục, hỗ trợ ăn ở, sinh hoạt… xem học viên cần những gì. Thứ trưởng nhấn mạnh, ở TP. HCM, nhiều đối tượng nghiện khi ở nơi này, lúc ở phường khác. Thậm chí khi đưa về trung tâm còn khai báo không đúng, khiến cho cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc quản lý. Bên cạnh đó thì vẫn còn nhiều hạn chế, làm chưa đúng, khiến gia đình cũng như bản thân người nghiện bức xúc.
Tại một số trung tâm ở các tỉnh  phía Nam, 1 phòng chứa nhiều người, chỉ có 1 nhà vệ sinh, nhà tắm chung, nhà cấp 4 lợp mái tôn, trong khi khí hậu miền Nam nắng nóng,… rồi phát sinh ra nhiều vấn đề, gây gỗ, đánh nhau trong phòng, khi ra ngoài lao dộng, sản xuất thì phá hoại… là một trong những nguyên nhân khiến học viên trốn trại. Đây cũng là bài học, là lời cảnh tỉnh cho nhiều địa phương.

Điều kiện cơ sở vật chất, phòng ốc của học viên tại các Cơ sở cai nghiện Hà Nội luôn được đảm bảo (ảnh Chu Lương)

Hướng đi là khi người nghiện đến điều trị Methadone ổn định thì nên đưa về cộng đồng sớm. Tại các cơ sở, sau một thời gian điều trị cần phân nhóm, đảo nhóm để học viên có sự thay đổi, thích nghi. Mặt khác phải tiến hành phân loại học viên, đặc biệt là đối với người nghiện ma túy tổng hợp cần có một khu riêng và tăng cường điều trị tâm lý, tạo điều kiện để học viên sinh hoạt, lao động, cũng như tham gia các hoạt động bên ngoài, tránh ở trong phòng lâu.
Đối với học viên không muốn ở lại nữa thì cơ sở phải làm việc với gia đình, tùy vào trường hợp, nếu gia đình và học viên đều xin về thì tạo điều kiện đưa về, nhưng phải chú trọng khâu tư vấn tâm lý. Bên cạnh đó, trong đầu năm nay, Hà Nội cần phải đổi tên các trung tâm thành cơ sở cai nghiện.
Học viên bỏ trốn cơ sở cai nghiện: Do địa phương làm chưa tốt, chưa đúng
Có thể thấy rằng, trong một thời gian dài, mô hình điều trị nghiện bắt buộc được nhìn nhận đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội và làm giảm tội phạm liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, mô hình cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tập trung có nhiều hạn chế như tỷ lệ tái nghiện cao, tốn kém, thiếu các dịch vụ hỗ trợ xã hội khác như học nghề, giới thiệu việc làm dẫn đến hạn chế cơ hội tái hòa nhập cộng đồng của người nghiện.
Tại một số cơ sở phía Nam như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra tình trạng người nghiện phá cơ sở trốn ra ngoài, đây không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, nó đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi cũng như trách nhiệm là tại sao tình trạng này vẫn tiếp diễn và giải quyết nó như thế nào?

Học viên cai nghiện được đảm bảo các điều kiện vui chơi, giải trí, thể thao tại Cơ sở cai nghiện số 4 Hà Nội 

 Tại Đồng Nai, Bà Ria-Vũng Tàu tuy là những cơ sở nhỏ, cũng giống như Hải Phòng trước đây, những cơ sở cai nghiện nằm ở một thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp, nhiều thành phần xã hội từ khắp nơi đổ về, có nhiều người nghiện không có nơi cư trú ổn định, nhiều người có tiền án, tiền sự, và nguy hiểm hơn rất nhiều người sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp, sử dụng ma túy lâu năm, khiến thần kinh bị tác động mạnh không thể kiểm soát bản thân, gây nên những ảo giác... những người này lại ở chung với những người mới bị hay những người nghiện heroin, khiến họ bị tác động, lôi kéo.

Bên cạnh đó, việc các cơ sở cai nghiện xuống cấp, có nhiều cơ sở xây dựng hàng chục năm không được cải tạo, cán bộ cơ sở vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, không được tập huấn thường xuyên, không được đào tạo bài bản. Phác đồ điều trị, nhân viên, công cụ hỗ trợ, an ninh chưa tốt... là những nguyên nhân chủ quan lâu nay rất khó giải quyết vì thiếu nguồn lực, cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội không ngần ngại chỉ ra thực tế rằng, tại Vũng Tàu, tuy cơ sở cai nghiện chỉ đủ sức tiếp nhận 400 học viên, nhưng lúc cao điểm ở đây tiếp nhận đến 800 học viên, mà chỉ có vỏn vẹn 8 cán bộ làm công tác tư vấn, giáo dục, tức là 1 người phải phụ trách 100 người thì không thể làm tốt được, trong khi đó những người nghiện đều là những thành phần phức tạp trong xã hội, tạo nên một áp lực rất lớn cho cán bộ trung tâm. Mặt khác do trình độ quản lý, làm chưa tốt, chưa đúng... là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng học viên trốn trại trong thời gian qua.
Tại sao ở TP. Hà Nội, là một trong những trung tâm có người nghiện đông và phức tạp nhất cả nước, với khoảng 12.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, và không ngừng tăng lên, trong đó tại các trung tâm cai nghiện là 2.600 người, nhưng ở Hà Nội lại chưa bao giờ để xảy ra tình trạng bỏ trốn. Đây cũng là điều khác biệt mà có lẽ ở Hà Nội mới có được. Nghe đơn giản, nhưng không phải ở đâu cũng có thể làm.
Nâng cao hiệu quả cai nghiện tại cộng đồng, đa dạng các loại hình cai nghiện
Tại các nước Đông Nam Á hiện nay như Thái Lan có khoảng 15.000 cơ sở cai nghiện và tham gia các hoạt động liên quan đến cai nghiện phục hồi và phần lớn là do ngoài công lập. Trong khi đó ở nước ta hiện nay, Chính phủ cũng đã có những chính sách nhằm khuyến khích các cơ sở cai nghiện ngoài công lập. Tuy nhiên, đã gần 14 năm từ khi Nghị định số 147/2003/NĐ – CP ra đời, năm 2011 Chính phủ  ban hành Nghị định 94/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 147/ 2003/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện phát triển các cơ sở ngoài công lập, thì đến nay, cả nước chỉ mới cấp, cấp lại giấy phép cho 22 cơ sở, trong đó 05 cơ sở đã ngừng hoạt động, 04 cơ sở hoạt động kém hiệu quả. 
Một bữa ăn của học viên tại Cơ sở Cai nghiện số 4 Hà Nội
Một số nguyên nhân chính được được chỉ ra, đó là thẩm quyền cấp phép, gia hạn, thu hồi hoạt động cai nghiện chưa phân cấp, gây khó khăn cho cơ sở cai nghiện tự  nguyện. Chính sách khuyến khích xã hội hóa không cụ thể, quy mô, tiêu chí, ghi chung chung, không dẫn chiếu theo quy định pháp luật nào nên không thực hiện được... Kinh phí cai nghiện cao, hiệu quả chưa rõ ràng. Tình đến nay, việc đánh giá hiệu quả của các cơ sở tư nhân gần nhất cũng đã 5-6 năm nay. Một trong những nguyên nhân chính khác, đó là nhiều địa phương không thích các cơ sở cai nghiện được xây dựng trên đất của mình, khiến cho các cơ sở này gặp nhiều khó khăn.
Kinh nghiệm ở nước ta cũng như các nước cho thấy, các cá nhân và tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong cai nghiện tự nguyện, không chỉ tăng số người được cai mà còn tăng chất lượng, hiệu quả. Các cơ sở này nằm trong hệ thống cai nghiện, trong sự quản trị của Nhà nước nhưng có thể “cạnh tranh” bình đẳng nhiều mặt với hệ thống cai nghiện của nhà nước. Sự cạnh tranh này là cần thiết để đa dạng hóa các mô hình, chất lượng cai nghiện cho người nghiện lựa chọn cơ sở phù hợp. 
Với quy mô nhỏ, bắt rễ với cộng đồng, năng động, các cơ sở cai nghiện ngoài công lập, dù mang tính nhân đạo, từ thiện hay dịch vụ xã hội, có thể tham gia nhiều hoạt động cai nghiện có hiệu quả ở từng công đoạn cai nghiện. Cần coi phát triển các cơ sở này như là bước cụ thể của việc xã hội hóa dịch vụ công. Muốn vậy, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhiều mặt để phát triển, tránh tình trạng “con đẻ, con nuôi” giữa cơ sở của nhà nước và cơ sở ngoài công lập, đi đôi với việc tăng định mức biên chế phù hợp, tránh tình trạng một cán bộ quản lý nhiều người nghiện như hiện nay.
Cai nghiện trong giai đoạn mới không tách rời vai trò của gia đình, cộng đồng xã hội
Cai nghiện trong giai đoạn mới không tách rời vai trò của gia đình, cộng đồng xã hội, đặc biệt là các tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng xã hội tình nguyện, các tổ nhóm tự lực, đồng đẳng của người cai nghiện. Vì dù cai nghiện với hình thức thì cái đích là trở về cộng đồng, sống trong môi trường lành mạnh và tình thương của cộng đồng để hồi phục hoàn toàn. Phát huy sức mạnh của cộng đồng là nắm chắc thế mạnh của từng tổ chức, cá nhân để khuyến khích, động viên tham gia tích cực vào các hoạt động cai nghiện cụ thể.
Bài 2: Nâng cao hiệu quả cai nghiện tại cộng đồng

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh