THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:04

Việt Nam có khoảng 161.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có khoảng 161.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm, với hàng trăm nghìn lao động. Hầu hết các lao động này đang làm trong khu vực phi chính thức và có nguy cơ cao bị vi phạm quyền của người lao động và tại một số nơi làm việc thì nguy cơ đó rất nghiêm trọng. 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại hội thảo
Một nghiên cứu gần đây do ILO thực hiện cho thấy lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, đặc biệt những cơ sở có khả năng liên quan đến mại dâm, thường đối mặt với một số hình thức vi phạm quyền của người lao động, như không có hợp đồng lao động, giữ lương, ép uống rượu bia và thậm chí là bạo lực từ nhiều đối tượng khác nhau. Họ cũng có nguy cơ cao bị nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là những người có khả năng kinh tế khém và bán dâm. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện làm việc tốt, áp dụng các biện pháp an toàn và sức khỏe thì ít có nguy cơ bị nhiễm HIV hơn. 
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, hiện nay Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 đang được triển khai nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội; đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ xã hội của người bán dâm tạo cơ hội cho họ thay đổi cuộc sống, hòa nhập cộng đồng bền vững. Thời gian qua có thể nói, Chương trình đạt được nhiều kết quả, không để tình trạng mại dâm phát triển gia tăng mặt khác những tác động của hoạt động đã góp phần giảm sự gia tăng của các bệnh xã hội, dịch bệnh HIV. 
Việt Nam có khoảng 161.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm (ảnh minh họa)
Mặt khác đối với người lao động trong các khu vực có nguy cơ cao cũng như người đã hành nghề mại dâm cũng được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ như chăm sóc sức khỏe, tư vấn luật pháp... Do đó, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng để nhìn lại vấn đề đã làm và xây dựng định hướng thời gian tới, tiếp tục chỉ đạo giúp các địa phương triển khai các hoạt động trong lĩnh vực này hiệu quả hơn.
Từ năm 2003, việc bảo đảm quyền của người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được Chính phủ Việt Nam ghi nhận và được đề cập trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa có nhiều hoạt động được thể hiện vì nhiều lý do. Nhưng hiện tại mọi thứ đang thay đổi. Bảo vệ quyền cho người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm đã được đưa vào Chương trình Hành động Phòng, chống mại dâm giai đoạn 5 năm 2016-2020. Đây là việc làm có ý nghĩa của Chính phủ để bảo vệ quyền của lực lượng lao động thường bị "lãng quên" này.
Tại hội thảo, ông Chang Hee Lee – Giám đốc Văn phòng Quốc gia ILO tại Việt Nam đã nhấn mạnh 3 thông điệp quan trọng. Thứ nhất, cần đảm bảo rằng người sử dụng lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải tuân thủ pháp luật để đảm bảo an toàn và sức khỏe cũng như các quyền lao động cho người lao động của mình. Vì vậy vai trò của các cơ quan thanh tra lao động và y tế tại địa phương rất quan trọng. .. 
Thứ hai, tầm quan trọng của việc hợp tác với tổ chức xã hội dân sự. Vì nhóm lao động này không có tổ chức chính thức nào đại diện cho tiếng nói của họ, nên các nhóm tự lực của người lao động tình dục hoặc những lao động từng làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có thể đóng vai trò quan trọng. Do đó cần có chính sách hoặc cơ chế để có sự tham gia của các nhóm tự lực của người lao động tình dục hoặc người từng làm việc tại các cơ sở dịch vụ giải trí, làm sao để họ có thể làm việc cùng các cơ quan chính quyền địa phương trong việc theo dõi và báo cáo việc tuân thủ pháp luật. Thứ ba là cần thường xuyên thu thập và sử dụng bằng chứng và thông tin để hỗ trợ cho hoạt động chính sách và quản lý để đảm bảo sự đáp ứng một cách kịp thời và hiệu quả.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh