THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:23

Nơi người nghiện yên tâm chữa bệnh

Bài 1: Xem học viên như người nhà

Hát Karaoke, tập Gym tại cơ sở cai nghiện
Lâu nay, người ta hay đồn thổi vào cơ sở cai nghiện phải lao động cực nhọc, vất vả, bị quản lý, phân biệt đối xử… thế nhưng có tận mắt được chứng kiến điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập… của học viên đang được điều trị, chữa bệnh tại đây, chắc nhiều người không khỏi bất ngờ và có phần choáng ngợp không chỉ bởi khuôn viên rộng hàng chục héc ta, mà còn bởi sự bình yên, ấn tượng trước những hoa văn được học viên trang trí đẹp mắt chạy dài theo những con đường trong cơ sở cai nghiện. 

Học viên sinh hoạt nhóm tại Cơ sở cai nghiện số 5 Hà Nội (ảnh Chu Lương)

Có mặt tại Cơ sở cai nghiện số 4 Hà Nội vào những ngày  đầu năm, không vào khu hành chính, cũng như phòng lãnh đạo trung tâm, mà phòng nghỉ dưỡng, chăm sóc những bệnh nhân “đặc biệt” được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm vào thăm đầu tiên.

Điều đầu tiên chúng tôi được nghe là lời chào của những học viên xếp hàng ngay ngắn khi có người đến thăm. Những lời chào đó xuất phát từ những con người chỉ mới đây thôi còn vật vã mỗi khi lên cơn thèm thuốc, phải nằm trong khu điều trị để cắt cơn nghiện ma tuý, thế nhưng hôm nay họ hoàn toàn lột xác mà không tận mắt chứng kiến chắc khó tin được.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm thăm hỏi, động viên học viên cai nghiện tại cơ sở cai nghiện (ảnh Chu Lương)

Trong phòng có 6 người, toàn đàn ông con trai đủ mọi lứa tuổi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đích thân vào thăm nên mọi người không khỏi xúc động vui mừng. Là người vào Cơ sở cai nghiện lần thứ 2, học viên Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1964 (Đống Đa - Hà Nội), đang chữa bệnh tại Cơ sở cai nghiện số 4 Hà Nội, tươi cười khi kể về những ngày tết vừa qua: “trong này cũng được nghỉ lễ tết bình thường như mọi người. Mấy ngày tết mấy anh em, chú cháu trong này tổ chức liên hoan, hát karaoke, rồi các sinh hoạt văn hóa cũng với cán bộ trung tâm. Vậy nên chỉ vào mấy ngày là thành quen, mọi người xem nhau như một gia đình, còn được cán bộ quan tâm, giúp đỡ nên rất vui và thoải mái như khi ở nhà, vì tất cả những khó khăn gặp phải đều được các cán bộ ở đây quan tâm, giải quyết ngay. Vậy nên mấy ngày tết mặc dù không sum vầy bên gia đình, nhưng cái không khí ấy khiến tôi cũng như anh em ở đây phần nào quên đi nỗi nhớ nhà, quên đi ma túy. Nhiều anh em có điều kiện gia đình khó khăn, cơm không đủ ăn, nhưng vào trung tâm thì không lo đói".

Anh Lê Trọng Đức (sinh năm 1994, quê Mậu Lương, Kiến Hưng, Hà Đông) chia sẽ, được chính quyền địa phương vận động, em đã tự nguyện xin vào trung tâm cai nghiện. Ban đầu, em rất sợ vì nghĩ khi vào trung tâm sẽ bị đánh đập, phải sống trong một môi trường riêng biệt. Tuy nhiên, khi bước chân vào đây, em và gia đình được các cán bộ đón tiếp ân cần, kinh phí điều trị được hỗ trợ 100%..., từ đó suy nghĩ của em đã khác và rất yên tâm khi được cai nghiện.
Không chỉ sự thân thiện được thể hiện trong nếp sống, mà những hình ảnh trong khuôn viên, từ cổng vào, hành lang, vườn rau quả đều được tổ chức “thành nếp, thành hàng” bởi sự dày công của cán bộ trung tâm dành cho những học viên.

Ngoài được chữa bệnh, học văn hóa, thì học viên còn được tham gia nhiều hoạt đông khác như thể thao, ca hát, tập Gym (ảnh Chu Lương)

Ông Hoàng Văn Luật, Giám đốc Cơ sở cai nghiện số IV Hà Nội cho biết: tổng diện tích cơ sở là 24 ha, trong đó diện tích nhà ở, nhà xưởng gần 14.000m2, có khả năng tiếp nhận, cai nghiện cho 1.300 học viên.Hiện tại đang quản lý 421 học viên, gồm: 75 bắt buộc, 222 người sau cai nghiện, 124 học viên tự nguyện.

Đối với học viên vào cai nghiện, đơn vị thực hiện phân loại học viên theo từng diện tiêu chí như: tình trạng sức khỏe, loại ma túy sử dụng,… để triển khai phác đồ điều trị phù hợp. Sau khi tiếp nhận học viên mới, đơn vị tổ chức cai cắt cơn, điều trị bệnh cho học viên tại phòng Y tế phục hồi sức khỏe. Trong thời gian từ 20 - 30 ngày, học viên hết hội chứng cai, sức khỏe dần ổn định được đơn vị chuyển ra các đội quản lý để tiếp tục rèn luyện thể lực và thực hiện quy trình cai nghiện.
Quá trình cai chữa trị, phục hồi, học viên được đơn vị tổ chức các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, lao động trị liệu, sản xuất, tư vấn hướng nghiệp, học nghề phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị và nhu cầu của học viên.
Đừng để xã hội kém phát triển vì ma túy
Tại phòng điều trị bệnh nhân ở Cơ sở cai nghiện số 1 Hà Nội , lúc này 2 bệnh nhân nam đang được điều trị, cắt cơn vì nghiện ma túy đá khá nặng. Đáng chú ý là bệnh nhân Đào Mạnh Hải (SN 1995), hiện đang là sinh viên năm 4 Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.
Là con cả trong gia đình, với dáng vẻ thư sinh, hiền lành, nhưng Hải nghiện “đá” từ khi là sinh viên năm 2 do đua đòi theo bạn bè, dần thành nghiện nặng. Những đồng tiền xương máu của bố mẹ đáng ra để trang trải tiền học hành thì Hải nướng hết vào ma túy. Khi bị gia đình phát hiện, không cho tiền, Hải quay sang trộm cắp tiền gia đình. 

Thứ trưởng  Nguyễn Trọng Đàm trò chuyện với học viên Đào Mạnh Hải (áo đỏ ở giữa) tại Cơ sở cai nghiện số 1 Hà Nội. (ảnh Chu Lương)

Qua lời các cán bộ của cơ sở, Hải được gia đình phối hợp với chính quyền đưa vào được gần chục ngày, tình trạng của Hải đã tốt hơn rất nhiều, không còn hoang mang, ảo giác.  “Ở trong này được sự chăm sóc của các bác sĩ, cán bộ trung tâm, cháu phải có nghị lực phấn đấu, rèn luyện bản thân, cố gắng phải bỏ bằng được ma túy. Cả gia đình, cha mẹ đặt trọn niềm tin vào cháu,  gia đình nào có con bị nghiện như cháu thì khổ lắm, vậy nên phải quyết tâm từ bỏ ma túy đi” – Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm căn dặn Hải.

Nhìn cái vẻ mặt ngơ ngơ, ngác ngác chưa tỉnh hẳn của Hải, tôi thầm tiếc cho một thanh niên có ăn, có học đàng hoàng. Đáng tiếc là Hải không biết nâng niu những giá trị của cuộc sống, tôn trọng công sức mà cha, mẹ dày công vun đắp cho mình để giờ đây nghiện ma túy nặng, Hải mới thấm thía ân hận những gì mình đánh mất, mong một ngày nào đó không xa, lời hứa “từ bỏ ma túy” của Hải thành hiện thực.
Căn dặn học viên tại các Cơ sở cai nghiện Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm không quên nhắc nhở các học viên: “Các em có biết tại sao Nhà nước mỗi năm phải tốn hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các cơ sở cai nghiện?, Hàng nghìn con người mất ăn, mất ngủ, không được ăn tết bên gia đình là vì ai không?. Chúng ta đều là những thanh niên khỏe mạnh, đáng lẽ ra phải là trụ cột của gia đình. – Đến đây, không khí trong phòng trầm xuống, mọi người như hiểu ra vấn đề, rồi Thứ trưởng tiếp lời: "Đáng lẽ ra hàng nghìn tỷ đồng đó để phục vụ phát triển đất nước, là dành cho trẻ em, gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thế nhưng vì ma túy mà các em không những khiến gia đình, mà cả xã hội phải khổ. Vào Cơ sở cai nghiện, các em được chăm sóc, chữa bệnh, đảm bảo các điều kiện như thế này thì phải tự bản thân mình phấn đấu, phải nhận thức được khi gia đình gửi gắm các em vào đây là mong cho các em từ bỏ ma túy, trở thành người lương thiện, tử tế. Cả gia đình, bố mẹ, con cái đang trông chờ vào các em, cho nên phải có gắng chữa bệnh, tự mình ý thức, quyết tâm bỏ ma túy để không phụ lòng mong mỏi của gia đình để sớm phục hồi, trở về hòa nhập với cộng đồng".

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh