80% cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm không đủ điều kiện hoạt động
- Pháp luật
- 13:16 - 18/11/2016
Nhiều quán karaoke thiếu diện tích, thừa nhân viên, ăn mặc hở hang
Hà Nội là một trong những đô thị có tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm phức tạp nhất cả nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, đời sống xã hội. Thời gian qua, các ngành, đơn vị liện quan đã tích cực vào cuộc, đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác, phòng chống mại dâm. Trong đó, tập trung vào kiểm tra, triệt phá, xóa các tụ điểm mại dâm cũng như xét xử các trường hợp vi phạm.
Ông Nguyễn Đình Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có gần 32.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, với hàng chục nghìn nhân viên. Trong đó, có hơn 5.600 cơ sở kinh doanh có điều kiện nhạy cảm về an ninh trật tự, bao gồm 8 vũ trường, 1.185 quán Karaoke, Bar rượu có nhạc mạnh, 1.050 khách sạn, nhà nghỉ, 878 cơ sở mát xa, 80 cơ sở cắt tóc gội đầu thư giãn, 140 quán cà phê đèn mờ, cơ sở tắm nóng lạnh… có nguy cơ cao.
Điều đáng quan tâm là trong số 32.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm thì có khoảng 80% cơ sở thiếu và không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật. Nhiều quán karaoke vi phạm như thừa phòng, thiếu diện tích, thừa nhân viên, khổng đủ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy, cửa không trong suốt, cửa có chốt trong... nhiều cơ sở mát -xa nhân viên ăn mặc không đúng quy định, “thiếu vải, hở hang”, nhân viên không có chứng chỉ, cơ sở không có bác sĩ trực, làm quá giờ quy định, không có chuông báo ngược...
Tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, có cả đội ngũ xe ôm chuyên phục vụ chở tiếp viên cung ứng cho các quán karaoke, nhà nghỉ, vũ trường… diễn ra nhiều nhất ở khu vực Nguyễn Chí Thanh, Nguyên Hồng, đường Láng, Thái Thịnh, Cát Linh, Giảng Võ, Yên Phụ.. tình trạng trên diễn diễn ra công khai, gây bức xúc. Các tuyến đường trên địa bàn quận, huyện khác cũng tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp về hoạt động mại dâm…
Kiểm tra một cơ sở dinh doanh dịch vụ nhạy cảm (Ảnh C.L)
Theo ông Hiền, từ đầu nă đến nay, các Đội kiểm tra liên ngành 17, quận, huyện, thị xã đã kiểm tra hàng chục lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện đấu tranh, triệt phá nhiều vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm, và bắt giữ hàng trăm đối tượng. Tệ nạn mại dâm hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, sử dụng internet, các trang mạng xã hội như facebook, zalo, điện thoại để giao dịch.
Ông Nguyễn Đình Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH cho biết, 80% cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm không đủ điều kiện hoạt động (Ảnh C.L)
Bên cạnh đó, các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm còn tìm mọi cách đối phó, như văng mặt khi bị kiểm tra, các giấy tờ, thủ tục theo quy định không để tại nơi hành nghề, nhân viên không có giấy tờ tùy thân. Đặc biệt vẫn còn diễn ra tình trạng cán bộ, công an gọi điện can thiệp khi cơ quan chức năng thanh, kiểm tra, gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Số người nghiện tại cộng đồng cao, phần lớn bỏ trốn sau khi tòa án ra quyết định
Tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn TP Hà Nội vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Trên các tuyến trọng điểm về ma túy như tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, tuyến miền Trung qua các cửa khẩu biên giới Việt - Lào, Việt - Trung, hoạt động tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn về qua địa bàn Hà Nội và đi các tỉnh khác tiêu thụ diễn biến phức tạp. Tình trạng tội phạm ma túy vận chuyển trên tuyến bưu điện, qua chuyển phát nhanh. tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng.
Số người nghiện tại cộng đồng cao, phần lớn bỏ trốn sau khi tòa án ra quyết định (Ảnh C.L)
Về người nghiện ma túy, Hà Nội hiện hơn 14.000 người nghiện, trong đó số người tại các Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội là 2.417 người. Cụ thể số người quản lý sau cai là 1.184, cai nghiện bắt buộc 480, cai nghiện tự nguyện 572, điều trị methadone 108, và lưu trú tạm thời 14 người. Việc đưa người nghiện mà túy không có nơi cư trú ổn định vào lưu trú tạm thời trong thời gian chờ lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã dần đi vào nề nếp.
Theo ông Nguyễn Đình Hiền, một số bất cập vẫn chưa được giải quyết, gây khó khăn cho việc đưa người nghiện đi cai bắt buộc. Theo quy định hiện nay, sau khi tòa án ra quyết định, người bị tòa án đề nghị có thời gian 3 ngày để xem xét hồ sơ và có thể khiếu nại nếu thấy không đúng. Trong 3 ngày đó, đối tượng hoàn toàn được tự do ở nhà và thường là bỏ trốn luôn. Đó là một phần nguyên nhân khiến cho 7 trung tâm cai nghiện của thành phố với sức chứa gần 10.000 người luôn thiếu học viên, dư thừa cơ sở vật chất, với chỉ có hơn 2.400 học viên tại trung tâm. Để công tác cai nghiện bắt buộc đạt kết quả cao rất cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các bộ, ngành. Mặt khác, công tác cai nghiện và giáo dục tại cộng đồng cần được duy trì tốt hơn nữa, nếu không sẽ không đưa được đối tượng cần cai vào trung tâm cai nghiện bắt buộc.
Trước tình hình phức tạp của tệ nạn ma túy, TP Hà Nội đã đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống nhằm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội. Công an Thành phố đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành chính quyền địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về hiểm họa, tác hại của tệ nạn ma túy để người dân tự phòng ngừa.
Đồng thời, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng, chống tội phạm góp phần ngăn chặn, kiềm chế, tiến tới làm giảm tội phạm ma túy và giảm người nghiện ma túy. Nhờ đó, trên các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn ma túy, hoạt động mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy cơ bản đã được kiềm chế.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
3 tháng trước
Tin nên đọc