Những nông dân làm giàu từ nghề ‘mục đồng' ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh
- Y học 360
- 14:21 - 27/08/2019
- Lão nông làm giàu từ mô hình chăn nuôi chồn hương đầu tiên ở Vĩnh Long
- Nông dân Quảng Trị với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp
- Hà Tĩnh: Rà soát tổng thể những sai phạm từ Dự án chăn nuôi bò Bình Hà
- Xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi để kết nối cung cầu
- Người Sài Gòn làm 'nông dân thời công nghệ'
Dọc theo hướng về phường Cát Lái (Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP. Hồ Chí Minh), không khó để bắt gặp hình ảnh từng đàn trâu đang gặm cỏ cạnh những ngôi nhà cao tầng, khu chung cư, trung tâm thương mại…
Từ quê lên thành phố làm "mục đồng"
Ông Nguyễn Thái T. (41 tuổi, ngụ quận 2, TP. Hồ Chí Minh)- chủ một đàn trâu đang được chăn thả tại quận 2 cho biết, đàn trâu của ông được chăn thả tự do."Không cần nhiều người chăn, dắt như ở quê. Chúng thường đi theo đàn nên không sợ mất, bên cạnh đó khu vực quận 2 này bị quy hoạch treo đã lâu không xây dựng dự án nhiều nên cỏ mọc um tùm nên rất thuận lợi cho việc chăn nuôi" - ông T. chia sẻ.
Tâm sự về cơ duyên đến với nghề "mục đồng" giữa trung tâm thành phố, ông T. cho biết bản thân ông là người xuất thân từ miền Tây, quanh năm làm ruộng không đủ sống, vì kinh tế gia đình rất khó khăn nên gia đình luôn lâm vào cảnh bữa đói bữa no. Thương vợ, thương con ông T. đành xa quê hương lên thành phố tìm nghề mưu sinh.
Những ngày khăn gói lên thành phố không biết làm việc gì, sau vài ngày lang thang đây đó, ông may mắn xin vào công trình ở quận 2 làm thợ hồ. Sau một thời gian làm công nhân phụ hồ, thường xây dựng các công trình nhà cao tầng nên từ trên cao, ông T. phát hiện giữa trung tâm thành phố có rất nhiều mảnh đất trống cỏ mọc xanh ùm tùm. Vốn xuất thân từ nông dân nên đêm về ông T. luôn suy nghĩ về những bãi đất trống đầy cỏ xanh, và cũng từ những suy nghĩ đó ông nảy ra ý định lập nghiệp từ việc chăn thả trâu ở thành phố.
"Nghĩ là làm, tôi quyết định nghỉ việc về quê chạy vạy vay tiền từ người thân, bạn bè để lên thành phố chăn nuôi. Mới đầu, nghe tôi nói vay tiền lên Sài Gòn chăn trâu ai cũng cười và nghĩ rằng tôi không bình thường.
Mới đầu vì thiếu vốn nên tôi chỉ mua được 2 con trâu, 2 con bò về chăn thả, nhưng thời gian sau môi trường sống tốt, nguồn cỏ dồi dào nên chúng lớn nhanh và sinh con. Cứ vậy, đến nay, dù đã bán bớt nhưng đàn trâu, bò của tôi vẫn hơn 40 con". Ông T. tâm sự
Thời gian đầu mới nuôi, không kinh nghiệm nên trâu thường xuyên bị bệnh, ăn mãi không lớn, thấp còi nhỏ xương. Cả năm vất vả nuôi nhưng không có lời, trong khi đó tiền lãi tháng nào cũng phải lo. Thấy vậy ông T. thăm dò và học hỏi những nhà nuôi có kinh nghiệm lâu năm để chăm sóc đàn trâu kỹ hơn. Sau vài năm chăm sóc, có kinh nghiệm chăn nuôi đàn trâu mới phát triển và có thu nhập ổn định.
Cũng là bạn "mục đồng" với ông T., ông Trần B. (47 tuổi, ngụ quận 2, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, ngày trước gia đình ông sống ở tỉnh Vĩnh Long rất khá giả. Nhưng không may lúc sa cơ lỡ vận, những người xung quanh dần xa lánh. "Với hy vọng làm lại cuộc đời, tôi tìm lên người quen để lập nghiệp, Trong thời gian đầu mới lên thành phố, tôi làm đủ nghề như xe ôm, bốc xếp, thợ hồ…cuộc sống cơ cực kéo dài hơn một năm". Ông B. tâm sự.
Trong khoảng thời gian hơn một năm bươn trải đủ nghề ở TP.HCM, ông B. nhận thấy khu vực quận 2 có nhiều đồng cỏ ngút ngàn, xanh rờn nên đã mạnh dạn vay vốn mua cặp bò về thả. Sau nhiều năm chăn nuôi, đàn bò ông B. đã lên tới hàng trăm con. Số tiền mỗi năm thu được lên tới hàng trăm triệu, cuộc sống gia đình khá giả, ông đã mua nhà và đưa vợ con lên thành phố sinh sống.
Chia sẻ về khó khăn ban đầu gặp phải, ông B. nói: "Ngày đầu, tôi chưa biết nuôi nhưng thấy đồng cỏ xanh mướt, đất rộng nên nhân rộng thêm để chăn thả. Có đêm, 2 con bò không biết ăn gì nằm lăn ra, thở hổn hển, nước bọt trào trắng phếu. Tôi hoảng hốt, loay hoay chạy tìm thú y mới biết bị ngộ độc. Mấy ngày liền trằn trọc, ngủ không yên chạy ra chuồng thăm dò và có khi ngủ cạnh chuồng bò tới sáng. Tôi rất lo sợ 2 con bò lỡ chết đi coi như trắng tay, nợ nần chồng chất. Trong giây phút tuyệt vọng, tôi được người quen dưới quê gửi thuốc gia truyền trị ngộ độc. Sau vài ngày, 2 con bò đã có thể ăn uống trở lại. Từ đó tôi có kinh nghiệm hơn trong việc chăn nuôi".
Có thể nói, nghề "mục đồng" giữa trung tâm thành phố đã giúp những người nông dân chân lấm tay bùn giàu lên, mua đất cất nhà ở TP. Hồ Chí Minh. Nhưng hiện nay các công trình đang ngày càng mở rộng, nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên nên diện tích đất trống thu hẹp nguồn cỏ giảm hơn so với trước nên những "mục đồng" chỉ để lại ở quận 2 một số lượng ít trâu, bò, số còn lại họ đưa về các vùng ven như quận 12, Bình Chánh, Củ Chi… để làm trang trại.