Kiên Giang: Tín dụng chính sách giúp dân thoát nghèo
- Dược liệu
- 20:23 - 26/08/2019
Thực hiện chủ trương hỗ trợ một cách thiết thực với hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, người dân sống ở vùng bãi ngang, bị thu hồi đất… Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm củng cố, nâng chất lượng tín dụng chính sách xã hội phù hợp với từng địa bàn xã, huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện rà soát lại mức dư nợ bình quân hộ các chương trình và nhu cầu vốn cần thiết để xác định nhu cầu vốn hàng năm, tranh thủ nguồn vốn cho vay để tăng trưởng dư nợ tín dụng. Hiện nay, mức cho vay bình quân được ngân hàng nâng dần lên tới mức cho vay tối đa, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Theo NHCSXH Kiên Giang, hơn 16 năm qua (2002-2018), công tác tín dụng chính sách xã hội tỉnh có tác động tích cực và thiết thực đối với đời sống của nhân dân trong tỉnh. Cụ thể, toàn tỉnh có gần 571.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn, góp phần giúp trên 66.000 hộ thoát nghèo. Qua đó giải quyết việc làm cho trên 125.000 lao động, giúp trên 54.000 học sinh, sinh viên trang trải chi phí học tập. Trên 180.000 hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, xây dựng 9.000 căn nhà vượt lũ cho hộ dân trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ và trên 13.000 nhà ở cho hộ nghèo. Đặc biệt đã có trên 73.000 lượt hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh nhờ đó ổn định ổn định cuộc sống. Đến ngày hết quý 1 năm 2019, tổng nguồn vốn đạt 3.249 tỷ đồng, tăng 3.158 tỷ đồng và gấp 34 lần so năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 38%.
Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương, khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở các vùng nông thôn trong tỉnh. Các tổ chức chính trị, xã hội có điều kiện thu hút đoàn viên, hội viên, có thêm kinh phí hoạt động, gắn kết công tác hội với tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Người nghèo và vùng nghèo được cải thiện điều kiện kinh tế, hạn chế tệ nạn xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tỉnh Kiên Giang có gần 65 nghìn hộ đồng bào dân tộc Khmer, sinh sống tập trung ở các xã vùng nông thôn, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Một trong những "đòn bẩy" cho sự phát triển kinh tế của đồng bào Khmer là nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang. Nhờ được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ đồng bào Khmer Kiên Giang đã tổ chức sản xuất tốt, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nguồn vốn chính sách đã giúp cho 9.329 lao động có việc làm, 1.842 học sinh, sinh viên vay vốn học tập. Giúp xây dựng hơn 5.103 công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, 903 nhà ở cho hộ nghèo và gia đình chính sách. Có trên 1.886 hộ được đầu tư vốn để sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho 583 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sinh sống trong các cụm tuyến dân cư vượt lũ...
Kiên Giang đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như tạo vốn vay ưu đãi gắn với hỗ trợ điều kiện sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Hỗ trợ đa dạng các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả, bền vững để hộ nghèo học tập, làm theo. Nhờ vậy, đến cuối năm 2018, Kiên Giang chỉ còn 18.252 hộ nghèo (theo tiêu chí tiếp cận đa chiều), chiếm 4,14%, giảm 2,06% so với cuối năm 2017; hộ cận nghèo là 20.597, chiếm 4,68%, giảm 0,12% so với cuối năm 2017. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số còn 4.854 hộ nghèo chiếm 7,29%, giảm 3,3% so với cuối năm 2017; hộ cận nghèo còn 4.812, chiếm 7,23%, giảm 0,09% so với cuối năm 2017.
Từ nay đến hết năm 2019, tỉnh Kiên Giang tiếp tục chỉ đạo để thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn lực tín dụng chính sách xã hội gắn với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xóa nghèo bền vững, giúp dân vươn lên làm giàu.