CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:12

Chuyện những người Dao xin thoát nghèo

Chuyện những người Dao xin thoát nghèo - Ảnh 1.

Thị trấn Ba Chẽ nhìn từ trên cao.


Chuyện những người Dao xin thoát nghèo - Ảnh 2.

Trung tâm xã Đồn Đạc chỉ cách trung tâm huyện Ba Chẽ khoảng 3km. Tuy nhiên, với địa hình rộng, để đi từ đầu xã đến cuối xã phải mất đến 40 km đường rừng. Nơi đây, có đến gần 90% là người dân tộc thiểu số. Đồn Đạc hiện vẫn là xã 135 khó khăn nhất của huyện Ba Chẽ. Từng là xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Đồn Đạc liên tục giảm nhanh và bền vững. Đặc biệt, những hộ nghèo tại xã Đồn Đạc là những hộ tiên phong viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Gia đình chị Vi Thị Sơn và anh Đặng Coóng Si, người dân tộc Dao, ở thôn Làng Han, xã Đồn Đạc từng nhiều năm nằm trong danh sách hộ nghèo. Ngồi trong ngôi nhà mới xây xong, chị Sơn không giấu được niềm phấn khởi khi gia đình không còn nằm trong danh sách hộ nghèo. Chị bảo, ngôi nhà mới 2 tầng rộng hơn trăm mét vuông này khác xa so với ngôi nhà tuềnh toàng trước kia gia đình sinh sống.

Rồi chị Sơn kể, gia đình có 5 ha đất rừng và rất ít ruộng nên trước đây, sản xuất chỉ đủ ăn. Những năm qua, gia đình sống trong ngôi nhà tranh tre, nứa, chỉ cần một trận mưa là nhà dột tứ bề. Con cái lớn dần, cái ăn không còn phải lo lắng nhưng việc làm nhà là điều rất khó khăn.

Chuyện những người Dao xin thoát nghèo - Ảnh 3.

Triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020, khi rà soát hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện thông qua các phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình thông qua 10 tiêu chí để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, cận nghèo thì gia đình chị Sơn thuộc hộ nghèo. "Có được căn nhà khang trang là niềm mong ước của cả gia đình nhưng đó là tài sản quá lớn nên không nghĩ đến. Việc đi vay ngân hàng hay hàng xóm, anh em để làm nhà càng sợ hơn vì vay rồi không biết lấy gì trả nợ", chị Sơn bộc bạch.

Có được căn nhà mới xây 2 tầng là ngoài sự mong đợi của hai vợ chồng. Niềm vui không kể sao cho xiết. Năm 2018, hai vợ chồng chị Sơn bàn nhau viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. "Mình lên xã nộp đơn, cán bộ xã nói, ra khỏi hộ nghèo là mất hết quyền lợi. Mình nói, xin ra là để tìm cách làm ăn cho khấm khá chứ mình không muốn ngồi chờ gạo cứu đói", chị Vi Thị Sơn chia sẻ.

Là xã 135 vùng dân tộc thiểu số nên xã Đồn Đạc được đầu tư khá nhiều về cơ sở hạ tầng cũng như các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, y tế, giáo dục, văn hóa... cũng được quan tâm đầu tư.

Vừa vặn vòi nước sạch do nhà nước kéo về đến tận nhà, chị Sơn kể, trước đây các hộ dân phải đi xách nước rất xa. Sau đó, các gia đình tự mua ống đưa nước về nhưng nguồn nước không đảm bảo, lúc có, lúc không. Từ khi được Nhà nước đầu tư đưa nước sạch về tận ngõ xóm thì nhà nào cũng có nước sạch dùng ổn định, sinh hoạt tiện như người thành phố.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Sơn chậm rãi nói: "Dù kinh tế chưa phải đã khấm khá nhưng không còn nghèo như trước. Nhà cửa cũng đã xây đủ cứng, đủ đẹp nên mình tự nguyện viết đơn ra khỏi hộ nghèo, không thể ở mãi danh sách hộ nghèo".

Chỉ tay về phía cánh rừng keo 3 năm tuổi của gia đình trước nhà, chị Sơn tự tin: "Chỉ vài năm nữa, 5 ha keo sẽ được bán. Nếu tính theo giá hiện nay, gia đình cầm chắc trong tay 200 triệu đồng, đủ tiền trả nợ vay xây nhà…"

Chuyện những người Dao xin thoát nghèo - Ảnh 4.

Cách gia đình chị Sơn không xa, gia đình ông Đặng Văn Năm cũng là một trong những hộ tình nguyện viết đơn xin ra khỏi "biên chế" hộ nghèo.

Ông Năm bảo: "Nếu không có Nhà nước hỗ trợ chắc gia đình tôi thuộc diện nghèo bền vững". Kể về giai đoạn khó khăn của gia đình mình, ông Năm cho biết, từ ngày ra ở riêng (năm 1995) đến năm 2018, gia đình ông luôn trong diện hộ nghèo.

Nhà có hai vợ chồng và 3 người con. Với 6 ha rừng, ông Năm làm thuê, làm mướn nhưng đến mùa giáp hạt phải chạy ăn từng bữa. Trước đây, nằm trong danh sách hộ nghèo vì thiếu ăn, thu nhập thiếu trước hụt sau. Vậy nhưng, khi được Nhà nước đầu tư hỗ trợ sinh kế, gia đình ông không còn sợ đói nhưng khó khăn nhất đối với gia đình là không có đủ tiền làm nhà.

Bao năm, gia đình ông Năm vẫn sống trong căn nhà tạm mà ông vẫn nói vui: Rét thấu xương, mưa ngập nhà, nắng cháy mặt… "Nay với 6 ha rừng, nếu chăm chỉ chịu khó, tranh thủ đi làm thuê thì không lo thiếu ăn. Nhưng ngặt nỗi, bao năm nay nhà tôi vẫn ở diện hộ nghèo vì chưa có nhà đủ cứng!", ông Năm thật thà chia sẻ.

Ông Năm từng đi làm thuê và học được kỹ thuật ươm cây giống sa mộc. Nắm được kỹ thuật ươm cây, chăm bón cây cũng như mật độ trồng, ông về nhà tự ươm cây và trồng sa mộc trên hơn 1 ha rừng nhà.

Khi được Nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng tiền làm nhà, ông Năm bán toàn bộ sa mộc thu về hơn 150 triệu đồng. Vay mượn thêm ngân hàng và xóm làng, gia đình ông đã xây được căn nhà 2 tầng khang trang.

Chuyện những người Dao xin thoát nghèo - Ảnh 5.

Phấn khởi vì con cái đã trưởng thành, ông Năm khoe: "Năm vừa rồi, thằng cả sau khi đi lính nghĩa vụ trở về địa phương, tôi động viên con đi làm việc tại các doanh nghiệp để có thu nhập ổn định hơn. Đứa con gái học xong phổ thông cũng đăng ký đi làm nghề may tận Hải Phòng".

Thực tế, việc động viên người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp đối với đồng bào Dao còn rất khó khăn. Phần lớn các gia đình đều muốn con mình quanh quẩn ở làng, bám lấy rừng và rất ngại đi làm ăn xa. Nhưng ông Năm được cán bộ xã tuyên truyền, vận động nên đã thay đổi. Ông bảo: "Các con đi làm ăn xa, còn phải lo cho cuộc sống riêng cũng chưa có tiền gửi về đỡ đần bố mẹ. Nhưng nghe các cháu kể, có công việc ổn định và lương hàng tháng là gia đình phấn khởi rồi".

Chuyện những người Dao xin thoát nghèo - Ảnh 6.

Ông Khiếu Anh Tú - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc cho biết, trước đây ở xã, có rất nhiều hộ nghèo ở nhà tạm bợ như gia đình chị Sơn, ông Năm. Cùng với việc hỗ trợ sinh kế cho người dân phát triển kinh tế, chính quyền địa phương huy động nguồn lực để hỗ trợ người dân có nhà ở đủ cứng. Cùng với Chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/08/2015 thực hiện hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2, xã Đồn Bạc huy động các nhà tài trợ chung tay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở. "An cư lạc nghiệp", có ngôi nhà vững chãi, người dân yên tâm lao động sản xuất để nâng cao đời sống", ông Khiếu Anh Tú chia sẻ.

Nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới và huy động sự chung tay đóng góp của cộng đồng đã giúp đời sống người Dao ngày càng được nâng lên.

Chuyện những người Dao xin thoát nghèo - Ảnh 7.

Chuyện những người Dao xin thoát nghèo - Ảnh 8.

Nhiều tuyến đường mới ở Ba Chẽ hoàn thành.

Chuyện những người Dao xin thoát nghèo - Ảnh 9.

Cuối năm 2018, toàn xã còn 284 hộ nghèo và 235 hộ cận nghèo. Xã huy động tổng lực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, đảm bảo họ thoát nghèo bền vững. Ban chỉ đạo giảm nghèo phân tích rõ điều kiện, hoàn cảnh từng hộ nghèo, hộ cận nghèo để biết gia đình đang thiếu gì và cần hỗ trợ gì. Đối với những hộ còn khả năng lao động, kiên quyết có chính sách hỗ trợ "đúng và trúng" để họ thoát nghèo bền vững.

Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, thay vì trông chờ, ỷ lại, "níu" gia đình vào danh sách hộ nghèo như trước.

Đối với mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo, Ban chỉ đạo phân tích 10 tiêu chí thiếu hụt. Theo đó, nhà ở và nhà tiêu hợp vệ sinh là 2 tiêu chí thiếu chiếm tỷ lệ cao nhất. Bên cạnh nguồn lực Nhà nước, để giải quyết dứt điểm thiếu hụt 2 chiều này, xã Đồn Đạc phối hợp huyện Ba Chẽ cũng như UBND tỉnh Quảng Ninh kêu gọi xã hội hóa để giúp đỡ người nghèo có nhà đạt tiêu chuẩn.

Những hộ thiếu đất sản xuất, hộ nghèo có sức lao động không có việc làm sẽ vận động người thân chia đất cho con cháu. Vận động những lao động trẻ đi làm việc tại các doanh nghiệp, HTX, tổ chức tư nhân, mạnh dạn tham gia lao động tại cụm công nghiệp Nam Sơn. Đồng thời, rà soát quỹ đất hiện có trên địa bàn để cấp bổ sung cho các hộ. Đồn Đạc là xã nghèo nhất của huyện Ba Chẽ nhưng năm 2018, xã là địa phương đầu tiên của huyện và cũng là xã đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh có 44 gia đình tiên phong viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Năm 2018, xã có 270 hộ thoát nghèo. Dự kiến, đến cuối năm 2019 có 203 hộ ra khỏi hộ nghèo và 195 hộ thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo. Những hộ tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, chính quyền xã, huyện đều đã biểu dương, khen thưởng kịp thời. Đây cũng là những tấm gương để những hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo. "Đối với những hộ tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo nên duy trì các chính sách hỗ trợ như hộ nghèo thêm một thời gian. Đặc biệt, những hộ có con theo học tại các trường đại học, cao đẳng có nhu cầu vay vốn ưu đãi cần được quan tâm ưu tiên", ông Tú đề xuất.

Chuyện những người Dao xin thoát nghèo - Ảnh 10.

Ngay sau khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Ba Chẽ thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo và thành lập tổ giám sát tổng điều tra hộ nghèo. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể và sự đồng lòng ủng hộ của cả cộng đồng.

Chuyện những người Dao xin thoát nghèo - Ảnh 11.

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ người dân thoát nghèo mà huyện Ba Chẽ đặt mục tiêu thoát nghèo bền vững cho người dân. Ông Nguyễn Công Quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết, địa phương luôn khuyến khích, động viên người dân phát triển sinh kế vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại và sự hỗ trợ cho không của Nhà nước.

"Phòng LĐ-TB&XH phối hợp mở 6 lớp đào tạo nghề cho 120 học viên lao động nông thôn, đạt 100% so kế hoạch. Số lao động được tạo việc làm mới là 495 lao động, đạt trên 105% kế hoạch huyện đề ra. Hội LHPN huyện Ba Chẽ được huyện giao giúp 32 hộ nghèo thoát nghèo, nhưng Hội đã vận động giúp đỡ thêm 17 hội viên thoát nghèo. Các cán bộ hội vận động chị em tích cực tham gia xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp theo định hướng của huyện. Trong đó, chú trọng phát triển mô hình đặc thù của địa phương như trồng mía tím, ba kích, thanh long, măng mai, trà hoa vàng, trồng rừng và nuôi gà đồi, trâu bò", ông Quyền thông tin.

Chuyện những người Dao xin thoát nghèo - Ảnh 12.

Câu chuyện 44 lá đơn đầu tiên xin ra khỏi hộ nghèo của đồng bào Dao ở xã Đồn Đạc như một tấm gương sáng. Trong năm 2018, có 104 hộ nghèo ở 8/8 xã, thị trấn thuộc huyện Ba Chẽ tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Phong trào viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo lan rộng khắp tỉnh. Hàng trăm hộ dân huyện Đầm Hà cũng tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Năm 2019, huyện Bình Liêu - địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Quảng Ninh cũng đã có 100 hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Tại một số địa phương khác, người dân tự nguyện viết đơn ra khỏi hộ nghèo. Song song đó, người dân ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.


Từng nhiều năm gắn bó với việc giám sát triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định: Qua những chuyên đề khảo sát tại vùng đồng bào dân tộc miền núi cho thấy, tuyên truyền để họ biết là mình nghèo thôi cũng đã là thành công. Khi người dân biết mình nghèo thì họ mới tìm cách thoát nghèo. Vì thế, để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo, truyền thông cần đi trước, đi sâu vào quần chúng nhân dân.

Năm 2018, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình Mục tiêu quốc gia cũng đã tổ chức lễ tuyên dương 8 huyện, 38 xã và 30 hộ gia đình thoát nghèo. Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương thực hiện Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc người dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo: "Thời kỳ trước đây, có những cá nhân không muốn thoát nghèo, xã, huyện không muốn ra khỏi danh sách nghèo. Tuy nhiên, trong năm 2018 đã có hàng trăm hộ dân ở tỉnh Quảng Ninh viết đơn xin ra khỏi danh sách nghèo. Đây là những kết quả rất tốt đẹp, thời gian vừa qua đã có hoạt động vinh danh các cá nhân và xã - huyện đã thoát nghèo", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương.

Chuyện những người Dao xin thoát nghèo - Ảnh 13.

Giai đoạn 2011 – 2015, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo vẫn nặng tính chất hỗ trợ, nhiều chính sách "cho không" nên người dân trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Rất nhiều gia đình quyết đấu tranh để được vào diện hộ nghèo. Thậm chí, đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, kinh tế gia đình phát triển vẫn kiên quyết đòi ở lại danh sách hộ nghèo.

Chuyển sang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Nhà nước đã bỏ dần những chính sách cho không. Thay vào đó là hỗ trợ có điều kiện, cho vay vốn lãi suất thấp, tập huấn kỹ thật, nâng cao kiến thức cho người dân. Thay vì hỗ trợ cho người dân cây, con, giống thì nay để người dân tự quyết cách để họ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững phù hợp điều kiện địa phương, phong tục, tập quán cũng như khả năng của họ. Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, vốn. Từ đó, người dân có ý thức và động lực để thoát nghèo.

Chuyện những người Dao xin thoát nghèo - Ảnh 14.

Khi người dân đã hiểu mình nghèo, nghèo không có tội nhưng nghèo bền vững là đáng xấu hổ thì họ sẽ tìm cách thoát nghèo, tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đây chính là bước chuyển quan trọng trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gia đoạn 2016 – 2020. Là cơ sở quan trọng để các nhà hoạch định chính sách đánh giá hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gia đoạn 2016 – 2020 và xây dựng chiến lược cho giai đoạn mới.

Vân Khánh - Đồ họa: Việt Nga

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh