THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:47

Xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi để kết nối cung cầu

 

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thời gian qua, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi luôn ở mức cao, từ 5 đến 6%/năm. Tính từ năm 2005 đến nay, sản lượng thịt các loại tăng từ 1,6 triệu tấn lên 5,36 triệu tấn, trứng tăng từ 3 tỷ quả lên 11,8 tỷ quả, sữa tăng từ 51,5 nghìn tấn lên gần 960 nghìn tấn... Ngành chăn nuôi đã có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi. Bước đầu hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Chuyển hướng từ tăng sản lượng sang tăng chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cho các ngành hàng...

 

Mô hình liên kết chăn nuôi gà ri giống Lạc Thủy đem về cho anh Bùi Đông Giang, xóm An Sơn 1, xã An Bình (Lạc Thủy, Hòa Bình) thu nhập 1 tỷ đồng/năm.

 

Một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này một cách bài bản cùng với cách làm căn cơ đã cho ra sản phẩm có lợi thế, tham gia xuất khẩu đi một số nước. Điển hình như: Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản từ tháng 9-2017, năm 2018 đạt gần 8.000 tấn. Masan Nutri - Science (MNS), công ty con của Tập đoàn Masan, đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến thịt lợn với số vốn hơn 1.000 tỷ đồng trên diện tích 10 ha tại Khu công nghiệp Ðồng Văn IV (Hà Nam), hoạt động từ tháng 12-2018, công suất chế biến lên tới 1,4 triệu con lợn/năm, tích hợp hoàn toàn chuỗi giá trị thịt, gồm: Sản xuất thức ăn chăn nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGAP - Trang trại nuôi lợn kỹ thuật cao GlobalGAP - Dây chuyền công nghệ chế biến thịt đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Ngành chăn nuôi đã có chuyển biến đáng kể, các trang trại ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến, có sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Song vẫn còn nhiều bất cập như: Chưa có cơ chế, chính sách riêng cho việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm, là “rào cản” ảnh hưởng đến các hoạt động cần kinh phí để triển khai xây dựng chuỗi liên kết. Một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi, khiến mối liên kết thiếu tính bền vững. Sản xuất còn thiếu ổn định về cung - cầu, thị trường sản phẩm tiêu thụ bấp bênh. Việc thống kê trong chăn nuôi còn thiếu chính xác, chưa phù hợp so với thực tế. Chi phí sản xuất lớn hơn các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, khó cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi của các nước. Việc tiếp cận các nguồn thông tin thị trường còn hạn chế, tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian đẩy giá bán lên cao, mặt khác người sản xuất còn bị tư thương ép giá bán. Việc khai thác thị trường trong nước và quốc tế còn yếu, nhất là thị trường xuất khẩu. Chưa xây dựng và thực hiện được quy trình sản xuất an toàn dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 50 vùng sản xuất an toàn dịch bệnh là quá ít, chưa thể đáp ứng việc xây dựng chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Chưa xây dựng được chuỗi giá trị bình ổn thị trường có thể hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chăn nuôi an toàn có nguồn gốc đang phải cạnh tranh hết sức khó khăn với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên thị trường, do vậy sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tạo ra hiệu quả kinh tế như yêu cầu đặt ra.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, tiềm năng của ngành chăn nuôi rất lớn, có cả cơ hội và thách thức. Để phát triển bền vững trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đặc biệt là hoàn thiện tiếp chuỗi liên kết trong chăn nuôi, cần xây dựng thương hiệu cho các chuỗi liên kết có chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Đồng thời, từng bước cơ cấu lại chăn nuôi nhỏ lẻ theo hướng có kiểm soát và giảm dần tỷ trọng, chuyển dần sang chăn nuôi trang trại. Tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, HTX, hội, hiệp hội ngành hàng. Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc; có quy trình chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất giống, chế biến thức ăn, bảo quản, đến tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi. Áp dụng công nghệ sinh học trong việc chế biến thức ăn để tăng hiệu quả sử dụng..., góp phần nâng cao giá trị sản xuất chăn nuôi nói riêng và tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp nói chung.

ĐÀO THỌ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh