CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:21

Người Sài Gòn làm 'nông dân thời công nghệ'

Những thị dân làm... nông dân

Nếu như vài năm trước, nói đến nông nghiệp công nghệ cao của TPHCM, nhiều người chỉ biết đến mô hình sản xuất giống lan kiểng của Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, hay sau đó là những trang trại rau của VinEco (thuộc VinGroup) mở ra ở Củ Chi, thì giờ đây, đã có khá nhiều “thị dân” theo nghề làm nông, đầu tư công sức, tiền của để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Trường hợp của anh Tô Tấn Thành (51 tuổi, ngụ xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi) là một ví dụ điển hình. Cách đây vài năm, anh đã dứt khoát rời khỏi vị trí quản đốc xưởng trong một công ty đã gắn bó hơn 20 năm để về làm… nông dân, khởi nghiệp với mô hình trồng lan. Tận dụng khoảnh đất của gia đình, anh lặn lội khắp nơi tìm hiểu các mô hình trồng lan thành công, học hỏi các bí quyết “nhà nghề”, rồi tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi từ huyện, anh đầu tư giống, làm giàn, trang bị hệ thống tưới hẹn giờ tự động… Nhờ đó, vườn lan rộng 4.600m² nhưng do được trang bị máy móc, thiết bị tự động nên không cần sử dụng nhân công, mỗi tháng anh đạt lợi nhuận 30 triệu đồng.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở khu du lịch Nông Trang Xanh, Củ Chi

Cũng là một người con của vùng “Đất thép” Củ Chi, anh Phạm Chí Tâm đã áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp từ gần 3 năm trước. Với vốn đầu tư khoảng 50 triệu đồng vào hệ thống tưới nhỏ giọt cho hơn 3ha vườn rau, không chỉ giảm được chi phí thuê công nhân tưới rau, mà sản lượng cũng tăng lên đáng kể. Anh Tâm cho biết, nhờ áp dụng công nghệ mà anh đã cắt giảm chi phí thuê nhân công, đồng thời năng suất tăng thêm 30% so với trước, giúp tỷ suất lợi nhuận tăng khoảng 40%.

Ở huyện Hóc Môn, nhiều người biết đến vườn trồng rau thủy canh công nghệ cao của vợ chồng nông dân Lê Văn Dễ. Với diện tích hơn 1.000m², vườn rau này chỉ cần duy nhất… 1 lao động vừa sản xuất, vừa bảo vệ. Nhà vườn được đầu tư nhà màng, mái hiên che nắng mưa, máy đo nhiệt độ, quạt gió điều hòa không khí… Toàn bộ hệ thống đều được tự động hóa, chỉ cần có người “ấn nút” là hoạt động.

“Sản xuất rau theo phương thức này, tôi không phải thuê nhiều nhân công, chỉ khi nào đến ngày thu hoạch hoặc gieo trồng thì mới thuê lao động thời vụ. Hiện tôi đang nghiên cứu thêm việc áp dụng công nghệ cao để hướng đến sản xuất sản phẩm hữu cơ”, anh Dễ chia sẻ.

Nhà màng trồng rau công nghệ cao của nông dân Lê Văn Dễ (huyện Hóc Môn)

Cũng đang sở hữu vườn rau thủy canh rộng 1.000m² là anh Lâm Ngọc Tuấn (ngụ quận 9). Anh Tuấn đang là nhân viên ngân hàng, nhưng vẫn thu xếp thời gian để làm nông nghiệp. Bởi theo anh cho biết, nhờ áp dụng công nghệ cao nên việc sản xuất tốn rất ít thời gian và công sức, chỉ cần tốn chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu.

“Có thể nói, làm nông thời xưa rất cực, vất vả, còn bây giờ nếu đưa công nghệ cao vào sản xuất thì sẽ khá nhàn hạ. Tôi quyết định trồng dưa leo theo mô hình thủy canh, không chỉ cho sản phẩm sạch và ngon hơn so với phương pháp trồng thông thường, mà hiệu quả kinh doanh cũng cao hơn”, anh Tuấn cho biết.

Cánh cửa rộng mở

Chị Nguyễn Thị Kim Xuân, một người phụ nữ gốc Hà Nội nhưng lập nghiệp tại xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi), trở nên nổi tiếng với “nghề” trồng… ớt công nghệ cao. Để triển khai thành công mô hình này, chị đã dành hẳn 5 năm để nghiên cứu tài liệu trên Internet, còn lặn lội sang tận Australia để học hỏi từ những người thân.

Nhiều gia đình coi các nông trang, nông trại như nơi vừa vui chơi, vừa học tập cho con của mình

Ban đầu, chị thuê 3ha đất để trồng 2 loại ớt chỉ thiên và ớt chỉ địa. Điểm khác biệt ở vườn ớt của chị là được trồng trong bầu giá thể, đặt ngay trên mặt ruộng, được cung cấp đầy đủ phân, nước qua hệ thống ống tưới nhỏ giọt bơm từ nhà lều. Vì vậy, ớt được cung cấp đủ dưỡng chất để đạt năng suất cao theo quy trình công nghệ của Israel, với chế độ bón phân, nước hoàn toàn tự động. Chính vì thế mà mỗi cây ớt có thể cho 2-3kg một lứa, cao gấp nhiều lần so với phương pháp thông thường. Nhìn những cây ớt đến tuổi trưởng thành cao vượt cả đầu người, không khỏi… kinh ngạc!

Chị cho biết, so với cách canh tác truyền thống, ớt trồng theo công nghệ cao không lệ thuộc vào khí hậu hay thổ nhưỡng của vùng miền. Vườn ớt của chị được chăm sóc theo cách riêng, đặc biệt là không bón thuốc bảo vệ thực vật, mà phòng trừ sâu bệnh bằng hỗn hợp ớt, tỏi, gừng ngâm rượu. Hiện sản phẩm ớt của chị đã được Công ty TNHH Sản xuất chế biến ớt Phạm Tân ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Vào đợt thu hoạch, mỗi ngày chị cung cấp cho công ty khoảng 500kg, với giá 30.000 đồng/kg, cao hơn giá sản phẩm thông thường khoảng 20%. Chị dự định sẽ thuê 50ha trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao để tiếp tục triển khai các mô hình khác. Một sản phẩm khác của nông nghiệp TPHCM cũng khá nổi tiếng là dưa lưới Nông Phát. Được biết, việc sử dụng nhà màng chất lượng cao, hệ thống tưới nhỏ giọt bù áp giúp ở đầu và cuối nguồn đều có lượng nước ngang nhau. Hệ thống truy xuất nguồn gốc, sử dụng phân bón, quá trình tưới tiêu, từ gieo trồng đến thu hoạch. Vì khẳng định được uy tín trên thị trường nên công ty luôn nhận lượng đơn đặt hàng rất lớn, thường xuyên không đủ sản phẩm để bán.

Cách làm của Công ty Nông Phát cho một bài học quý: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không nhất thiết phải là thiết bị hiện đại, đắt tiền, mà điều quan trọng là hiểu rõ sản phẩm để áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, để có giá thành hợp lý và mang lại hiệu quả. Sắp tới trong năm nay công ty sẽ trồng thêm rau sạch, măng tây. 

Tự động hóa nhằm giảm sử dụng nhân công là một trong những mục tiêu của nông nghiệp công nghệ cao

Nhờ nhiều tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nên trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP.HCM, tỷ lệ nghịch với diện tích đất hàng năm đều giảm là giá trị sản xuất trên 1ha ngày càng tăng. Tính đến năm 2018, thành phố đã có 91 xã, phường sản xuất rau với diện tích canh tác trên 3.500 ha. Bên cạnh đó, có 7 mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học tại huyện Củ Chi và Bình Chánh. Thành phố hiện có 124 đơn vị xuất khẩu rau, quả và nông sản các loại với tổng sản lượng trên 544 ngàn tấn, tăng 20% so với năm 2017. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ, Pháp, Hà Lan… Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng tạo điều kiện và có sự hỗ trợ kết nối trong việc tiêu thụ nông sản, đến nay thành phố đã có 10 địa điểm tổ chức phiên chợ nông sản an toàn với hơn 300 kỳ chợ phiên, mang lại tổng doanh thu 30,6 tỷ đồng/tháng.

Mặc dù vẫn còn một số vướng mắc về việc tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ đầu tư, tính ổn định của “đầu ra” sản phẩm, thiếu hụt nguồn nhân lực,… nhưng với bản tính năng động, sáng tạo và quyết đoán, những “thị dân làm nông” ở Sài Gòn đã bước đầu tạo nên một diện mạo mới cho nghề nông, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường thực phẩm sạch, mở ra nhiều cơ hội việc làm và làm giàu cho nhiều người…

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh