THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:32

Những mùa cam vàng

Vùng đất nghèo hồi sinh

Tại Văn Chấn, cây cam cho thu hoạch từ tháng 10 cho đến hết tháng 1 năm sau, vậy nên vào những ngày giáp tết, khắp các ngã đường, ngọn đồi, đâu đâu cũng thấy một màu cam vàng đượm. Cam được bày bán khắp các ngã ba, ngã tư, trước ngõ nhà người dân. Nhiều ngôi nhà biệt thự lộng lẫy và hoành tráng mọc lên xen lẫn những đồi cam bạt ngàn trĩu quả. Ven những ngọn đồi um sùm cây dại năm nào, giờ đây thay vào là những đồi cam bát ngát.

Vào mùa cam, tại huyện Văn Chấn, cam được bày bán khắp các ngã đường

Ông Vũ Như In, thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La cho biết, năm nay, vườn cam nhà mình mở rộng thêm mấy sào, tổng diện tích hiện nay 2ha, trồng hơn 1.000 gốc cam các loại, trong đó chủ yếu là cam Đường canh. Năm nay, gia đình rất vui vì cam được mùa, giá cả cũng ổn định, gia đình đã thu hoạch được khoảng 25 tấn, thu về gần 500 triệu. Theo ông In, đến nay, đời sống của người dân ở đây ngày càng được nâng cao cũng là nhờ cam. Cây cam đang biến vùng đất nghèo năm nào hồi sinh, cho người dân việc làm, thu nhập ổn định.

Là một trong những địa phương có diện tích trồng cam lớn nhất huyện Văn Chấn, độ gần chục năm nay, Thị trấn Nông trường Trần Phú phát triển lên trông thấy, khi tại đây người dân ngày càng giàu lên nhờ cây cam. Với dân số 1.600 hộ thì có đến 85% người dân trồng cam, tại Thị trấn Nông trường Trần Phú đang có gần 500 ha cam các loại, nhưng chủ yếu là cây cam Đường Canh, , cam Vinh, cam sành...

Tiếp chúng tôi trong ngày thu hoạch cam cho tiểu thương, anh Phạm Văn Hùng, ở tổ dân phố 8, Thị trấn Nông trường Trần Phú, phấn khởi chia sẽ, hơn 20 năm về trước, nhà nào ở đây đất vườn cũng rộng nhưng để cỏ dại mọc um tùm. Sau này thấy nhiều hộ mang cam về trồng, gia đình tôi cũng mua mấy gốc trồng thử, chủ yếu là để ăn.

Bẵng đi một thời gian, thấy cây cam mang lại giá trị kinh tế cao nên gia đình mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây trồng không mang lại giá trị kinh tế để trồng cam. Cứ như vậy, đến nay gia đình anh Hùng có gần chục ha cam, chủ yếu cam sành và cam Canh, mỗi năm xuất ra thị trường hơn 80 tấn cam, cho thu nhập trên 1,5 tỷ đồng.

Không riêng gì gia đình anh Hùng, tại thị trấn Nông trường Trần Phú, những tỷ phú chân đất, giàu lên từ trồng cam không phải hiếm gặp. Khắp các thôn xóm, gần như nhà nào cũng trồng cam, ít thì một vài ha, nhiều thì lên đến 20ha, thậm chí có nhiều người sang xã khác mua đất, thuê đất để trồng cam, với nhiều giống cam khác nhau nhằm đón đầu thị trường .

Những đồi cam bạt ngàn

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Anh Thiện, Chủ tịch Thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết, thực hiện kế hoạch phát triển vùng cây ăn quả của các xã, thị trấn, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và huyện quan tâm, hỗ trợ người dân về ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, giống cây trồng, tạo điều kiện để người dân chuyển đổi mục đích đất từ các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam… xác định cây cam là cây trồng kinh tế chủ lực của thị trấn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương.

Theo ông Thiện, nhờ thu nhập từ cây cam mà đời sống người dân không ngừng được nâng lên rõ rệt. Riêng năm nay toàn thị trấn có 31 hộ thoát nghèo, điều đáng mừng là phần lớn các hộ này thoát nghèo nhờ tròng cam. Hiện nay số hộ nghèo tại thị trấn giảm chỉ còn 76 hộ (4,9%), thu nhập bình quân đầu người lên đến gần 37 triệu đồng/năm.

Cần những chính sách phát triển bền vững

Quay lại về những năm đầu phát triển vùng cam, không như những địa phương khác, cây cam vốn được người dân huyện Văn Chấn trồng đại trà từ những năm 90 của thế kỷ trước. Do hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên cây cam phát triển tốt, cho quả sai. Cây hợp với đất, với người, nhưng không vì thế mà những năm đầu chân ướt, chân ráo trồng cam, người dân ở đây đã được thu hoạch những “vị ngọt” tức thì.

Ông Vũ Như In, thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La trồng 2ha cam, thu về mỗi năm gần 500 triệu đồng.

Cam trồng nhiều, nhưng thị trường bao tiêu, chuỗi liên kết những năm đầu không mấy khả quan, thị trường tiêu thụ không ổn định, được mùa mất giá cả, sâu bệnh, mất mùa vẫn là một vấn đề đau đáu mà không phải ngày một, ngày hai giải quyết được. Vậy nên việc chuyển đổi cây trồng cũng chỉ lưng chừng, dần rồi người dân cũng chỉ trồng đủ ăn, nhà nào mạnh thì trồng bán cho thương lái.

Những năm gần đây, khi thị trường nông sản ngày một phát triển hơn, cùng với sự vào cuộc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái đã đề ra nhiều chính sách, mục tiêu quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là những cây trồng hiệu quả, có giá trị kinh tế cao như cây cam, do đó một số địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng hợp với cây cam như huyện Văn Chấn được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân trong việc phát triển vùng cam như ứng dụng khoa học, kỹ thuật, giống, phân bón, tập huấn...

Người dân thu hoạch cam bán cho thương lái

Để có được những vườn cam phát triển tốt, cho chất lượng quả đạt yêu cầu, không bị sâu bệnh, nhiều năm năm, người dân dã áp dụng quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây cam cũng rất được quan tâm. Cũng bởi vậy mà thứ tưởng chừng thứ bị lãng quên ấy giờ đây đang là cây chủ lực, thế mạnh của huyện nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, mà nổi bật là huyện Văn Chấn.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng cam, nhiều xã trong huyện như Thượng Bằng La, thị trấn nông trường Trần Phú… đang dần phá bỏ, thay thế những đồi chè già cỗi, những loài cây tạp kém hiệu quả để phát triển vùng cam. Ông Hoàng Hữu Dũng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn cho biết, hiện nay tổng diện tích cây Cam trên địa bàn huyện khoảng 1.850 ha, cho sản lượng hàng năm từ 8000 – 10.000 tấn, thu về hàng trăm tỷ đồng.

Để hỗ trợ người dân, địa phương thường xuyên có các chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế. Tuy nhiên, phía sau những kết quả nhất định, thực tế hiện nay để phát triển bền vũng vùng cam huyện Văn Chấn nói riêng, và tỉnh Yên Bái nói chung, vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững.

Trước hết, trong sản xuất cam hiện nay ở Văn Chấn, chuỗi liên kết giá trị hàng hóa đối với sản phẩm cam còn thiếu, và chỉ mang tính tức thời, bởi hiện nay, chuỗi cung ứng, bao tiêu sản phẩm cam ở đây đều do người dân và tiểu thương tự vận hành, do đó thị trường đầu ra vẫn là một vấn đề nan giải, khiến tâm lý người trồng cam luôn có cảm giác “không an toàn”, lúc được mùa thì mất giá, trong khi đó diện tích, sản lượng cam tại Văn Chấn ngày càng tăng lên, nếu không có chuỗi cung ứng, thị trường bền vững thì ắt sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn, khiến người dân phải chặt bỏ cam để thay thế giống cây trồng khác. Đây là bài học của nhiều địa phương đã gặp phải khi phát triển ồ ạt một cách thiếu bền vững mà Yên Bái có thể lấy đó làm kinh nghiệm.

Mặt khác, bên cạnh phát triển thị trường cũng cần phải chú trọng áp dụng quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật, sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây cam. Bởi lẽ cây cam rất dễ bị mắc bệnh vàng lá thối rễ, và nhiều bệnh khác luôn rình rập. Vào giữ năm nay, tại huyện Văn Chấn có 106ha cam bị bệnh vàng lá thối rễ, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân, do đó cần phải có những kế hoạch dài hơi để bảo vệ nông sản cũng như người dân thì vùng cam Văn Chấn mới phát triển bề vững.

Điều quan trọng hàng đầu hiện naycó thể thấy người dân huyện Văn Chấn đang từng bước phấn đấu để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhưng điều dễ dàng nhận thấy rằng sản phẩm cam của huyện Văn Chấn chưa có thương hiệu hay chỉ dẫn địa lý, chủ yếu được canh tác theo hình thức “mạnh ai nấy làm”. Do đó, cần phải tính bài toán lâu dài, mà quan trọng là tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao để xây dựng thương hiệu là hướng đi đúng đắn, nhằm tạo ra vùng nguyên liệu có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đem thương hiệu cam Văn Chấn đến với người tiêu dùng cả nước.

Chu Lương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh