THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:15

“Vàng xanh" trên đồi”: Bài 2: Hiệu quả từ những giải pháp phát triển bền vững vùng quế Văn Yên

 

Bảo tồn và phát huy lợi thế 
Quế Văn Yên nổi tiếng bởi chất lượng đặc thù có được do điều kiện địa lý mang lại. Về mặt chất lượng, quế Văn Yên có sự khác biệt rõ ràng so với các loại quế trồng ở vùng khác thông qua chỉ tiêu về chất lượng tinh dầu. Với 27/27 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều trồng quế, huyện Văn Yên đã trở thành vùng quế sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, cây quế hiện đã trở thành cây trồng mũi nhọn của huyện Văn Yên và là cây làm giàu của người dân nơi đây.
 

Cây quế được xác định là cây trồng chủ lực, là cây làm giàu của người dân huyện Văn Yên

 

Vùng trồng quế có nhiệt độ trung bình năm từ 22,5 – 26 độ C, lượng mưa trung bình năm 1.800 - 2.200mm, lượng bốc hơi trung bình năm 700 – 900mm, độ ẩm trung bình năm 80,5 - 86,0 %. Quế Văn Yên được trồng trên đất có thành phần cơ giới từ thịt pha cát và sét đến thịt pha sét. Đất tại vùng trồng quế có hàm lượng cacbon hữu cơ và đạm trung bình. Khu vực địa lý có địa hình bị chia cắt tạo thành các thung lũng với độ dốc cao trên các dãy núi và thoải dần về phía chân đồi có lượng nước ngầm lớn, đây cũng là đặc trưng khiến cho quế nơi đây nổi bật. 
Quy trình canh tác cây quế bao gồm các công đoạn truyền thống như: lựa chọn giống, bảo quản hạt và ươm trồng, lựa chọn đất gây trồng... Quế Văn Yên thường được trồng vào các tháng đầu xuân bằng cây con theo hình thức Nông – Lâm kết hợp với các loại cây trồng hằng năm, và thu hoạch vỏ theo hai vụ chính là vụ Xuân (tháng 3) và vụ Thu (tháng 8) hàng năm. Sau đó được các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Âu. Hiện nay nhu cầu sử dụng tinh dầu quế trên thế giới rất lớn, cung không đủ cầu.
 

Không những chiết xuất tinh dầu, mà cây quế còn được chế xuất thành nhiều sản phẩm khác nhau

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Huy Tuấn, Bí thư huyện ủy Văn Yên cho biết, xác định quế là cây kinh tế mũi nhọn, là sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu nông sản của huyện, do đó để nâng tầm cho loại cây trồng chủ lực của địa phương, huyện Văn Yên đã có nhiều giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu quế ổn định, bền vững. Cụ thể, đi đôi việc vận động nhân dân trồng quế theo vùng tập trung với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện còn chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế vào các xã vùng cao nhằm bảo tồn nguồn gen quý. Cùng với đó, huyện xây dựng các chính sách hỗ trợ khoa học, kỹ thuật; rừng trồng sản xuất; tổ chức tập huấn cách trồng, chăm sóc, khai thác, bảo vệ quế đúng quy trình kỹ thuật và thành lập hiệp hội chế biến quế.
Trung bình mỗi năm huyện Văn Yên trồng mới và trồng thay thế vào diện tích đã khai thác được trên 1.500 ha, đưa tổng diện tích quế toàn huyện hiện nay lên 40.018 ha, lớn nhất tỉnh Yên Bái, trong đó có 15.000 ha quế tập trung.
Hiện nay trên địa bàn huyện có hàng trăm doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh chế biến các sản phẩm vỏ Quế, với sản lượng trên 8.000 tấn quế vỏ khô/năm; có 11 cơ sở sản xuất trưng cất tinh dầu quế, với sản lượng dầu đạt 300 tấn/năm, có 9 HTX, cơ sở chế biến gỗ, sản lượng gỗ quế chế biến đạt khoảng 50.800 m3/năm.
Tổng giá trị từ cây quế cho thu nhập trên 600 tỷ đồng/năm. Lợi ích kinh tế mà cây quế đem lại cho người trồng quế nói riêng và cho huyện Văn Yên nói chung là rất lớn. Hiện nay huyện đang tập trung thử nghiệm và phát triển Quế theo hướng thâm canh, quế hữu cơ trên những khu vực rừng sản xuất, có điều kiện thâm canh tốt. Quản lý tốt chất lượng các vườn ươm giống cây lâm nghiệp, đặc biệt là các vườn ươm giống quế của các tập thể, cá nhân để thông tin, tuyên truyền cho nông dân biết và tránh sử dụng giống quế ở địa phương khác để trồng rừng. Ngoài duy trì phát triển Quế và một số cây truyền thống khác, huyện còn tập trung phát triển một số cây lâm nghiệp mới dự báo cho hiệu quả kinh tế cao.
Không ngừng mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm
Theo ông Trần Huy Tuấn, nhằm hướng đến chiến lược phát triển bền vững, đưa thương hiệu “Quế Văn Yên” vươn ra tầm thế giới, huyện đã tiến hành quy hoạch diện tích và ổn định vùng quế chất lượng cao để không bị ảnh hưởng uy tín, thương hiệu. Đồng thời chỉ đạo quản lý khép kín từ quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản đến tiêu thụ và phân phối sản phẩm. Bên cạnh việc đẩy mạnh hỗ trợ cho các vùng, hộ gia đình, sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, rộng rãi các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm quế mang chỉ dẫn địa lý Văn Yên, ưu tiên đặc biệt việc kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng và phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
 
Lễ hội quế huyện Văn Yên lần thứ 2 được tổ chức năm 2016
Với những giá trị thiết thực do cây quế đem lại, ngoài việc thực hiện Đề án phát triển cây quế theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện Văn Yên có hướng phát triển cụ thể đối với loại cây này. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện trong nhiều nhiệm kỳ luôn xác định cây quế là cây chủ lực trong phát triển kinh tế lâm nghiệp và xoá đói giảm nghèo, huyện Văn Yên đã chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp duy trì diện tích và sản lượng, khai thác phù hợp, bảo tồn nguồn gen quý qua việc lựa chọn cây giống và bước đầu có sự đầu tư để bảo tồn, cụ thể là chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa, hiện nay đã lựa chọn vào bảo tồn được 90 cây quế và 14,5 ha quế tập trung ở các xã để làm nguồn giống cung ứng cho công tác trồng quế hàng năm.
 

Không chỉ bảo tồn, mà hiện nay UBND tỉnh Yên Bái cũng như huyện Văn Yên không ngừng mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm quế

 

Với mục đích tôn vinh, quảng bá và nâng cao vị trí, giá trị của cây Quế đối với đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Yên, lần lượt qua các năm 2015, 2016, huyện Văn Yên đã tổ chức thành công Lễ hội Quế lần thứ I, thứ II, và tháng 5/2017 đã tổ chức thành công Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn và Hội chợ giới thiệu các sản phẩm quế đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị và du khách gần xa ghi nhận đánh giá cao, tạo nhiều hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Ông Tuấn cũng cho biết, năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên. Từ khi Văn Yên được nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước của cây quế Văn Yên đã được nâng cao, thị trường quế ổn định, giá các sản phẩm quế tăng gần gấp 2 lần những năm trước góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tạo thương hiệu bền vững cho sản phẩm quế Văn Yên đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh