THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:05

Người anh cả của miền đất khó

 

Từ lòng nhiệt huyết của anh thợ đốt lò nhà máy xi măng... 
Đồng chí Phạm Duy Cường (SN 1958), trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Ninh Sở, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội, ông được phân công công tác tại Phân xưởng vật liệu thuộc Nhà máy xi măng Phú Thịnh, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Trong quãng thời gian hơn 15 năm công tác tại đây, với năng lực, sự nhiệt huyết và quyết tâm cao của tuổi trẻ, ông luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ. Với bản lĩnh và trí tuệ vượt khó, sáng tạo của một chàng trai miền xuôi lên miền Tây Bắc xa xôi, nghèo khó, ấy vậy mà chàng trai Phạm Duy Cường khiến biết bao người cảm phục bởi những đột phá mang tính bước ngoặt, và sau này được nhân dân tin tưởng, giao phó đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau trên hầu như mọi lĩnh vực.
Ông từng kênh qua nhiều chức vụ như Tỉnh ủy viên – Bí thư huyện ủy Yên Bình, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh. Từ tháng 2/2015 ông được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ; tháng 9/2015, tại Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, ông tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư tỉnh ủy.
Trên cương vị đầy thử thách và nặng nề ấy, ông luôn nêu cao vai trò trách nhiệm, là trung tâm tập hợp, đoàn kết, thống nhất của đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn tỉnh; luôn say sưa, nhiệt huyết, mạnh dạn đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để cùng tập thể Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường (người thứ 2 từ trái sang) gặp gỡ, trò chuyện với người dân xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên về xây dựng NTM (ảnh yenbai.gov.vn)
Với khát vọng mãnh liệt nhằm thúc đẩy nền KT-XH phát triển, cải thiện, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân tỉnh Yên Bái, ông  đã cùng với tập thể cấp ủy chung tay chung sức, chung lòng, ngày đêm miệt mài nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, lập mới các quy hoạch, xây dựng các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án thành phần của Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với mục tiêu sớm hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; rà soát quy hoạch và đánh giá cụ thể các tiêu chí để tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
...Đến những đột phá trong công cuộc xóa đói giảm nghèo
Sự phát triển của Yên Bái ngày nay không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của chàng trai từng là thợ đốt lò của nhà máy xi măng thuở đó – Phạm Duy Cường, cái tên mà đã gắn liền với những bước nhảy vọt mang tính đột phá, đó là các dự án đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả như: chuyển đổi diện tích lúa nương sang sản xuất 02 vụ ngô, phát triển chăn nuôi đại gia súc bằng phương pháp bán chăn thả, phát triển cây sơn tra, trồng thảo quả dưới tán rừng phòng hộ... đã biến những sản phẩm nông- lâm nghiệp chủ lực của Yên Bái trở thành hàng hóa có giá trị, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đưa người dân Yên Bái vượt khó đi lên làm giàu.
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao, không ngừng nỗ lực vượt khó đi lên, ông Phạm Duy Cường được xem là người đóng góp nhiều dấu ấn, với vai trò huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển, đẩy mạnh cải cách hành chính, kêu gọi thu hút đầu tư. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi đó, trong khoảng thời gian ngắn, Yên Bái đã có sự chuyển mình tích cực trong thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, đáng kể như: Dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và bất động sản tại đầm Vân Hội, huyện Trấn Yên; dự án Khu trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn tại thành phố Yên Bái, dự án chăn nuôi lợn, nuôi bò, chế biến gỗ, dự án chế biến hoa quả, sản xuất kim loại màu và nhiều dự án khác.

Ông Phạm Duy Cường trong một lần tham quan mô hình chăn nuôi của người dân tại huyện Văn Chấn (yenbai.gov.vn)

Đối với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, ông  được đánh giá là người rất tâm huyết, đóng góp dấu ấn trong việc  đưa nền giáo dục Yên Bái đi lên, trong đó tập trung cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường PTDT bán trú, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất nhà trường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, ưu tiên xây dựng trường chuẩn quốc gia. 

Còn nhớ trận lụt lịch sử năm 2008 khiến cho nhiều địa phương bị chia cắt, giữa dòng nước lũ chạy cuồn cuộn như muốn cuốn trôi đi tất cả những gì nó đi qua, khiến cho “người làm dâu trăm họ” ấy như ngồi lên đóng lửa, ráo riết chỉ đạo các cấp chính quyền ứng cứu, hỗ trợ nhân dân, rồi ông cũng ngay lập tức lên đường đi đến tận những nơi hẻo lánh, xa xôi nhất, nơi mà người dân đang rất cần những chia sẻ, động viên kịp thời trong cơn hoạn nạn trong tình thế lấm lem bùn đất, quần ống thấp, ống cao. Đối với những vùng khó khăn ấy, giờ đây người ta cũng không khỏi ngạc nhiên bởi những con đường, cây cầu được đầu tư quy mô với tầm nhìn chiến lược hàng chục năm.
Song hành với những nhiệm vụ KT-XH, vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được ông chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, quan tâm chăm sóc sức khỏe người có công, gia đình thương binh liệt sỹ, người yếu thế; đưa bệnh đa khoa tỉnh với quy mô 500 giường đi vào hoạt động, thành lập mới bệnh viện Sản nhi (200 giường) và bệnh viện mắt (50 giường) để giảm tải cho bệnh viên đa khoa tỉnh. Bên cạnh đó, ông chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện các chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo cơ hội có người nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về tín dụng, dạy nghề, khuyến nông, khuyến công; có chính sách khuyến khích hộ, xã thoát nghèo; thực hiện tốt các chính sách xã hội về trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, yếu thế.
Nhận xét về ông Cường, một lãnh đạo tỉnh Yên Bái chia sẻ với chúng tôi, “trong công việc, đồng chí là người thẳng thắn, chính trực, nói đi đôi với làm, thường xuyên chỉ bảo, hướng dẫn cho cấp dưới với phong cách giản dị, mộc mạc, luôn gần gũi với những người xung quanh".
và người đồng cam cộng khổ
Cùng với đồng chí Cường, có lẽ giờ đây người dân Yên Bái cũng không thể quên bóng dáng của một người từng đồng cam, cộng khổ trong suốt quá trình phát triển của Yên Bái - Đồng chí Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái.
Sinh năm 1964 trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, ngay từ những ngày đầu công tác, từ năm 1988 đến đến nay, ông đã thể hiện được tố chất của một người cán bộ có năng lực, có tư duy và được tín nhiệm, giao phó đảm nhiệm nhiều vị trí công việc như: Phó chánh Văn phòng UBND huyện Trấn Yên; Trưởng phòng Kế hoạch - Sở Địa chính tỉnh, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái; Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn, Bí thư huyện ủy Trạm Tấu; Chánh Văn phòng Tỉnh ủy... Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Với kinh nghiệm công tác của mình, ông đã cùng với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh định hướng, xây dựng nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt là Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” theo Quyết định 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch HĐND tỉnh Ngô Ngọc Tuấn trong một lần thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gia đình chính sách (yenbai.gov.vn)
Với những đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ngày 30/6/2016, tại kỳ họp thứ nhất - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, ông Ngô Ngọc Tuấn đã được nhân dân tín nhiệm, bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 với nhiều kỳ vọng, dự định mới.
Dù ở lĩnh vực công tác nào đồng chí Phạm Duy Cường và đồng chí Ngô Ngọc Tuấn cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tận tụy với công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Trong suốt quá trình công tác, với những cống hiến của mình cho quê hương Yên Bái, các đồng chí đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Các đồng chí đường đột ra đi ở cái tuổi mà trí tuệ, kinh nghiệm của con người đã vào độ chín, để lại biết bao dự định còn dang dở và nỗi niềm thương tiếc cho đồng chí, đồng nghiệp và cho gia đình./.

Chu Lương /Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh