“Vàng xanh" trên đồi: Bài 1: Những tỷ phú ở vùng quế Văn Yên
- Dược liệu
- 23:17 - 06/10/2017
Những đồi quế có tuổi đời trên chục năm có giá trị từ 500 – 600 triệu đồng. Ngoài vỏ, các bộ phận còn lại của cây quế như gỗ, cành, lá, ngọn... đều có giá trị cao. Nhờ cây quế nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Giàu lên từ quế
Xã Đại Sơn, một trong những vùng trọng điểm về cây quế của huyện Văn Yên giờ đây đang ngày càng thay da, đổi thịt. Nơi đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số như Dao, Tày, Mông… trong đó người Dao chiến đến 72% dân số, mấy năm nay, nhiều gia đình đã giàu lên, thậm chí tậu cả xe hơi nhờ cây quế. Ở đây người Dao đỏ có tục lệ mỗi khi các con lấy vợ, gả chồng thì cha mẹ thường dành cho một vài đồi quế làm của hồi môn.
Ông Đăng Kim Thanh, trú tại thôn 1, xã Đại Sơn - một hộ trồng quế lâu năm trong xã cho hay, từ lúc sinh ra thì ở đây nhà nào cũng trồng quế. Ngày xưa chỉ trồng nhỏ lẻ, rồi phát triển thành nương, thành đồi. Khoảng 10 năm nay, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác đã rút ngắn thời gian đến tuổi khai thác cây quế từ 10-20 năm sau khi trồng xuống còn 7-8 năm.
Ông Đăng Kim Thanh, trú tại thôn 1, xã Đại Sơn có hơn 7ha quế cho biết, đây là một khối tài sản lớn nếu được thu hoạch.
Thay vì làm củi đốt như trước đây, gỗ quế sau khi bóc vỏ được dùng để làm nhà, làm nguyên liệu giấy, làm tăm, xẻ ván ghép sàn xuất khẩu... Nhiều hộ gia đình có cả chục ha, với giá thu mua bình quân hiện nay vào khoảng 38 nghìn đồng/kg vỏ quế khô; 2.000 đồng/kg lá, cành, ngọn; 1,2 triệu đồng/m3 gỗ quế (cây đốn hạ bóc vỏ thì thân làm tượng gỗ hoặc dùng để xẻ ván gỗ xuất khẩu), thì mỗi năm thu về cả tỷ đồng, chính vì thế mà nhiều hộ đã giàu lên nhanh chóng từ cây quế.
Với hơn 7ha quế, hơn chục năm những đồi quế này là những "mỏ vàng" cho thu nhập cao đều đặn và chính đáng cho gia đình ông Thanh. Với gần 40 năm trồng quế, ông Thanh chia sẻ, kinh nghiệm trồng quế của bà con nơi đây là thời gian đầu trồng thâm canh với mật độ cây dày, sau đó tỉa thưa để các cây khác phát triển. Mỗi năm riêng thu hoạch dạng bóc, tỉa cành, lá, cây xấu… gia đình ông cũng thu về cả trăm triệu. Quế đặc sản thì độ chục năm là cho thu hoạch vỏ, càng để lâu thì vỏ càng dày và tinh dầu nhiều hơn. Lợi thế của cây quế là ngoài bán quế vỏ, toàn bộ cây quế đều được sử dụng như lá, cành ngọn, được thu mua làm tinh dầu, thân cây sau khi bóc mỗi khối gỗ bán được giá hơn 1,4 triệu đồng. Còn nếu thu hoạch trắng mỗi ha thu về khoảng 600 triệu đồng, đây là nguồn thu không hề nhỏ mà nhiều người miền xuôi phải ao ước.
Nhờ trồng quế mà gia đình Ông Đăng Kim Thanh mua được xe hơi
Từ thu nhập của cây quế, nhiều hộ dân đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được các phương tiện sinh hoạt đắt tiền, con em được đến trường học tập. Riêng gia đình ông Thanh không những mua được xe hơi gần 1 tỷ mà năm nay còn có tiền xây nhà mới cho con trai ra ở riêng.
Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Cũng giống như gia đình ông Thanh, những “đại gia” quế trong xã không phải hiếm. Vậy nên đi một vòng quanh xã, không khó để nhận ra những ngôi tiền tỷ, được xây dựng khang trang, như trường hợp gia đình ông Hoàng Văn Minh (52 tuổi) là một điển hình về gương làm kinh tế giỏi từ nhiều năm qua nhờ trồng quế. Với diện tích lên đến 12ha, những đồi quế của ông Minh có tuổi đời trung bình từ 10-15 năm, nếu tính ra 1ha giá trị khoảng 600 triệu đồng thì gia đình ông có trong tay gần chục tỷ đồng.
Ông Minh chia sẻ, so với các loại cây lâm nghiệp khác thì quế là cây có giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Trước đây, mặc dù diện tích đồi rừng nhiều song chủ yếu là trồng ngô, sắn nên hiệu quả kinh tế không cao. Khi có chủ trương phát triển cây quế, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích sang trồng quế, chính vì vậy mà từ hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, giờ đây gia đình ông thuộc dạng khá giả nhất xóm.
Nhờ trồng quế mà không ít gia đình xây được nhà lầu
Ông Bùi Phúc Minh, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn (huyện Văn Yên) cho biết, Quế là cây trồng đặc thù lâu năm ở địa phương, được nhiều thế hệ người dân gieo trồng, nhưng phát triển nhất là từ thời điểm năm 1985 đến nay. Diện tích tự nhiên của xã Đại Sơn là 8.100ha, với diện tích đất có khả năng trồng quế là 3.117 ha, trong đó diện tích đã trồng là 2.500ha. Trung bình mỗi năm tại đây trồng mới thêm 150 ha. Hiện gần 100% người dân Đại Sơn đều trồng quế. Là cây trồng có giá trị cao, gần như mọi thứ từ cây quế, bao gồm vỏ, thân, lá… đều bán được giá cao. Tại xã Đại Sơn, mỗi năm thu hoạch khoảng 700 tấn, thu về xấp xỉ 40 tỷ đồng. Nhờ cây quế mà nhiều hộ gia đình đã dần thoát nghèo và vươn lên làm giàu, thu nhập bình quân đầu người khoảng 20 triệu đồng mỗi năm.
Các sản phẩm quế Văn Yên được trưng bày rất bắt mắt
Điều đáng mừng là các sản phẩm quế làm ra đến đâu thì tiêu thụ hết đến đó. Hiện nay, trên địa bàn có khá nhiều doanh nghiệp thu mua các sản phẩm vỏ quế thô. Không những tại xã Đại Sơn, mà các xã Viễn Sơn, Xuân Tầm, Phong Dụ Hạ… cũng có nhiều cơ sở chưng cất tinh dầu quế từ cành nhỏ và lá quế, và nhiều cơ sở thu mua, sơ chế quế, mỗi năm giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Nhiều hộ gia đình không chỉ biết trồng quế, mà còn mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mua một nồi chưng cất tinh dầu quế, thu gom các sản phẩm quế của dân trong xã để bán lại cho các cơ sở thu mua quế như gia đình ông Bàn Tiến Hiến, thôn Khe Trà, nhờ vậy gia đình ông đã trở nên khá giả.
Theo ông Bùi Phúc Minh, để phát triển bền vững nhằm đưa người dân thoát nghèo từ cây quế, hiện nay xã đang nghiên cứu ký hợp đồng với các doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm, cũng như làm chỉ dẫn địa lý để quảng bá thương hiệu. Đồng thời hướng dẫn người dân làm đúng quy trình, đáp ứng các tiêu chuẩn, nâng cao giá trị cây quế.
Không chỉ ngày càng nâng cao chất lượng, huyện Văn Yên đang rất tích cực trong việc quảng bá sản phẩm quế bằng nhiều hoạt động thiết thực, trong đó đáng chú ý là lễ hội quế được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm tăng cường, quảng bá hình ảnh, sản phẩm quế Văn Yên đến với bạn bè trong và ngoài nước, thu hút nhà đầu tư nhằm nâng cao giá trị cũng như tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời khuyến khích nông dân trồng quế ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, cũng như giá trị xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng xã trồng quế trong huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đưa người dân vươn lên làm giàu từ cây quế.
(Còn nữa)
CÙNG CHUYÊN MỤC
Áp cước bản thảo, tác dụng chữa bệnh của Áp cước bản thảo
Tác dụng Áp cước bản thảo, cách dùng Áp cước bản thảo chữa bệnh, hình ảnh, nơi mua, giá bán cây thuốc nam – vị thuốc quý Áp cước bản thảo
7 tháng trước
Tin nên đọc