THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:08

Chuyện về một cựu binh chuyên 'bày mưu' cho đồng đội vượt ngục

Chiến tranh đã trôi qua 44 năm, nhưng với cựu binh Đậu Đức Nam, trong ký ức của ông cuộc chiến tưởng chừng như vừa xảy ngày hôm qua. Ông nhớ như in những trận đánh rất oai hùng, những lần cùng đồng đội đào hầm vượt ngục... Ông tên thật là Đỗ Tiến Năm (SN 1942, quê gốc xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), năm nay đã gần 80 tuổi nhưng mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm chiến trường năm xưa, ông Nam như được tiếp thêm nguồn sức mạnh, mắt ông như sáng hơn khi kể cho tôi nghe kỷ niệm cũ.

Cựu binh Đậu Đức Nam nhớ và kể lại thời kỳ kháng chiến chống giặc và những lần thoát chết ngoạn mục.

 

Hành trình đào hầm vượt ngục và bị giam trong chuồng cọp

Trong thời kỳ chiến tranh ông Nam bị quân địch bắt giam ở nhà tù Phú Quốc, khi bị bắt ông Nam tìm mọi cách để liên lạc với những tù nhân, sau khi liên lạc được với các tù nhân ông Nam thành lập đội “Cảm Tử” và đó cũng chính là đội “Cảm Tử” đầu tiên được thành lập ngay trong tù Phú Quốc. Đội “Cảm tử” hoạt động được một thời gian thì không may bị địch phát hiện. Nhưng vì nắm được quy trình xe bồn của nhà tù thường xuyên chở thức ăn và nước ra vào khu trại giam, ông Nam chỉ đạo, yêu cầu một số đồng đội chờ thời cơ khi xe trút nước ra thì bí mật nhảy lên bồn nước, theo xe này trốn ra khỏi tù. Một số anh em khác lợi dụng những lúc trời mưa lớn, giông bão leo rào để vượt ra ngoài. Với nhiều hình thức khác nhau, ngày một đông số lượng tù chính trị trốn ra ngoài, đa phần trại nào cũng có tù nhân vượt ngục. Sau khi địch phát hiện có người trốn tù, những tù nhân còn lại bị bọn chúng tra tấn dã man, tàn độc. Để tránh tổn thất trong lực lượng, một số tù binh đề nghị phương án đào hầm bí mật luồn dưới lòng đất, xuyên qua rào chắn, tránh được sự quan sát nghiêm ngặt của địch. Sau khi hiểu được tầm quan trọng của chiến lược lâu dài, an toàn thì hầu hết đều đồng ý phương pháp đào hầm. Trong công tác này, đội “Cảm Tử” trong trại của ông Nam đi tiên phong dưới sự lãnh đạo của các đồng chí trong tổ chức Đảng.

Cựu binh Đậu Đức Nam cùng đồng đội trong lần gặp lại nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

 

Sau Tết Nguyên Đán năm 1968, ông Nam cùng các anh em tù nhân được điều về một trại giam khác. Trại giam mới dù đồng chí Nam và anh em tù không rõ địa hình đường đi nước bước nhưng đồng đội vẫn tiếp tục bố trí tổ chức Đảng hoạt động bí mật. Trong quá trình hoàn thành xong đường hầm, ông Nam nhận nhiệm vụ canh gác cho các chiến sĩ trốn được ra ngoài. Căn hầm đầu tiên bố trí cho hơn 30 người vượt ngục trong đêm. Quá nửa đêm tin tù vượt ngục bị bại lộ, địch hú còi báo động inh ỏi, quân lính đổ ra lùng sục khắp nơi.

Sau khi kiểm tra tất cả, chỉ mỗi trại của ông Nam địch phát hiện thiếu tù binh, phát hiện một đường hầm được đào ở trong phòng giam nên đưa tất cả tù nhân còn lại trong phòng ra tra tấn. Vừa tra tấn, địch vừa tìm cách lôi kéo một số người về phe chúng để khai ra đường dây, tổ chức Đảng đang hoạt động bí mật. Tuy vậy, những chiến sĩ kiên trung đâu dễ sờn lòng, dù cho đòn tra tấn của giặc tàn bạo nhưng tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc không bao giờ thay đổi. Sau thời gian theo dõi, địch phát hiện ông Nam là người thường ra vào bếp nên nghi ông chính là người đã làm dao và hoạt động trong tổ chức Đảng. Địch đã đem ông Nam ra phơi nắng, bỏ đói, dùng điện chích vào người, lấy đinh đóng vào 10 đầu ngón tay nhưng ông Nam vẫn cắn răng chịu đựng.

Cựu binh Đậu Đức Nam đứng bên tấm bản đồ do ông nhớ và vẽ lại kể về thời kỳ cùng đồng đội đào hầm vượt ngục ở Phú Quốc.

Đáng sợ hơn, chúng giam ông cùng các đồng chí khác vào chuồng cọp để bí mật theo dõi tổ chức hoạt động cách mạng và tìm cách chiêu hồi (kêu gọi tù binh về phe địch). Những ngày trong chuồng cọp là cực hình với những chiến sĩ kiên trung sống không bằng chết bởi những vết thương không được sát trùng cứ lở loét, đau đớn cùng cực. “Khi bị giam trong chuồng cọp, địch dùng cùm còng chân các chiến sĩ lại rồi đục một lỗ nhỏ trên tường để đưa nước và cơm vào. Mỗi bữa cơm, chúng cho chúng tôi ăn một nắm cơm vùi chung cơm với cát, có bữa thì cơm trộn chung với nước tiểu", ông Nam nhớ lại.

Trăn trở về những đồng đội đã anh dũng hy sinh

Mặc dù thoát chết và trở về sống trong hòa bình nhưng ông Nam luôn nhớ về những đồng đội của mình. Năm 2005 ông Nam cùng một số đồng chí cựu tù Phú Quốc đã trở lại chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội. Trong vô số lần ra trại giam Phú Quốc xưa, ông Nam cùng các cựu binh khác đã tìm thấy hơn 14 bộ hài cốt và một mộ chôn tập thể. Việc bốc mộ được người quản lý khu nghĩa trang Qủa Đấm, huyện đảo Phú Quốc tên là Đậu Xuân Giang xác nhận. Ở độ tuổi xế chiều nhưng ông Nam cùng nhiều cựu binh khác vẫn gắng hết sức mình truy tìm hài cốt để đưa các chiến sỹ đã hy sinh về với tổ tiên, gia đình.

Hiện nay, cựu binh Đậu Đức Nam đã gần 80 tuổi với hơn 50 năm tuổi đảng nhưng trí tuệ vẫn rất minh mẫn. Nhà ông Nam, rất nhiều huy chương và những hình ảnh đi tìm mộ của ông cùng đồng đội được ông lưu giữ. Một số huy chương cao quý mà ông luôn cất giữ cẩn thận như: 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, 2 kỷ niệm chương và rất nhiều những bằng khen, giấy khen khác.

Sơ đồ đào hầm vượt ngục do ông Nam nhớ và vẽ lại

Trở về sau chiến tranh với nhiều lần thoát chết ngoạn mục, ông Nam luôn sống và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa làm kinh tế lo cho cuộc sống gia đình khá giả vừa nghe ngóng tìm kiếm hài cốt đồng đội để báo và cùng gia đình đồng đội đưa về quê mai táng. Từ năm 65 tuổi đến nay ông Nam phụ trách Hội chất độc da cam ở phường 12, quận Gò Vấp; Trưởng ban chấp hành của ban cự tù phường 12 và phường 14, quận Gò Vấp.

Ông Nguyễn Văn Năng, Trưởng ban Ban liên lạc truyền thống Cựu tù binh vượt ngục đảo Phú Quốc cho biết: “Nhiều nhân chứng cũng xác nhận việc ông Nam có làm dao găm cho các đồng đội vượt ngục và quá trình chiến đấu kiên cường của anh. Tuy đường hầm anh Nam tổ chức đào số người thoát an toàn không nhiều bằng đường hầm của tôi nhưng lại là đường hầm mà nhiều người ra nhất. Sau chiến tranh đến nay ông Nam vẫn nhiều lần tìm ra nhà tù Phú Quốc để tìm kiếm hài cốt của đồng đội và cùng gia đình đưa về quê mai táng, có một số hài cốt đồng đội mà ông Nam không tìm ra được thân nhân thì chúng tôi đã tiến hành mai táng ở nghĩa trang liệt sỹ Phú Quốc”.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh