CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:14

Những chiến binh gan dạ qua hai cuộc chiến

Làng Stơr được bao quanh bởi những dãy núi trùng điệp

Ký ức những năm tháng hào hùng

Chúng tôi vượt đường dài trong tiết trời se lạnh mùa đông, Tây Nguyên có từng cơn gió ùa về báo hiệu mùa khô đang đến, từng cơn gió ấy cũng làm nên "thương hiệu" của vùng cao nguyên đất đỏ ba-zan. Đến gặp bác Đinh Srăng (SN 1935) người làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai cho biết, đều đặn mỗi ngày bác Đinh Srăng đi bộ 5km đường đồi núi để chăn bò, trồng ngô trên rẫy khiến tôi không tin. Vậy mà vừa đến nơi lúc hơn 12 giờ trưa, cũng là thời điểm bác Srăng vác một ôm củi to trên vai, bước đi thoăn thoắt vượt núi, trên tay là mấy cái măng nhỏ để nấu bữa trưa.

Bác Đinh Srăng sinh năm 1937 đang vác bó củi lớn

 

Giọng nói sang sảng mời chúng tôi vào căn chòi làm bằng lồ ô, bác Đinh Srăng kể: "Mình là người đi rừng giỏi nhất làng, thuộc tất cả đường đi nơi đây, nên năm 16 tuổi đã được dẫn bộ đội diệt giặc Pháp. Năm hơn 20 tuổi, mình tham gia chống Pháp được 5 năm với 4 trận đánh lớn, rồi bị bắt vào nhà lao ở Gia Lai. Tại đây, họ khóa chân tay, đóng đinh vào đầu ngón tay rồi nhúng xuống nước để hỏi bộ đội ở đâu nhưng mình không khai vì nghe theo lời bác Hồ rằng phải cố gắng, chiến thắng sẽ đến. Bị nhốt 2 năm 3 tháng tù, quân giặc không khai thác được gì nên đành thả". Tiếp câu chuyện kể, ký ức trong ông ùa về, những năm tháng hào hùng như sống lại. "Sau đó, mình tiếp tục tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trận lớn nhất là trận đánh ở chân đèo Mang Yang, mình dẫn 160 bộ đội đánh 3 xe tăng, 40 ô tô các loại chở lính, xe Jeep. Bắt sống 7 tên địch. Năm 1963, Mỹ bắt mình ở chợ An Khê khi đang mang tài liệu cho bộ đội, rồi nó mang đi đày ở nhà tù Phú Quốc. Ở đây, mình bị đánh vào đầu, vào hai thái dương làm mắt mình bị mù bên phải. Mãi đến hòa bình mình được trả về".

Đến nhà bác Đinh Yom (72 tuổi) buổi chiều tối. Bác Yom là người tham gia cách mạng năm 18 tuổi, sau đó làm xã đội trưởng. Vết thương xuyên thủng bắp cơ tay bên phải của bác Yom do giặc Mỹ gây ra chỉ cần cử động mạnh là rỉ máu, đau buốt những đêm sương. Tuy vậy, khuôn mặt của bác vẫn rạng ngời, nở nụ cười đầy khí phách- Bác Yom kể lại: năm 1966, nhận được tin báo có 2 xe tăng, 2 xe Jeep và hàng chục xe ô tô chở lính các loại đi qua QL19, xã Hà Tam, huyện Đắk Pơ, Gia Lai với quân số hơn 200 tên. Ngay lập tức, huyện đội trưởng Y Kim chỉ huy 3 tiểu đội cùng 20 dân quân đào 30 hầm cách QL19 30m, phục kích bằng 20 quả đạn B40, 20 quả đạn B41 cùng súng Ak. “Mình thuộc tiểu đội 3, lúc đó mình để sẵn trong lòng súng B40 một quả đạn, mang trên lưng một quả. Huyện đội trưởng phân công mình bắn đầu tiên nhằm chặn đường tiến của địch, tiểu đội 2 do ông Greo mang theo B41 đánh vào mạng sườn, tiểu đội 1 do A Long mang theo B41 khóa đường rút của địch”- Bác Yom kể bằng giọng nói đầy hào hùng.

 

Bác Đinh Yom bị trúng đạn của địch khi đang bắn B40

 

Tiếp lời, bác Yom kể: phát đầu tiên mình bắn vào xe Jeep chở chỉ huy của địch, 8 phát vào các xe chở lính của địch, 2 phát mình bắn vào 2 xe tăng. Đang chuẩn bị bắn phát đạn thứ 12 thì do hít nhiều khói độc của B40 nên mắt mình không nhìn rõ, tai lúc đó bị chảy máu, cùng lúc, bị địch bắn trúng ngón tay trỏ bên phải khi đang chuẩn bị bóp cò, xuyên vào bắp cơ tay. Trúng đạn, mình không được nói là bị thương, kêu đau vì địch sẽ biết nên phải hô là “đạn bế bế đông”, rồi anh em đến cứu. Quân địch bị đánh tan tác, rồi tiếp viện của chúng đến, quân ta rút lui để bảo toàn lực lượng. Sau trận này, quân ta chỉ có 2 người bị thương. Bác Yom nói “Bọn Mỹ nó gét du kích của ta lắm, vì cứ bắn tỉa một vài người là rút”.

Làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai bây giờ được bao bọc bởi các dãy núi trùng điệp, cao vút. Điểm vào đó là những vạt nắng chiều đỏ, xuyên qua vách núi tới cánh đồng lúa bạt ngàn. Cơn gió lộng thổi dạt cánh đồng lúa khiến tôi chợt liên tưởng, vùng đất này được “lai” giữa đồng bằng và miền núi. Dù hơn 9 lần bị giặc Pháp càn quét, đốt nhà, làng Stơr vẫn ngoan cường chống trả chỉ với nỏ, bẫy chông, bẫy đá. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, thôn đội trưởng Đinh Núp nên mỗi lần bị càn quét, làng Stơr lại thay đổi chỗ ở theo hướng tiến sâu vào rừng nhằm tiêu hao sinh lực địch và thuận lợi cho sản xuất. Sự ngoan cường, không chịu khuất phục ấy được tiếp nối, phát huy qua các thế hệ, gặp lại những nhân chứng lịch sử góp phần vào chiến thắng thực dân, đế quốc.

 

Suối Ktơ Răk góp phần lập nhiều chiến tích

 

Bên dòng suối nhiều chiến tích

Làng Stơr có núi Ta Gu sừng sững sau lưng, suối Ktơ Răk chảy ngang qua tạo thành vị trí hiểm yếu. Địa hình này đã giúp du kích làng Stơr cùng với bộ đội chiến đấu ngoan cường góp phần giải phóng toàn huyện Kbang bây giờ. Gặp già Đinh Thị H’Nghen (1940) khi đang dệt chiếc váy thổ cẩm để tặng con gái trước khi đi lấy chồng, dù tuổi đã lớn tuổi nhưng đôi tay dệt vải vẫn thoăn thoắt, nhịp nhàng rập khung. Bác H’Nghen học dệt thổ cẩm từ mẹ của mình lúc 5 tuổi, đến năm 17 tuổi bác đã dệt hàng trăm chiếc áo cho bộ đội. Theo bác H’Nghen, để dệt được một chiếc áo phải có bông Ba Na se thành sợi, loài cây này mỗi năm chỉ cho quả một lần rồi chết. Sau đó đi mò ốc đá ở suối Ktơ Răk, lấy cây le khô đốt cả hai cháy thành tro. Cuối cùng đun chung tất cả với cây trum tươi rồi phơi khôi, sau đó mang vào khung để dệt. Dệt xong tiếp tục mang áo đi phơi nắng khô rồi mới được giặt, 4 ngày thì làm xong một chiếc áo. “Nghe theo lời bác Núp, phụ nữ trong làng tập trung dệt nhiều tấm vải thổ cẩm. Áo đan cho bộ đội hàng nghìn chiếc, ai quay lại cũng khen vì mặc vừa ấm vừa bền. Cái váy này mình mặc hơn 20 năm rồi mà vẫn đẹp này”- Già H’Nghen vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc váy của mình làm bằng chứng.

 

Bác Đinh Ngân ngồi đan gùi

 

Con suối Ktơ Răk cũng gắn với những người vận chuyển muối, gạo, súng, tài liệu cho cách mạng. Nhân chứng hiếm hoi còn lại là bác Đinh Ngân (73 tuổi). Ngồi ngoài hiên nhà sàn cặm cụi đan gùi, thấy chúng tôi, bác Ngân nở nụ cười mộc mạc rồi mời lên hiên nhà sàn nói chuyện và cũng không cần hỏi chúng tôi là ai. Vì theo người dân, bác Ngân có một đặc điểm là bất kỳ ai đến nói chuyện cách mạng là ông ưng cái bụng rồi. Đôi tay vừa vót lạt đan gùi, bác Ngân kể: năm 1966 mình tham gia cách mạng với nhiệm vụ vận chuyển muối, gạo, tài liệu. Thời điểm đó, tất cả phụ nữ, già trẻ đều tập trung giã gạo, sau đó những thanh niên khỏe mạnh gùi đến thị trấn Kbang. Để không bị giặc phát hiện, tất cả phải đi dọc theo suối Ktơ Răk, ven theo chân núi, đi 1 đêm là đến.

Năm 1968, đang gùi gạo đi xuống An Khê mình bị bắt. Giặc dùng roi, kìm sắt đánh vào mặt rồi hỏi mình mang muối cho cách mạng phải không?. Bọn nó hứa nếu khai ra chỗ ở của bộ đội sẽ được thả, cho tiền mang về nữa nhưng mình không cần. Mình nói là đi lấy muối về cho buôn làng, bọn nó đánh nhiều nhưng mình quyết không khai, 5 tháng sau nó thả. Hồi đó, nó lấy hết 10 ký muối của mình, tiếc lắm, vì 20 ký gạo mới đổi được 2 ký muối. Nếu gặp giặc mà sợ, nói chuyện run cái môi là nó nghi ngờ ngay, không lấy được thông tin thì cũng bị bắn chết.

Bộ đội đến làng ai cũng mừng, nhưng người dân nghèo, chỉ có củ mì cho ăn thôi. Có lần 30 chú bộ đội vào làng xin cơm, nhưng hôm đó chỉ có cho mỗi người một miếng củ mì nhỏ thôi và hẹn ngày sau quay lại sẽ có cơm ăn. Vậy là 30 chú bộ đội đi ra QL19 đánh giặc nhưng hôm sau quay lại chỉ còn 10 người, mẹ mình hỏi các chú kia đâu hết rồi nhưng không ai trả lời, cũng không ăn cơm.

Bác Đinh H’Măng, nay đã 71 tuổi nhưng đôi tay vẫn nhanh nhẹn bẻ ngô trên rẫy, ông là lính du kích và là người vận chuyển vũ khí. Cũng nhờ sự nhanh nhẹn này mà từ khi tham gia chống Mỹ từ năm 1966 ông chưa từng trúng đạn của địch. Bác H’Măng kể: có một lần, mình ngồi trên đồi thấy 6 thằng biệt kịch được thả từ trên máy bay xuống suối Ktơ Răk. Bọn này khét tiếng là tài giỏi, nhanh nhẹn, nó xuống làng để tìm bộ đội rồi báo tin cho máy bay biết vị trí để thả bom. “Biệt kích được nguy trang giống như màu của núi rừng nên rất khó tìm. Biết vậy nên mình gọi 5 anh em trong làng Stơr lặn, trườn theo đường suối Ktơ Răk để tiếp cận. Quân ta hiểu rõ địa hình ở đây nên tiêu diệt địch nhanh chóng rồi rút ngay, bởi chỉ cần chúng gọi tiếp viện là vài phút sau sẽ thả bom”- Bác H’Măng kể bằng giọng tự hào.

Điển hình thế hệ mầm của núi rừng

Chiến tranh đã đi qua, đất nước hòa bình, cuộc sống ngày hôm nay ấm no, nhưng chúng ta không quên bao xương máu của những người con trên đất nước Việt Nam nói chung và người làng Stơr nói riêng phải đổ xuống. Đau thương mà làng Stơr trải qua đã được ghi vào sử sách, nhưng điều to lớn hơn cả là lớp thế hệ trẻ nơi đây đang tiếp nối truyền thống cha ông với nhiệm vụ mới là gây dựng quê hương, đất nước phát triển. Một trong số đó là Đinh Thị Ngôn (SN 1989, cháu ngoại của anh hùng Núp) đang làm cán bộ văn hóa của huyện Đắk Pơ (Gia Lai), vì ngoài khuôn mặt đẹp như hoa pơ lang, đôi mắt long lanh, Ngôn có thể chơi được tất cả các nhạc cụ của người Ba Na. Hơn cả là, sau khi được nhạc sĩ An Thuyên đích thân về làng tuyển chọn vào học lớp tài năng trẻ của Trường đại học văn hóa nghệ thuật Quân đội, Ngôn đã mang những kỹ năng và kiến thức của mình được học về dạy những em nhỏ trong làng.

 

Đinh Thị Ngôn (SN 1989) - đại diện thế hệ  trẻ nơi đây đang tiếp nối truyền thống cha ông 

 

“Bất ngờ lắm, lúc mình học lớp 7, nhạc sĩ An Thuyên trực tiếp về làng Stơr tuyển chọn những người có năng khiếu âm nhạc để đưa đi đào tạo chuyên nghiệp. Cả ba chị em mình lên hát bài Ngọn lửa cao nguyên, người hát người bè. Hát xong, nhạc sĩ An Thuyên hỏi ai dạy các con, cả 3 chị em trả lời rằng tự tập hát thôi, chứ ở rừng thì làm gì có ai dạy. Nghe xong bác Thuyên nhận cả ba, sau tốt nghiệp, mình đi theo Đoàn ca múa nhạc tỉnh Đắk Lắk một thời gian. Nhưng vài năm sau, biết không thể rời xa quê hương nên đã quay trở lại”- Ngôn kể. Theo Ngôn, người dân làng Stơr đã bỏ được những tập quán sinh hoạt lạc hậu, tiếp cận với công nghệ hiện đại áp dụng vào sản xuất. Những đứa trẻ đều được học hết phổ thông. Một đặc điểm của làng Stơr mà những nơi khác không có là bò, gà, lợn người dân đều thả rông, xe máy của người dân cũng thường để cả chìa khóa dựng ngoài đường nhưng không ai lấy.

Nói về Ngôn, trưởng thôn làng Stơr Đinh Sưl chia sẻ: “Ngôn là đoàn viên thanh niên nên hay động viên các em nhỏ phải học hành chăm chỉ để được đi ra ngoài xã hội, học hỏi văn minh. Cũng bởi vậy mà làng Stơr có rất nhiều em đã tốt nghiệp đại học. Trong các giải văn nghệ do huyện hay tỉnh tổ chức, có sự hướng dẫn của Ngôn, làng Stơr đều mang giải nhất về làng. Nếu thấy hơn 80 hộ dân trong làng có nhà nào nghèo, Ngôn cũng sẽ đứng ra vận động bà con quyên góp tiền để giúp đỡ để vượt qua khó khăn đói nghèo”.

Lê Nhuận

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh