THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:49

Người lính già và chiếc xích lô đặc biệt

tình yêu con trẻ

Mỗi ngày tôi thức dậy từ 5 giờ sáng, đến từng nhà đón các cháu đến trường bằng chiếc xe xích lô đặc biệt này, buổi chiều cũng hành trình đưa và đón các cháu như thế, tối mịt mới về đến nhà, dẫu mệt nhưng tôi vẫn vui vì được làm công việc mình yêu thích, lại đảm bảo sự an toàn cho các cháu”, cựu binh Trần Đình Hà mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

“Xích lô cựu chiến binh” trên đường đưa trẻ đến trường. 

Rời quân ngũ, ông Hà về quê lập gia đình và làm kinh tế, cuộc sống đạm bạc như bao gia đình khác trong vùng. Khi con cái yên bề gia thất, hàng ngày ông đảm nhận đưa đón hai đứa cháu nội đến trường. Trong những lần đưa đón cháu, ông chứng kiến nhiều đứa trẻ vô tư đùa nghịch ngay bên cạnh những “hung thần” xe cộ nên nảy ý tưởng  mua chiếc xích lô để đưa các cháu đến trường an toàn. Gom góp tiền tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng, năm 2004 ông lên Hà Nội tìm mua một chiếc xích lô.

Nhớ lại buổi đầu đưa xe xích lô về nhà, ông kể: “Bà ấy và các con hết sức ngỡ ngàng, không biết tôi rước chiếc xe “của nợ” về làm gì. Ngay khi biết dự định của tôi thì mọi người phản đối kịch liệt. Vợ con lo tôi tuổi già sức yếu, trong khi quãng đường đạp xe quá dài, lại nhiều xe cộ qua lại, nhỡ xảy ra tai nạn thì khổ”.

Ngày đó, bỏ mặc những lời can ngăn của người thân, chiếc xích lô vẫn được ông chế thêm chiếc thùng với rào sắt và mái che chắc chắn. Chờ đến tảng sáng, ông lặng lẽ rời nhà đến đón các cháu bé đi học. Thời gian chờ các cháu tan trường, ông tranh thủ đạp xe vòng quanh xem ai cần nhờ phụ giúp công việc gì thì hỗ trợ, đến 10 giờ thì trở lại trường để đón các cháu về nhà. Nghỉ trưa xong, đúng 13 giờ 30, ông lại đưa các cháu tới trường và 17 giờ lại tới đón các cháu về nhà.

Bước chân không ngừng nghỉ của người lính già

Anh Trần Đình Mạnh, con trai ông Hà, tâm sự: “Đã 8 năm trôi qua bố tôi cẩn trọng với việc đưa và đón từng đứa trẻ đến trường. Thấy bố vui với công việc của mình, lại là cơ hội để ông rèn luyện sức khỏe trong tuổi xế chiều nên gia đình cũng dần ủng hộ. Cảm phục sự tận tình của ông, các gia đình có con được ông tình nguyện chở đi học, người biếu ông vài chục nghìn đồng, người cho tấm bánh”. Tiếp lời con trai, ông Hà bảo rằng: “Mình già rồi, muốn giúp người ta tới đâu hay tới đó, không tính toán gì, bởi chuyện ăn uống đã có con cái lo cho cả rồi...”.

Gửi gắm niềm tin trên từng cây số

Đến nay, ở xã Vũ Lạc đã có thêm vài chiếc xích lô...thùng được bổ sung để đưa đón các cháu đến trường. Các “tài xế” chính là những cựu chiến binh, tham gia Hội “Xích lô cựu chiến binh” do chính ông Hà khởi xướng. Hội thành lập được hơn 2 năm và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.Một trong những thành viên của Hội có tên là Sơn, mỗi ngày 2 lượt sáng và chiều, ông nhận chở 25 em học sinh mầm non và tiểu học, mỗi chuyến chở 15 bé.

Để hỗ trợ ông Sơn, các phụ huynh đóng góp 100.000 đồng/cháu/tháng. Sau khi hoàn thành công việc đưa học sinh vào buổi sáng, ông Sơn quay xe về gần khu vực cầu Vật để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhiều người dân sống gần khu vực cầu Vật chủ yếu làm kinh doanh, không có thời gian đưa đón con nên họ chọn giải pháp gửi con đến trường bằng phương tiện xích lô để đảm bảo sự an toàn cho con.

Các cháu học sinh được đưa đến tận nhà

Theo tính toán của chị Vũ Thị Ngời (28 tuổi), phụ huynh của bé Lê Khánh Linh (5 tuổi), nếu bỏ ra 15.000 đồng thuê xe ôm/ngày để đưa đón con đến trường mầm non thì số tiền hàng tháng sẽ rất lớn, trong khi gửi con đi học bằng xe ôm, cả tháng chị chỉ mất 100.000 đồng, lại dành được nhiều thời gian lo cho việc buôn bán.

Chị Nguyễn Thị Hoa cũng có con hàng ngày đến trường theo mô hình “Xích lô cựu chiến binh”, chia sẻ: “Trước kia chỉ có mình bác Hà đạp xe, tôi cũng thấy ngại, bởi bác tuổi cao mà một ngày phải đưa đón qua chục cây số với hơn 10 đứa trẻ. Từ ngày Hội được thành lập, mô hình được nhân rộng, có thêm nhiều gia đình xin được gửi con và ai nấy đều yên tâm”. 

TUẤN PHẠM - VĂN HOÀNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh