THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:52

Người lính già Vị Xuyên nỗi niềm và những điều chưa kể

 

Một “Bình còng” mãi thầm lặng

May mắn được quay về sau chiến tranh, cuộc sống của người lính Vị Xuyên năm nào cứ trôi qua trong thầm lặng. Hằng ngày, trên chiếc xích lô cũ, không kể nắng mưa, cứ có người thuê chở là ông làm. Có ngày đi từ lúc trời còn tờ mờ sáng đến tận khuya mới về. Bao nhiêu tiền kiếm được cũng dành dụm cho con cho cháu.

 

Ông Bình và đồng đội.


Những dịp 12/7 và 27/7, Hội Cựu chiến binh lại tổ chức về thăm chiến trường xưa, mặc dù sức khỏe không tốt và kinh tế khó khăn, nhưng ông Bình luôn tham gia đầy đủ với mọi người. “Nó bị thoái hóa cột sống từ những ngày ở chiến trường. Cứ trái gió trở trời là đau nhức toàn thân rồi nằm yên một góc. Mà nó nào dám kêu than, nó sợ làm phiền mọi người lắm. Đến bây giờ vẫn thế, ngay mới hôm trước anh em đến thăm mẹ nó ốm, được mấy hôm mẹ nó mất mà nó có báo đâu. Nó bảo sợ phiền lụy anh em”. – ông Nguyễn Đình Thắng, cựu binh Sư đoàn 356 kể lại.

 Đồng đội năm xưa nói nhiều về Bình “còng”.


Nhiều năm nay, người dân trong ngõ 66, Tân Mai đã quen với hình ảnh một ông già lưng còng cùng với chiếc xe cũ vất vả mưu sinh. Mỗi khi hàng xóm có công việc cần giúp đỡ, ông đều nhiệt tình tham gia mà không cần bất cứ sự đền đáp nào. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là không một ai biết rằng “Bình còng” là một trong những người lính từng tham gia chiến trường Vị Xuyên năm xưa. Mọi người chỉ biết đến ông là một người hiền lành, ít nói và hòa đồng với mọi người xung quanh.

Người hiền lành, tử tế, gia cảnh rất khó khăn và hiện là lao động chính trong gia đình, nên người dân quanh khu ông Bình ở mong muốn ông Bình không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Không ai ở ngoài đường mãi được…”

Cuộc sống chật trội trong căn nhà bốn gia đình cùng chung sống, chỗ ngủ của ông Bình là một chiếc giường ván cứng kê sát vách tường ẩm thấp. Cũng vì điều kiện sống như vậy nên vợ và hai con của ông phải về quê sinh sống.

 

Cháu ngoại trên chiếc giường của ông.


Chị Ngọc, con gái út ông Bình năm nay 27 tuổi, khó khăn lắm mới xin được làm công nhân cho công ty dưới quê. Thu nhập chẳng được bao nhiêu, lại nuôi thêm hai cậu con nhỏ, nên mặc dù thương cha cực khổ nhưng cũng không đủ điều kiện để chăm sóc. Lần duy nhất được gặp cha là ngày sự việc đau lòng xảy ra, nhìn người cha còng ngồi trong phòng xét hỏi mà không thể làm gì cho cha. Trải lòng với P.V, chị tâm sự: “Cha cả đời ở ngoài đường lo cho con cái mãi rồi. Giờ chỉ mong cha sớm được trở về đoàn tụ với gia đình để con được báo hiếu, chăm sóc cha những ngày về già. Những ngày qua, hôm nào gia đình cũng sang thăm hỏi và thắp hương cho cháu Hoàng, chỉ mong gia đình bên kia bớt đau thương”.

Kể từ khi sự việc đáng buồn xảy ra, hai đứa cháu ngoại ngày nào cũng nhắc đến ông. Khó khăn lắm gia đình mới tìm được một bức ảnh của ông để đem in ra, cho hai cháu đỡ đòi ông mỗi khi đêm về. Nhìn vào đôi mắt ngây ngô, không dễ kìm nén cảm xúc khi các con hỏi ông đi đâu sao lâu về thế…

Sự việc xảy ra và người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì hành vi của mình. Giờ đây, khi đang ngồi trong phòng tạm giam chờ ngày xét xử, có lẽ ông Bình chẳng thể nào thôi suy nghĩ về chuyện đã qua. Chỉ mong một ngày gần nhất, khi tòa án có phán quyết, nỗi đau của gia đình mất con sẽ nguôi đi phần nào và người lính già cũng sẽ được tha thứ vì lỗi lầm gây ra.

DƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh