Bà Rá còn mãi những chiến công
- Văn hóa - Giải trí
- 00:00 - 10/09/2017
Bà Rá ngày ấy
Với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ cùng với miếu Bà linh thiêng trên đỉnh núi, quần thể núi Bà Rá còn là một địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn thu hút du khách.
Toàn cảnh núi Bà Rá
Những năm đầu của thế kỷ hai mươi, Bà Rá còn là chốn “thâm sơn cùng cốc”, do vậy năm 1925, thực dân Pháp cho xây tại chân núi một nhà tù lớn để giam cầm chính trị phạm, những người bị tình nghi là cộng sản nhưng không thành án và cả tù thường phạm khác. Bọn cai tù dùng nhiều thủ đoạn dã man để tra tấn tù nhân nhưng với tinh thần quật cường, ý chí kiên định các chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù này thành nơi đối đầu với chúng, thành trường học cộng sản và tuyên truyền giác ngộ một số tù thường phạm, hướng họ về phía cách mạng.
Với địa hình hiểm trở, Bà Rá còn mang trên mình bao chiến tích oai hùng, bên sườn núi phía Tây có hang Dơi, hang Cây Sung, Hòn Đá Đen nơi đây đội công tác núi Bà Rá đã từng bám trụ và gây nhiều nỗi kinh hoàng sợ hãi cho địch. Những tên tuổi đã gắn liền với Bà Rá: anh Tám Lực, chị Bảy Tuyết, anh Tám Phụng, anh Bảy Thỏa... đã ghi biết bao chiến công vào những trang sử Phước Long vẻ vang.
Những cán bộ lâu năn ở đây cho biết: Hồi đó Tiểu đoàn 168 đóng ở Hang Dơi, với phương châm “đêm là của mình, ngày là của địch” nên cứ ban đêm là chúng tôi mò xuống hoạt động, đánh phá địch ngày lại rút về. Địa bàn chúng tôi đóng quân rất nguy hiểm, trên đỉnh là căn cứ của địch, dưới chân núi cũng là địch, chúng tôi ở giữa, phải hoạt động hết sức bí mật và cẩn trọng.
Du khách thắp hương tại Nhà bia Tưởng niệm Liệt sỹ
Trong chiến tranh quân đội Mỹ, xây dựng trên đỉnh Bà Rá căn cứ quân sự rất hiện đại, có cả sân bay trực thăng, để kiểm soát toàn bộ vùng miền Đông Nam bộ. Có những thời kì địch kiểm soát nghiêm ngặt chúng tôi không bắt được liên lạc với cơ sở phải ăn củ chụp, quả sung để chiến đấu qua ngày, rồi những trận sốt rét rừng đã cướp đi biết bao sinh mạng của đồng đội”. Khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, thế nhưng đội công tác Bà Rá vẫn luôn bám sát địa bàn, đêm đêm các chiến sĩ lại tìm đường vào các vùng đồng bào làm công tác tuyên truyền, vận động cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang trong nhân dân. Những hoạt động của các lực lượng vũ trang, các cơ sở cách mạng trong đồng bào các dân tộc và công nhân cao su ở vùng Bà Rá – Phước Long (huyện Sông Bé) đã diễn ra sôi nổi, gây cho quân địch và tay sai những thiệt hại cả về người và vũ khí.
Bà Rá – Phước Long trở thành mối đe dọa đối với địch, tay sai ở khu vực này. Khiến chúng phải tăng thêm quân, và các đội biệt kích, lập thêm đồn bót ở Bà Rá – Bù Đăng – Đồng Xoài. Song lực lượng kháng chiến của ta ở đây đã từng bước phát triển, đồng bào các dân tộc ở đây đã hướng về cách mạng, phong trào yêu nước và cách mạng của các tầng lớp nhân dân ở đây đã góp phần tích cực vào việc đánh bại những âm mưu thủ đoạn chiến tranh của địch qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long, mở đầu cho quá trình giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bà Rá bây giờ
Chiến tranh đã qua đi, Bà Rá ngày nay không còn là chốn “thâm sơn cùng cốc” mà trở thành một địa điểm du lịch thắng cảnh nổi tiếng ở Đông Nam bộ, nằm ngay trong thị xã Phước Long. Tại đây, để tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ và đồng bào tử nạn chính quyền địa phương đã cho xây dựng Nhà bia rất trang trọng. Du khách đến Bà Rá có thể đến thắp nén nhang tri ân tại đồi Bằng Lăng để một phút lắng lòng với những hy sinh của những người con dân tộc. Từ đây du khách tiếp tục cuộc hành trình chinh phục đỉnh núi Bà Rá với 1.767 bậc tam cấp. Núi Bà Rá chỉ cao 732m nhưng đường lên núi dốc và khó đi. Có những đoạn dốc hơn 45 độ, phải cố gắng mới bước lên được. Đường lên núi khá đẹp, được bao phủ cơ man nào là trúc, lồ ô. Đặc biệt hai bên đường đi có nhiều cây cổ thụ ướm chừng vài trăm năm tuổi.
Hệ thống cáp treo hiện đại đã được lắp đặt
Ở lưng chừng núi có thể thấy rất rõ lòng hồ thủy điện Thác Mơ nên thơ và huyền thoại. Huyền thoại vì có những truyền thuyết đầy bi tráng đã đi vào sử thi của những mối tình thấm đẫm nước mắt của những chàng trai, cô gái Stiêng. Huyền thoại vì công sức dời non lấp biển của người Bình Phước đã biến hồ Thác Mơ rộng 12.000ha thành nhà máy thủy điện tầm cỡ quốc gia, cung cấp điện và nước cho một vùng rộng lớn.
Rất đông du khách tìm về thăm quan khu du lịch này
Lên đến đỉnh, mỏi mệt tan biến, do không khí quá mát mẻ và cảnh trí thiên nhiên trải ngút ngàn, từ đây có thể nhìn thấy cả một vùng bình nguyên của tỉnh Bình Phước. Trên đỉnh núi Bà Rá là Miếu Bà (hay còn gọi là Linh Sơn Miếu) phụng thờ chúa xứ Nương Nương (Bà chúa của vùng núi Bà Rá) được mọi người truyền tai nhau rất linh thiêng. Do đó Núi Bà Rá không chỉ tượng trưng cho nét đẹp thiên nhiên mà còn có nét đẹp linh thiêng của tôn giáo tín ngưỡng. Tại đỉnh núi này còn có ngọn ăng ten của trạm tiếp vận phát sóng khu vực Đông Nam bộ, cao 48m.
Rừng của núi Bà Rá là khu rừng đặc dụng của tỉnh, được Chi cục Kiểm lâm gìn giữ nghiêm ngặt, nên còn đủ các loại gỗ quý đặc trưng của rừng nhiệt đới như: Cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, sao, dầu, bằng lăng... Ngoài ra, rừng còn nhiều loại thú quý như beo, chồn, nhím, vượn, khỉ... Rồi những tảng đá to nằm chơ vơ trên mặt đất, hay nằm chồng lên nhau tạo nên những hang đá là căn cứ địa cách mạng gắn liền với những chiến công vang dội một thời.
Trạm tiếp vận phát sóng khu vực Đông Nam bộ trên núi Bà Rá
Để đánh thức tiềm năng du lịch ở Bà Rá chính quyền cũng đã cho xây dựng ở đây một hệ thống cáp treo từ chân núi lên đến đỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách trong và ngoài nước.