THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:09

Nhật ký hành trình “Về đất lửa Quảng Trị”

 

Dưới cái nắng chói chang của mùa hè như nhắc nhở mỗi người đoàn viên thanh niên trong các cơ sở Đoàn thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ LĐ-TB&XH nhớ về những tháng năm rực lửa, hào hùng mà bi tráng của non sông, đất nước ta. Một đất nước đã phải trải qua hàng nghìn năm đô hộ của phương Bắc, bao nhiêu năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những mất mát, hi sinh và nhiều hậu quả sau chiến tranh vẫn còn nặng nề cho đến ngày hôm nay. Cha ông ta đã phải đánh đổi cả mạng sống, tuổi thanh xuân, những ước mơ còn dang dở để mang lại sự hòa bình thống nhất cho dân tộc. Là thế hệ trẻ đi sau, hơn ai hết những đoàn viên TN Bộ LĐ-TB&XH luôn ý thức hướng về cội nguồn, hướng về những người đã khuất để tưởng nhớ, biết ơn với tấm lòng thành kính nhất. 

 

Tuổi trẻ Bộ LĐ-TB&XH lắng nghe, ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc ở khu di tích lịch sử địa đạo Vĩnh Mốc.

Quảng Trị mảnh đất đầy nắng và gió, mảnh đất lịch sử hào hùng và đáng khâm phục trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Mảnh đất kiên cường và anh dũng này đã chứng kiến cuộc chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam và sự hy sinh anh dũng của bao người con ưu tú, bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống cho sự hòa bình và phồn thịnh của đất nước hôm nay. Những tên làng, tên núi, tên sông và các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: sông Bến Hải – cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc, Đường 9 - Khe Sanh, làng Vây, đảo Cồn Cỏ anh hùng, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia Đường 9… đã đi vào ký ức của mọi người.

Điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình về đất lửa Quảng Trị là Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Có lẽ đối với những ai lần đầu đặt chân đến đây sẽ không khỏi cảm giác choáng ngợp và bồi hồi khi nhìn thấy hàng chục vạn ngôi mộ nằm ngay ngắn, thẳng hàng trong cả một vùng đất rộng lớn này. Những ngôi mộ với cái tên gắn liền với năm sinh, năm mất, quê quán rõ ràng và cả những ngôi mộ với vỏn vẹn dòng chữ “Liệt sĩ chưa rõ tên”.

 

Đoàn công tác dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn...

...Và nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9.

Tại đây, đoàn công tác đã dâng hoa cùng những nén hương thay lời tri ân, cùng tấm lòng biết ơn chân thành và những niềm suy tư lắng đọng riêng trong mỗi đoàn viên trong đoàn công tác. Cảm ơn các anh, các chị những người cha anh, những người anh hùng của Đất nước, những người Mẹ yêu thương, những người đã nằm xuống, đã hi sinh cho đất nước để dành lại độc lập tự do cho dân tộc. Thế hệ đoàn viên thanh niên Bộ LĐ-TB&XH cảm thấy thật tự hào biết bao về các anh, các chị, những con người ưu tú, dũng cảm đã hiến dâng trọn tấm thân mình cho quê hương.

 

Ông Nguyễn Văn Dư, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Đảng - Đoàn thể (bên trái) cùng ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị (bên phải) và các đoàn viên thanh niên Bộ LĐ-TB&XH dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9

Rời Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, đoàn công tác về thăm di tích cột cờ bên dòng sông Bến Hải - cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc. Những nơi đã trở thành biểu tượng của sự cách trở, chờ đợi, ngóng trông, sự chia ly và nỗi đau mất mát… Nơi đã trở thành “nhân chứng lịch sử”, mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước, nơi đã chứng kiến nhiều vô cùng cảnh tang tóc, đau thương. Thế nhưng, đó cũng là chứng tích tiêu biểu về sự hy sinh chịu đựng và gan góc chiến đấu vì độc lập, tự do của người dân Quảng Trị nói riêng và người dân Việt Nam nói chung trước gông cùm xiềng xích, máu đổ thịt rơi, nơi đồn bốt được kẻ thù dựng lên bằng sắt thép, lưỡi lê, bằng xe tăng đại bác đã không khuất phục được lòng quả cảm, trí thông minh và niềm tin son sắt vào chân lý nhất định sẽ chiến thắng của nhân dân Việt Nam. Ai đến đây cũng đều xúc động bồi hồi, bởi các tấm ảnh ghi nhận lại hình ảnh về làng quê trù phú, về 11 cháu bé ra đời trong bóng tối của chiến tranh, còn tấm ảnh của 4 cô du kích tươi xinh, hát dưới hầm địa đạo và họ cũng chính là những con người giương cao súng bắn kẻ thù…

 

Đoàn công tác dâng hương và vòng hoa vào viếng các Anh hùng liệt sĩ yên nghỉ tại Thành cổ Quảng Trị.

Trong chuyến công tác, đoàn đã vào thăm thành cổ Quảng Trị, nơi được xem là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng với khát vọng tự do, độc lập. Nơi đây, mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi tấc đất Thành Cổ đã thấm đẫm máu của hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào ta. Để khi quay trở lại thăm chiến trường Thành Cổ và viết cho những người đồng đội đã nằm lại chiến trường thì cựu chiến binh Phạm Đình Lân đã viết.

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây.
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào.”

 

Chị Nguyễn Thanh Vân, Bí thư Đoàn TN Bộ LĐ-TB&XH thành kính thắp hương tri ân tại các phần mộ Anh hùng liệt sĩ.

Trong chuyến hành trình về Quảng Trị, đoàn công tác đã tới thăm, tặng quà tri ân tới 10 gia đình có công với cách mạng thuộc các xã Hải Chánh, Hải Tân, Hải Sơn, Hải Trường, huyện Hải Lăng. Đoàn công tác phối hợp cùng Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam và Công ty Cổ phần Dược phẩm Traphaco trao tặng 50 phần quà và 50 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho các em học sinh nghèo vượt khó tại các xã Triệu Tài, Triệu Trung, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

 

Chị Nguyễn Thanh Vân, Bí thư Đoàn TN Bộ LĐ-TB&XH (áo xanh) cùng ông Nguyễn Văn Dư, Phó Vụ trưởng,  Phó Chánh Văn phòng Đảng-Đoàn thể (Ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong đoàn công tác đến thăm và tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Đoàn công tác tặng quà và học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó.

QUANG DƯƠNG (dựa ghi chép của Đức Anh, đoàn viên TN Bộ LĐ-TB&XH)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh