THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:36

Người Việt mưu sinh ở bên kia biên giới

Bài 1: Mồ hôi rơi theo sới bạc

Không lo thiếu việc, nào hàng đông lạnh, nào hàng khô, hàng nhẹ, hàng nặng đều chờ vai dài sức rộng của các “cửu vạn”. Việc nhiều, thu nhập khá, nhưng rất hiếm người giữ được tiền đưa về nước. Bởi các tệ nạn như cờ bạc, gái gú, những cuộc chạy trốn, đâm chém luôn hiện hữu trong cuộc sống của người sống chui lủi ở xứ người.

Hàng chục “lao động chui” người Việt đang chờ lên xe vào sâu trong nội địa Trung Quốc.

Đối mặt với... “đại ca” vùng biên

Vác hàng xong, mồ hôi chưa ráo lại có người rủ rê đánh bạc. Già trẻ đều lên sới quây tròn trong chiếu. Để mục sở thị điều này, Cường - người mối lái việc làm vùng biên, dẫn tôi đến khu lán trọ của người Việt. Đã làm công việc mối lái này hàng chục năm nên mọi hoạt động, công xưởng, lán trọ, ổ chuột ở bên kia biên giới Cường đều thông thạo như ở nhà mình.

Vừa đi, Cường vừa kể: Trong đám cửu vạn vùng biên này có người tên Hùng, “dân anh chị cũng phải nể mặt hắn một phép”. Hùng quê Thanh Hóa. Khi còn là một “ngựa non háu đá”, có lần Hùng đánh trọng thương một người lạ đến làng. Tưởng người đó chết, lại sợ bị trả thù nên Hùng bỏ nhà trốn qua Trung Quốc. Hùng khéo léo trong ứng xử và lì lợm khi có kẻ tới tranh giành, nếu cần đâm chém để chiếm địa bàn làm ăn thì anh ta xin làm “tướng tiên phong”, vì thế mà ông chủ rất tin tưởng. Khi đã có uy và lực, Hùng trở lại quê nhà, mang tiền đến xin lỗi người mình đã đánh rồi nhận thêm chục thanh niên rời quê hương...

Dứt lời kể về Hùng cũng là lúc chúng tôi đứng trước một cái lán rộng. Bảo tôi đứng đợi ở ngoài, Cường lách qua hàng rào, cất tiếng gọi to. Từ trong nhà, một gã trông vẻ bặm trợn bước ra. Cường quay mặt lại nói: “Đây là Hùng- là cái gã lúc nào cũng kè kè vũ khí bên mình mà tôi vừa kể. Giới cửu vạn khắp vùng này ai cũng mong được cái gã “đồ tể” này đùm bọc, chở che đấy”. Nói rồi, Cường chỉ vào tôi cười hể hả: “Còn đây là chú em mới từ Việt Nam sang, đang tìm việc làm, chú ấy muốn tham khảo một chút cuộc sống bên này”. Hùng gật đầu cái rụp rồi thẳng thắn: Người Việt mình sang đây làm cửu vạn có hai loại. Một là ngoan hiền, làm chui trong các lán, nhà kho, chuyên bốc hàng từ xe này sang xe khác để xuyên biên. Loại thứ hai là ưa vũ lực để tranh giành miếng ăn, loại này chuyên vác hàng xuyên biên về nước. Cả hai đều phải làm cả ngày cả đêm, bất kể mưa gió sấm chớp”.

Người Việt chờ vác hàng lậu về nước.

Nói đoạn, Hùng nhìn chằm chằm vào tôi rồi buông lời: “Gầy như chú mày chắc đếch chịu nổi “nhiệt” đâu. Bốc hàng vất vả lắm chứ chả chơi. Một người phải vác trên 20 tấn hàng/ngày, gặp phải hàng đông lạnh coi như chú “đứt”. Như cái thằng cu Đại, tên thì to lắm nhưng bé như chú mày, vác một ngày lại lăn ra ốm một ngày, ốm đến suy nhược cơ thể nặng, anh mới cho nghỉ việc hôm kia, hôm qua nó “phắn” về nước rồi”– Hùng cảnh báo, đồng thời nói: “Đấy là chưa kể những rủi ro. Chém nhau cụt tay, què chân hoặc chết mất xác anh chả kể nữa, kẻo chú mày sợ”.

Rủi ro tiềm ẩn

Nghe hỏi về những tai nạn khi hành “nghề cửu vạn”, mắt Hùng như trợn ngược: “Nói rồi mà chú mày dốt bỏ mẹ. Vì nhiều người cùng làm công việc này nên thấy có miếng ngon là lại kéo nhau đi xâu xé, tranh giành. Nhiều đứa bị đánh đến bầm dập, tím tái, máu me chảy dòng nhưng chả dám đến bệnh viện vì thân là lao động chui, đến đó chẳng khác nào tự chui đầu vào rọ. Chưa kể, vì làm ở khu vực buôn lậu nên các chủ hàng rất cẩn trọng, thấy người lạ bén mảng đến lăm le chiếm hàng là... tẩn”.

Hùng kể rằng, dạo trước có thằng Tú, cùng quê với Hùng, thuộc nhóm vác hàng xuyên biên. Hôm đó, thấy nó mệt, ai cũng bảo nó ở nhà mà nghỉ, nhưng vì thiếu tiền để gửi về quê cho đứa con gái vừa lên cấp ba mua chiếc xe đạp nên nó vẫn đi làm. Hàng thì nặng mà đường thì gập ghềnh, nó trượt chân, đập đầu vào mỏm đá, tử vong tại chỗ. Lại còn thằng Dũng nữa, có lúc nó ham tiền, ham làm, có hôm đánh rơi hàng khi đang đi trên sườn đồi, nó bám theo rồi rơi luôn, may mà có cây đỡ, nên chỉ bị lệch khớp. “Nó mới khỏe lại được một tuần, tí vào gặp nó mà xem, may thoát chết chứ không thì rũ xương dưới núi rồi”, Hùng nói. 

Những lao động Việt vắt vẻo trên xe ba gác tại thị xã Bằng Tường.

Theo lời Hùng, trong hàng trăm nghề ở vùng biên này, có lẽ “nghề cửu vạn” là lâu bền nhất. Vì còn buôn lậu thì còn “cửu vạn”, còn sản xuất thì còn “cửu vạn”. Tuy nhiên, trước đây “cửu vạn” làm được bao nhiêu đút túi bấy nhiêu, nhưng giờ thì phải qua ông cai này bà chủ nọ, thành thử kiếm được mười đồng chỉ còn lại bảy đồng. Giờ sợ bị bắt nên các ông chủ quản lý “cửu vạn” cũng ngặt hơn, từ đó mà sinh ra những hệ lụy mới ngoài lời cảnh báo của Hùng.

Trong lán của “cửu vạn”, nồi niêu lỉnh kỉnh, các bao nilon, bìa caton vương vãi khắp nhà, cộng thêm mùi thuốc lá, mùi mồ hôi từ giày, tất, quần, áo bốc lên, trên tấm phản nằm là một toán người đang xúm đầu lại hô lớn “một trăm này”, “này thì hai trăm”... Một người trông có vẻ đã thua trắng tay dừng chơi, lại trò chuyện với khách, anh là Dũng, là người mà Hùng mới nhắc đến. Tôi hỏi: “Lúc nhàn rỗi làm mấy ván giải trí hở bác?”. Dũng cự lại: “Đánh ăn tiền thật chứ chơi gì. Tôi không còn xu nào mới ra đây, chứ không thì các anh có đến tôi cũng mặc thây”. Nhấp ngụm nước, Dũng nói tiếp: “Làm được đồng nào lại rủ nhau “nướng” vào đây hết ấy mà. Nhìn cái thằng gầy nhom đấy, nó là Chung, nhà thuộc nghèo nhất làng, vợ con nheo nhóc. Nó  yếu lắm, làm cửu vạn thì nhác mà ngồi ôm bài rõ siêng. Làm đến đâu, nướng hết vào bài bạc, hết tiền còn vay thêm ông chủ hàng chục triệu nữa. Còn nhiều cửu vạn khác ôm nợ như thằng Chung. Ở đây nhiều chuyện bi hài chứ không đơn giản, toàn là lao động khổ sai kiếm tiền tiêu sài chứ có gửi về nhà được đồng nào đâu”.

Vào sâu thành phố cũng không dễ sống

Rời “sòng bạc”, tôi tiến sâu vào thị xã Bằng Tường và không khó để nhận ra những thanh niên người Việt đang vắt vẻo trên chiếc xe ba gác chở đồ gỗ lượn lờ trong phố. Một người cho biết quê ở Bắc Giang sang đây làm mộc, nay đi giao hàng nên mới được ra ngoài hít thở không khí. Anh kể: “Làm mộc bên này lương tháng ổn định khoảng 10 triệu đồng nhưng rồi cũng tiêu sạch bách”.

Tôi gặp một nhóm thanh niên người Việt từng làm cửu vạn, nay bỏ đi làm thợ xây. Họ cho biết, có rất nhiều người Trung Quốc thuê người Việt về làm. Về độ khéo léo thì người Việt không thua kém người Trung, nhưng họ làm nhanh hơn, quần quật hơn, chịu được điều kiện môi trường và thường đòi mức lương cao ngất ngưởng. Một thợ xây người Việt chia sẻ: “Có thu nhập nhưng hạn chế trăm bề, từ ngôn ngữ đến chuyện đi lại và luôn phải né công an, thật là gò bó. Chỉ hôm nào vắng bóng công an như hôm nay, chúng em mới ra phố...”. 

Vẫn ở  thị xã Bằng Tường, tôi bắt gặp hàng chục người Việt đang núp sau một dãy nhà. Đứng gần đó là một gã chuyên mối lái việc làm. Sau khi cảm thấy an toàn, người này rút điện thoại, tức thì một xe khách lớn đến, người Việt ồ ạt, tay xách, nách mang lên xe. Biết rõ vượt biên chui là vi phạm pháp luật, nhưng với cửu vạn, đó là cách liều đưa chân với bao rủi ro tiềm ẩn. Như trường hợp của Lê Xuân Hoằng, người Bắc Giang, vượt biên sang Trung Quốc dễ tìm việc làm nên nhanh kiếm được chút đỉnh tiền. Đến ngày trở về quê, đường rừng không quen, đá kê gập ghềnh, mũi đá sắc nhọn, ông chú Hoằng chẳng may ngã xuống núi tử vong. Thủ tục đưa thi thể về quê an táng mất gần 300 triệu đồng, thế nên mấy anh em chú cháu đi với nhau chả được gì lại còn thiệt thân. Những tháng ngày sau đó, tiền không có mà nợ thì ngày càng chồng chất, lãi ngân hàng phát sinh, họ đành phải thông qua mối lái để vào được thành phố, còn việc làm như thế nào tự các anh em phải tìm kiếm.

(Còn nữa)

HẠNH NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh