THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:36

Nghệ sĩ mưu sinh phố đêm Sài thành

Diễn cho vừa lòng thực khách…

Hiện nay ở Sài Gòn có rất nhiều đường phố tập trung quán nhậu về đêm với mật độ dày đặc. Nhưng có lẽ đứng đầu bảng, chính là hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa chạy theo hai bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài gần 9 km qua các quận: Tân Bình 3, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Đây cũng chính là hai con đường tập trung nhiều thân phận những người đàn, hát rong, những người diễn xiếc, ảo thuật rong hội tụ về mưu sinh hằng đêm.

Nghệ sĩ độc tấu sáo trúc.

Họ hầu hết là những chàng trai, cô gái còn rất trẻ, thậm chí có cả trẻ vị thành niên cũng tham gia đội ngũ những nghệ sĩ đường phố, khiến lực lượng này ngày một đông đảo hơn, đa dạng hơn, phong phú hơn về loại hình nghệ thuật: Ca, nhạc, múa lửa, xiếc, ảo thuật...Tôi thấy họ xứng đáng được gọi là nghệ sĩ, những nghệ sĩ của đường phố. Họ dù không hoạt động chuyên nghiệp, chính quy trong các đoàn nghệ thuật, nhưng những gì mà họ biểu diễn phục vụ cho khán giả ở hè phố là rất nghiêm túc, lành mạnh, hấp dẫn với nhiều tiết mục không thua gì những nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, mang đến cho người thưởng thức nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đa phần những nghệ sĩ đường phố thường đi theo nhóm từ hai đến 3 người, mỗi người đảm nhiện một công việc khá bài bản. Trong một đêm chạy show như thế, người diễn và người tiếp thị chào mời khách nhậu mua ủng hộ bánh, kẹo đều phối hợp rất ăn ý. Nhưng cũng không ít người chỉ một mình độc diễn cả một “show ”, cứ diễn xong vài bài hát, hay một vài chiêu ảo thuật thì tự mình đi đến từng bàn nhậu mời mọc để bán hàng.

Tất cả đều lao động một cách nghiêm túc, lấy giọng hát, ngón đàn và chiêu trò biến hóa ảo thuật thật sự hấp dẫn, thì mới mong chiếm được cảm tình của dân nhậu, vốn đã ngà ngà hơi men và rấy hay nổi nóng. Đối với họ, diễn vừa lòng thực khách, chiều lòng thực khách để chiếm được cảm tình, cũng đồng nghĩa với việc bán được những sản phẩm mà mình đang tiếp thị và có thu nhập để trang trải cuộc sống. Chính vì thế các nghệ sĩ đường phố, nhất là những người hát rong cũng rất chú trọng đến sự đầu tư luyện tập với nhiều thể loại ca khúc và thay đổi ca khúc thường xuyên, để đảm bảo phục vụ theo yêu cầu sở thích thực khách. Một đêm chạy show của những người nghệ sĩ đường phố bắt đầu tất bật từ 6 giờ tối tới hơn 12 giờ đêm, có khi tới gần sáng mới hết show diễn.

Phương tiện di chuyển của họ là xe máy, với đồ nghề đơn giản gọn nhẹ chỉ gồm một chiếc loa, micro, cây ghi ta thùng, vài cây sáo trúc và thêm một đĩa nhạc chép đầy đủ những bản nhạc thời thượng đang được nhiều người yêu thích là OK. Đối với những nghệ sĩ biểu diễn ảo thuật thì có thêm một số đạo cụ dành cho các tiết mục biểu diễn như bộ bài tây, chim bồ câu, rắn lục, kiếm…Là thực khách quen của một số quán nhậu bình dân ở đường Trường Sa, tôi có nhiều đêm được nghe hát, nghe độc tấu sáo trúc, xem biểu diễn ảo thuật, múa lửa mãn nhãn, mãn nhĩ mà chỉ tốn có 20.000 đồng mua hai cây kẹo mút.

Thực khách ai cũng biết hai cây kẹo mút đúng giá chỉ 10.000 đồng, nhưng hầu như bàn nào cũng vui vẻ hào phóng mua ủng hộ các nghệ sĩ vài cây. Một quán nhậu, chỉ cần khoảng từ 5 đến 10 bàn có người mua, tính sơ sơ các nghệ sĩ đã có thu nhập khoảng từ 100.000 đến 200.000 đồng. Một tour chạy show của các nghệ sĩ chỉ dọc hai con đường Trường Sa và Hoàng Sa thôi với gần cả trăm quán nhậu, cứ thế mà nhân lên thì khoản thu nhập của các nghệ sĩ là không hề nhỏ. Minh Hằng, một giọng ca khá ngọt và giàu cảm xúc qua những bản nhạc mang âm hưởng dân ca Nam bộ, quê Hậu Giang nói với tôi, tính bình quân thu nhập cũng được khoảng trên 10 triệu đồng/tháng.

Minh Hằng bảo, khoản thu nhập này, nếu so sánh thì cao hơn hẳn lương tháng của một diễn viên đoàn ca múa ở tỉnh lẻ. Qua chia sẻ của Minh Hằng, tôi có thể giải mã được vì sao một giọng ca có triển vọng như Minh Hằng, sau khi tốt nghiệp khoa thanh nhạc Trường Văn Hóa - Nghệ thuật của Tây Đô, lại xê dịch lên Sài Gòn để “xin làm người hát rong”. Trong đội ngũ những ngưới hát rong phục vụ các thực khách trong quán nhậu hằng đêm ở Sài Gòn, có rất nhiều gương mặt, giọng ca giống số phận của Minh Hằng. Đa phần trong số họ, đều ít nhiều được học hành cơ bản về một loại hình nghệ thuật, tại các trường, hay trung tâm, cơ sở đào tạo nghệ thuật nào đó.

Công phu khổ luyện, nhọc nhằn mưu sinh

Trong những pha biểu diễn của nhóm xiếc dạo, có lẽ gây ấn tượng mạnh và có cảm giác ớn lạnh sống lưng là chiêu nuốt kiếm, nuốt dao lam, nuốt rắn lục (tất nhiên rắn đã được cắt nọc). Quốc Bảo, một trong những người biểu diễn những pha ớn lạnh kể trên cho biết, đây là những pha diễn đòi hỏi sự can đảm, liều lĩnh và công phu trong khổ luyện về kỹ năng. Nuốt kiếm là một môn xiếc rất khó, muốn học một cách thuần thục, thì người theo học ngoài sự gan dạ, tự tin cũng phải tốn thời gian khổ luyện khoảng một năm ròng.

Tuy không gây cảm giác ớn lạnh như nuốt kiếm, dao lam, lửa và rắn lục, nhưng những chiêu trò ảo thuật cũng dễ bị rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, đôi khi cũng không kém phần nguy hiểm. Một trong những tai nạn thường gặp của các nghệ sĩ ảo thuật là trò “đùa với lửa”, ví như tiết mục biến hóa từ chảo lửa đang bừng bừng cháy, trong nháy mắt các ảo thuật gia đường phố đã hô biến ra một con gà tre thật đẹp mắt, đầy hấp dẫn mê hoặc người xem. Bằng sự nhanh tay nhanh mắt của các nghệ sĩ biểu diễn từ một bộ bài Tây bình thường, trong chớp mắt đã có thể nhảy múa, có thể biến hóa từ con bài 9 bích thành K bích.

Tương tự như tiết mục biến hóa bộ bài Tây, từ một chiếc khăn tay trắng, một bức tranh vẽ hình chim bồ câu, chỉ vài động tác phẩy tay, lật, lắc hòa cùng những tiết tấu âm thanh của những bản nhạc, trong phút chốc đã biến thành con bồ câu thật bay chấp chới trước mắt người xem như thể có một phép thuật đầy bí ẩn. Nhưng, để có thể biểu diễn được bằng ấy chiêu trò thôi, những ai đam mê và theo đuổi bộ môn nghệ thuật ảo thuật này cũng phải trải qua một quá trình nhiều năm công phu học hỏi và khổ luyện nhuần nhuyễn từng chi tiết nhỏ, mới có thể hành nghề mưu sinh được.

Nghệ sĩ ảo thuật với màn biểu diễn chim bồ câu.

Phước Đạt, quê Quảng Nam, năm nay mới chớm tuổi 30, nhưng đã có hơn 5 năm lang bạt kỳ hồ mưu sinh bằng nghề biểu diễn ảo thuật đường phố, với tiết mục chính là biến hóa chiếc khăn và bức tranh vẽ chim bồ thành bồ câu thật đầy hấp dẫn, ngoạn mục. Là người có năng khiếu và đam mê ảo thuật, nên Phước Đạt nghỉ học sớm để theo học ảo thuật với một ảo thuật gia khá nổi tiếng ở thành phố Đà Nẵng từ năm 15 tuổi. Sau gần 10 năm công phu khổ luyện Phước Đạt bắt đầu ra đường phố biểu diễn mưu sinh ở Đà Nẵng, Nha Trang rồi bây giờ trụ lại ở Sài Gòn cũng đã hơn 2 năm nay. Theo Phước Đạt, bài học nhập môn của bất cứ ai theo học ảo thuật thường bắt đầu từ bộ bài Tây. Sau khi đã học và luyện tập thuần thục một số kỹ năng biến hóa bộ bài Tây rồi, mới tiếp tục tìm tòi học hỏi, khổ luyện đến những chiêu trò phức tạp hơn, ở trình độ kỹ năng xảo thuật cao hơn, biến hóa như có phép thuật.

Đạt được tới tầm đó, người học ảo thuật mới có thể bước lên sân khấu, hay ra đường phố biểu diễn để mưu sinh một cách đầy tự tin. Tuy nhiên, không phải ai công phu theo học ảo thuật cũng đều trở thành ảo thuật gia, trong số hàng trăm người học nghề, thì may mắn lắm có được vài người đạt tới thành công. Bởi lẽ, cũng như những bộ môn nghệ thuật khác, ngoài sự đam mê, công phu khổ luyện thì người theo học ảo thuật còn cần có tài năng thực sự. 

Bao năm học nghề, khổ luyện với ước mơ được thăng hoa, được cống hiến hết mình cho công chúng, cho nghệ thuật, nhưng nhiều người nghệ sĩ trẻ đã sớm vấp phải một thực tế thật phũ phàng, đó là chuyện cơm, áo đời thường. Những áp lực của cuộc sống luôn chi phối, đè nặng lên đôi vai của họ, để tự cứu mình và nuôi dưỡng giấc mộng được làm nghề của đời nghệ sĩ, họ đã can đảm bước ra đường phố để hành nghề mưu sinh. Nhưng đây là cuộc mưu sinh thật nhọc nhằn và cũng đầy những bất trắc, thậm chí nguy hại đến tính mạng của người nghệ sĩ đường phố. Nhất là các nghệ sĩ biểu diễn những màn ảo thuật như nuốt lửa, kiếm, lưỡi lam, rắn lục rất dễ gặp tai nạn nghề nghiệp. Thực tế, đã có trường hợp phải đi cấp cứu vì nuốt kiếm gây chảy máu ở thực quản, do sơ ý trong khi diễn.

Nhiều lần ngồi ở những quán nhậu đường Thành Thái, quận 10, tôi từng chứng kiến những đêm diễn đầy hào hứng, phiêu lãng, nhưng cũng rất mạo hiểm của nhóm hát rong Michael Jackson, gồm 3 chàng trai thuộc giới tính thứ 3, với điệu nhảy đi lùi độc đáo, bắt trước Michacl Jack Son, bất chấp dòng xe ngược, xuôi trên đường phố. Theo một số thực khách cho biết, thời hoàng kim của nhóm hát rong này rất thu hút người xem, bán hàng cực chạy, thu nhập vài triệu đồng/đêm.

Nhưng, những đồng tiền phải cực nhọc mới kiếm được ấy, lại theo chân ba chàng trai vào các quán bar, lên sàn nhảy du hý hưởng thụ, nên đến khi “tan đàn, xẻ  nghé” thì tay trắng lại hoàn trắng tay. Nhưng dù nghiệt ngã, dù cục nhọc những nghệ sĩ đường phố, rất ít người bỏ cuộc, bởi với họ ngoài chuyện mưu sinh còn là khát khao được làm đúng cái  nghề mà mình đã dày công đeo đuổi khổ luyện. Nhiều người cho rằng, đây là một cuộc xuống đường mưu sinh rất văn hóa của những người nghệ sĩ trẻ, chính họ đã góp phần làm nên diện mạo nét sinh hoạt nghệ thuật đường phố đa dạng, phong phú, độc đáo và đầy ấn tượng của Sài Gòn. 

Hồ Lương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh