THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:57

Những “rái cá” mưu sinh trên sông Lò

Để tìm hiểu về cuộc sống của người dân hành nghề săn bắt cá (người địa phương hay gọi họ là “rái cá”) trên sông Lò, chúng tôi đã có một  chuyến đi đầy thú vị những không kém phần hiểm nguy. Ông Vy Văn Toại, 52 tuổi, ở xóm Sông (xã Trung Hạ) cho biết: “Với chúng tôi nghề chài lưới không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ nhỏ đã theo cha, mẹ lên bè thả lưới, giăng câu bắt cá để có cái ăn và đổi lấy cái mặc”.

Anh Hà Văn Đức, 27 tuổi, ở bản Xầy (xã Trung Hạ) tâm sự: “Những năm gần đây, những người hành nghề sông nước như tôi gặp nhiều trắc trở. Chính vì thế cái Tết vừa rồi cả gia đình tôi phải chật vật mới mua được ít gạo, thịt lợn để đón Tết”.

Những “rái cá” mưu sinh trên sông Lò

Do biến đổi khí hậu và can thiệp quá mức của con người khiến dòng sông thay đổi. 

Sau cái thở dài anh Đức nói tiếp: “Thời tiết khắc nghiệt khiến con nước lên xuống bất thường đã đành, nhưng bàn tay của con người đang làm cho dòng chảy thay đổi và nguồn nước ngày một ô nhiễm, tôm cá ngày một ít đi. Để kiếm được vài cân cá, tôi phải lọ mọ từ tinh mơ cho đến khi mặt trời khuất núi”.

Trên chiếc bè nhỏ, chỉ vài ba cây luồng ghép lại, anh Đức thoăn thoắt lướt trên mặt nước, cùng với 2 chiếc cần câu và một ít mồi câu, sau gần một giờ đồng hồ, anh Đức đã đem về nửa giỏ cá sông còn tươi nguyên.

“Các anh đừng xem thường 2 chiếc cần câu nhỏ này, trông đơn giản thế nhưng nhiều năm nay gia đình tôi có thêm thu nhập là nhờ “bảo bối” mà gia đình đỡ đói mùa giáp hạt”, anh Đức cho biết.

Ông Vy Văn Toại  là một “lão ngư” đã có thâm niên trong nghề nhưng chưa lúc nào ông có ý định giải nghệ. Ông Toại bảo: “Làm cái nghề này không chỉ có sức khỏe mà cần có lòng can đảm và sự khéo léo... phải chịu được lạnh và có tính nhẫn nại, để ngâm mình dưới nước với một khoảng thời gian rất lâu mới câu được cá mang về.

Những “rái cá” mưu sinh trên sông Lò

Sản phẩm của những chuyến đi vất vả. 

Thường làm cái nghề này, trung bình tôi phải ngâm giữa dòng nước 4 - 5 tiếng đồng hồ, để nắm bắt đàn cá ăn theo đàn, theo giờ, hôm nào gặp cả đàn háu mồi thì cứ thế giật  mỏi tay”.

Theo kinh nghiệm, hành nghề trên sông lúc nào cũng phải có 2 người đánh bắt theo cặp. Cốt yếu không chỉ bắt được nhiều cá, quan trọng hơn chính là tương trợ lúc nguy nan. Bởi trên sông nước chảy xiết, đôi lúc sức khỏe xuống sức đột ngột rất nguy hiểm đến tính mạng.

Dọc theo dòng sông Lò, chúng tôi gặp không ít các bậc cao niên nhưng họ vẫn hàng ngày tung hoành dưới nước để mưu sinh. Ông Vy Văn Lâm (60 tuổi) đang giăng lưới trên chiếc bè được kết từ 5 cây luồng, ông làm cái nghề này từ thời trẻ trâu theo bố đi thả câu. Do ruộng lúa ít, lại đông anh em, không đủ điều kiện ăn học, nên nghề câu cá đã gắn trọn cuộc đời ông.

Được biết, gia cảnh nghèo khó, vợ ông Lâm lại đau ốm liên miên, nên kiếm được đồng nào ông lại phải mua thuốc cho vợ. Theo người dân bản địa cho biết, mồng 2 tết nhưng ông Lâm đã lặn lội ra sông thả câu.

Những “rái cá” mưu sinh trên sông LòSông Lò là nơi đầy hiểm nguy, nhưng vì cuộc sống hàng ngày họ phải đối mặt với dòng nước dữ.

Vì quanh năm ngâm mình dưới sông nên chân tay ông Lâm thường xuyên bị nước ăn,  có đôi phần lở loét trông rất tội nghiệp, nhiều lúc đau quá ông buộc phải lấy lá cây rừng giã  đắp chờ khô vết thương rồi đi làm tiếp.

Chiếc bè lướt nhẹ trên dòng sông hơi nước bốc lên lạnh buốt, trên những triền núi hoa rừng nở trắng cả một vùng, khung cảnh non nước trong ngày đầu xuân tuyệt đẹp, thi thoảng chúng tôi gặp hình ảnh những chiếc thuyền nhỏ, bên chiếc thuyền là những bóng người đang thả lưới để bắt những đàn cá ăn theo con nước.

Bên dòng sông Lò lúc hung dữ, lúc thơ mộng, nhưng đó là nơi gửi gắm niềm hi vọng đối với không ít những thân phận nghèo khó. Nghề chài lưới được xem là chiếc phao cứu sinh giúp người dân có thêm thu nhập lo toan cuộc sống còn bộn bề phía trước. 

Hồ Điệp

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh