THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:06

Mưu sinh với “thần chết”

 

8 giờ ngày 10-7, Công an xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) phát hiện một lượng lớn “thần chết” tập kết trước sân nhà bà Trần Thị Nhạn (1951, trú thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương). Số “thần chết” này do con rể của bà Nhạn là Trần Văn Tứ (1970, trú cùng thôn) thu gom từ địa phương khác về tạm gửi. Qua đấu tranh, Tứ khai cùng với Phan Công Cưu (1975, trú Phú Sơn 2, xã Hòa Khương), Nguyễn Đức Sớt (1967, La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) lên Gia Lai rà sắt phế liệu, trúng được một hầm đạn cối cũ nên đào bới và thuê xe chở về. Nhiều người cho biết, nếu vụ việc không phát hiện kịp thời, thì số đạn cối này sẽ được mang đi chôn giấu, “xẻ thịt” dần lấy thuốc nổ bán, chẳng biết điều gì sẽ xảy ra… Qua kiểm tra, có 492 quả đạn cối từ 82-120 ly rỉ rét còn nguyên hình dạng. Khi Cơ quan Quân sự  “chuyển” số đạn cối này lên xe an toàn, vận chuyển tiêu hủy, người dân địa phương mới thở phào nhẹ nhõm...

Bắt quả tang vụ “xẻ thịt” PLCT trong rừng Đồng Nghệ.

Có thể nói ở Đà Nẵng chưa có nơi nào lại có số người rà phế liệu nhiều như ở Hòa Vang. Theo thống kê chưa đầy đủ (vì còn một số hộ không dám công khai, báo cáo với chính quyền), trước đây, người hành nghề rất nhiều, nhưng qua nhiều năm đào xới, nguồn phế liệu cũng dần cạn kiệt, không ít người phải chuyển sang làm việc khác. Người còn theo nghề lúc nông nhàn thì rủ nhau đến các địa bàn xa hơn tiếp tục tìm kiếm vận may. Trong số 32 người còn theo nghề rà phế liệu hiện nay thì xã Hòa Khương có 17 người, Hòa Phong 8 người, Hòa Tiến 6 người…

Theo ông Trần H. (Phước Sơn, xã Hòa Khương), sau ngày đất nước thống nhất, ở khu vực Đồng Xanh - Đồng Nghệ giáp ranh với H. Đại Lộc (Quảng Nam) đi đâu cũng gặp mảnh bom, mảnh đạn. Thấy cũng kiếm cơm được qua ngày nên vài người đi thu nhặt, gom về cân bán sắt vụn. Về sau có quá nhiều người đổ xô đi làm cái nghề này, họ trang bị thêm máy rà kim loại để dò tìm những thứ nằm trong lòng đất. “Dẫu biết làm nghề rà phế liệu, bom đạn còn sót lại trong chiến tranh là hết sức nguy hiểm, nhưng nhiều người vẫn liều mạng đánh đu cùng “thần chết”. Suy cho cùng, cũng vì miếng cơm manh áo mà thôi” - ông H. bộc bạch.

Số đạn cối chở từ Gia Lai về tập kết trong khu dân cư Phú Sơn 1

Không chỉ người dân địa phương, nhiều lao động ở khu vực giáp ranh Đại Lộc cũng xâm nhập rừng đầu nguồn hồ Đồng Nghệ rà phế liệu. Họ làm lán trại, ăn ở tại chỗ để khai thác, xã Hòa Khương nhiều lần tổ chức lực lượng đẩy đuổi nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Anh Phan S. (Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) cho biết, anh làm nghề đào phế liệu này cũng hơn 10 năm rồi. Vốn ban đầu chỉ chừng 500-700 ngàn đồng để mua máy rà kim loại và tự trang bị cho mình “lá gan lớn” để đi tìm những quả bom, trái mìn. Thường thường mỗi ngày cũng kiếm vài chục ngàn đồng từ sắt vụn, cũng có ngày đào trúng PLCT, thu sắt nhôm nhiều bán được cả trăm ngàn, thậm chí vài triệu đồng nếu còn thuốc nổ nhưng những lần trúng như thế rất hiếm. Khi nghe hỏi: “Thế có sợ chết không?”, anh cười gượng: “Chết đói cũng là chết vậy. Hôm nào về không là đám nhỏ ở nhà buồn lắm. Mặc dù vẫn biết nghề này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng do chạy ăn từng bữa nên đành phó mặc cho may rủi”.

Thực tiễn cho thấy, điều đáng quan ngại hiện nay là còn một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu hết tính chất nguy hiểm, phức tạp của loại phương tiện đặc biệt nguy hiểm này hoặc vì lợi ích kinh tế nên bất chấp hiểm nguy mà tìm kiếm, thu gom bom, đạn rồi đem về cưa, tháo gỡ để lấy phế liệu. Tình trạng đó đã gây ra không ít vụ nổ làm chết và bị thương nhiều người. Cụ thể, 10 năm qua, trên địa bàn các thôn Phước Sơn, Phú Sơn Tây (xã Hòa Khương), Hòa Trung (xã Hòa Ninh), Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong), An Trạch, Lệ Sơn 2 (xã Hòa Tiến), Trường Định (xã Hòa Liên) đã xảy ra 7 vụ nổ, làm chết tại chỗ 10 người, nhiều người bị thương tật suốt đời. Các lực lượng chức năng cũng đã thu gom, tiêu hủy an toàn hàng trăm quả đạn cũ… Điển hình như vụ nổ đạn cối 81 ly tại thôn Lệ Sơn 2 vào chiều 8-7-2014, làm anh Ngô Hoàng (1983) chết tại chỗ, anh Lê Văn Thanh (1995) bị thương tích nặng; lực lượng CA kiểm tra, phát hiện 3 bao tải bên trong chứa nhiều đầu đạn, ngòi nổ, quả nổ các loại cất giấu khắp nơi từ bụi tre, chuồng heo đến xó bếp xung quanh nhà.

Hiện trường vụ nổ đạn cối 81 ly tại thôn Lệ Sơn 2

Ai cũng có thể hiểu được mối hiểm họa tiềm tàng do các loại bom, đạn tồn đọng sau chiến tranh còn nằm lẩn khuất đâu đó trong lòng đất. Đây thực sự là một vấn đề nổi cộm cần nhanh chóng giải quyết triệt để, nhằm tránh những thương vong đáng tiếc xảy ra với người dân các địa phương đang sinh sống, làm ăn tại các khu vực thuộc vùng chiến sự năm xưa.

Thiếu tá Ngô Văn Lộc, Công an huyện Hòa Vang cho biết, những năm qua, các ngành chức năng cũng đã có quy định nghiêm cấm việc buôn bán, khai thác PLCT; đồng thời, kiên quyết xử lý những người có hành vi lén lút tháo gỡ bom, mìn để lấy phế liệu. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về vấn đề này cũng được đẩy mạnh... Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, tình trạng khai thác PLCT vẫn chưa có chiều hướng giảm, dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Để giảm thiểu thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân do khai thác vật liệu nổ gây ra, các địa phương cần có biện pháp cương quyết hơn nữa trong việc xử lý những người có hoạt động khai thác, tàng trữ các loại vật liệu nổ sau chiến tranh. Nghiêm cấm các chủ đại lý thu gom phế liệu có nguồn gốc từ PLCT... Song song với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân về nguy cơ của bom, mìn và ý thức tự bảo vệ.

Bom, đạn sử dụng trong chiến tranh vẫn còn nằm rải rác ở nhiều nơi. Vì mưu sinh, nhiều người vẫn rà tìm, thu gom những “thần chết” đó về cưa, đục để lấy phế liệu, thuốc nổ. Những PLCT này trong thời gian qua là nguồn sống của nhiều hộ dân, nhưng cũng là nỗi kinh hoàng gieo rắc tai ương cho bao người...

G.S

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh