THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:52

Ám ảnh mưu sinh với kính vỡ

Thương tích… là chuyện nhỏ !

Ông Nguyễn Văn Hữu, người có nhiều năm mưu sinh với nghề nhặt kính và đập kính, cho biết, bãi kính Tân Hiệp là địa điểm tập kết các loại kính hư hỏng lớn nhất khu vực miền Đông Nam bộ, thu hút hàng trăm người quần tụ về đây để mưu sinh. “Ai làm nghề này chỉ cần 2 năm thôi cũng đã thương tích đầy mình”.

Nói dứt câu, ông Hữu chỉ tay về phía trước, nơi mà “đồng nghiệp” Trần Hữu Biền của ông đang giẫm lên đống kính vụn. Góp chuyện cùng chúng tôi, ông Biền khoe “chính tay tôi vừa đập vỡ số kính này”.

Ám ảnh mưu sinh với kính vỡ Ám ảnh mưu sinh với kính vỡ

Thương tích từ nghề đập đính là chuyện... “thường ngày ở huyện”.  Ảnh: Internet.

Là một trong những cư dân trụ với nghề đập kính lâu nhất ở Tân Hiệp, ông Biền không nhớ trên người mình có bao nhiêu vết sẹo sau những lần ngã trên đống kính vụn. “Có lần kính đâm cho thủng mấy lỗ trên người, máu rỉ ra nhưng vì cần làm nhanh để kịp nhập cho các xưởng tái chế nên tôi vẫn mặc cho máu chảy.

Biết là tiềm ẩn rủi ro, nhưng vì mưu sinh nên chúng tôi đành phó mặc thân mình cho số phận, bởi nếu bỏ nghề thì biết lấy gì mà sống”, ông Biền nói.Dưới cái nắng chói chang của miền Đông, cạnh những đống kính nhọn hoắt đủ màu sắc, chúng tôi gai người khi chứng kiến cư dân “xóm kính” ai nấy cùng miệt mài đập và nhặt kính vỡ, trên người họ hầu như không có phương tiện bảo hộ gì ngoài đôi găng tay mỏng.Ám ảnh mưu sinh với kính vỡ

Phương tiện bảo hộ của những người làm nghề chỉ là đôi bao tay, găng rách chưa kịp mua thì làm tay không... Ảnh: Internet.

Những âm thanh loảng xoảng từ sự va đập của kính càng gợi thêm nỗi ám ảnh về cái nghề đầy hiểm nguy này. Thấy chúng tôi dò dẫm bước vào bãi kính, bà Lê Thị Dung (50 tuổi, đến từ Đồng Tháp) nhắc: “Các chú đi vòng ra phía sau cho dễ, kẻo đạp phải kính vỡ là chảy máu đấy, đi giày da cũng chưa chắc đã an toàn đâu”.

Theo lời bà Dung, làm việc ở đây với đàn ông còn đỡ, phụ nữ và trẻ con thì mỗi ngày phải mấy ca đi viện cấp cứu do bất cẩn trong khi làm việc, bị mảnh kính văng trúng đồng tử mắt hoặc cứa đứt chân, tay. Bà Dung mới làm việc ở bãi kính Tân Hiệp được gần 2 năm. Cuộc sống gia đình bà khó khăn khi cả nhà 5 miệng ăn đều trông chờ vào ao tôm năm được năm mất.

Để có thêm thu nhập, bà làm nghề đập kính. “Thời gian đầu mới vào làm, nhìn đống kính vỡ đổ ngổn ngang, sắc lẹm, tôi thấy ớn, song dù sợ thì cũng phải làm.

Đến nay trên người tôi có đến hàng trăm vết sẹo, may mà mình lớn tuổi nên chẳng ai chê...”, bà Dung nói.Kính thải tập kết về Tân Hiệp được phân làm 2 loại, nếu còn nguyên mảng lớn thì được cư dân ghè góc cạnh cho bớt sắc, xếp vào bao tải và đưa thẳng đến các xưởng tái chế. Nếu là kính vỡ mảnh nhỏ thì phải đập cho nát vụn ra. Trong quá trình “chế tác”, hầu như không ai thoát khỏi cảnh bị thương, nhưng có việc làm còn là may rồi.

Máu nhuộm đỏ bát cơm

Theo lời ông Hữu, vào những ngày bãi Tân Hiệp hết việc làm, đàn ông trong xóm phải đi xe ba gác xa hàng chục cây số, đến những bãi rác, công trình đang xây dựng để nhặt kính vỡ đem về. Trong khi đó, đàn bà, con gái ở nhà phân loại kính trắng, kính màu, sau đó rửa sạch bán giá cao hơn.

Để tiết kiệm thời gian, những người mưu sinh với kính vỡ ở Tân Hiệp thường ăn cơm ngay tại chỗ làm. Vợ chồng chị Trần Thị Nhung dắt díu hai con từ Hà Tĩnh đến đây mưu sinh bằng nghề nhặt và đập kính. Cả bốn người sống trong căn lều tạm bợ. Khi đang dở câu chuyện, con gái lớn của chị Nhung là Phạm Thanh Ly mang bữa ăn trưa ra tận “hiện trường” cho bố mẹ.Ám ảnh mưu sinh với kính vỡ

Tập kết kính thải về bãi ở thôn Tân Hiệp.

“Chú ngồi chơi”, chị nói vậy rồi cùng chồng xì xụp chan, húp. Bất chợt chị Nhung ngừng ăn và chìa bát cơm đã chuyển màu cho chúng tôi xem. Bình thản, chị lấy khăn bịt vết thương đang rỉ máu ở trán và tiếp tục bữa cơm như không có chuyện gì. Chị Nhung giải thích: “Ở cái xóm mưu sinh bằng kính vỡ này thì bữa cơm thường xuyên nhuốm máu.

Có người bị mảnh kính găm vào mũi chưa kịp lấy ra, khi ngồi ăn thấy mảnh kính rớt xuống bát cơm”. Ngồi ăn bữa trưa kế bên chị Nhung, anh Trần Văn Công bộc bạch: “Nhiều khi mải miết đập kính, mảnh vỡ bắn vào người không để ý, đến khi ăn cơm mới thấy máu từ vết thương rỉ ra”.

Lật đôi găng tay cũ lộ đôi bàn tay thô ráp, chị Hoa ngồi kế bên góp chuyện: “Không ít lần tôi bị mảnh kính vỡ xuyên qua lớp găng tay, làm chảy máu. Những lúc như thế, nếu không làm sạch vết thương thì rất dễ bị nhiễm trùng. Làm ở đây cứ 4-5 ngày là chúng tôi phải thay găng tay do kính đâm rách...”. 

Tìm hiểu được biết, trước đây những người dân bần hàn ở “xóm kính vỡ” có cho con cùng làm nghề, nhưng từ hơn một năm nay thì các gia đình bảo nhau “cạch đến già”. Anh Trần Văn Hải có con trai là Trần Quốc Tùng 14 tuổi, giọng đượm buồn, kể: “Khoảng giữa năm 2013, thỉnh thoảng con nghỉ học buổi chiều, tôi cho cháu ra bãi kính làm cùng được thêm đồng nào quý đồng đó.

Ai ngờ trong một lần bất cẩn, cháu Tùng bị hai mảnh kính văng vào mắt trái. Thấy bố mẹ bận làm, cháu chỉ khóc một lát rồi thôi, đến bữa ăn thấy máu từ mắt con nhỏ xuống bát cơm, vợ chồng tôi mới hốt hoảng đưa con đi Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh, may mà cứu được con mắt cho cháu, không thì vợ chồng tôi ân hận suốt đời”.Không may mắn như Tùng, Nguyễn Văn Siêu, 12 tuổi, cũng theo cha mẹ ra bãi và bị mảnh kính văng vào mắt, đến nay thị lực ở con mắt bị thương của em chỉ còn 3/10.Chốn nương thân của các cư dân “xóm kính”.

Chốn nương thân của các cư dân “xóm kính”. 

Mong đời con, cháu đỡ vất vả

Bà Dung kể, nếu làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt, mỗi cư dân “xóm kính” kiếm được chừng 140.000 đồng/ngày. Những hôm lượng kính hỏng từ các xe tải chở về không nhiều hoặc gặp ngày mưa dầm  thì họ giảm thu, thậm chí không kiếm được đồng nào.

“Mỗi kg kính vỡ, đập vụn ra, cho vào bao tải rồi mang đến tận nơi giao cho cơ sở tái chế, chúng tôi chỉ nhập được 1.000 đồng, nhiều lúc nản lắm nhưng về quê thì chẳng khá hơn nên đành bám trụ với nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro này”, bà Dung nói với giọng trầm buồn.  “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”, đấy là câu nói vui của các cư dân “xóm kính” Tân Hiệp.

Nhiều gia đình vì không muốn con sau này vất vả, đã chắt chiu từng ngàn lẻ gửi con vào trường học cho bằng bạn, bằng bè. Anh Nguyễn Văn Toán, cư dân “xóm kính” liên tục buông tiếng thở dài: “Đời mình xem như đã an phận kiếm sống qua ngày, nào dám mơ ăn ngon, mặc đẹp.

Làm cái nghề này cực hơn cả cửu vạn, có hôm tối mịt về nhà tưởng hết cảnh bị kính đâm, nhưng khi giặt áo lại bị đâm thêm mấy cái nữa do kính vụn còn găm ở đó”. Kể chuyện nghề thì buồn vậy, nhưng khi nhắc đến các con, anh Toán lại rất hào hứng:

“Để cuộc sống của các con  sau này không còn bị ám ảnh bởi những mảnh kính vỡ, vợ chồng tôi đã nhắc nhau rằng tuyệt đối không cho con nghỉ học. Bố mẹ vất thế chứ vất nữa cũng mong các cháu được học hành đến nơi đến chốn, sau này có nghề nghiệp ổn định, không tha hương mưu sinh như bố mẹ nữa...”. 

MỸ NGA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh