THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 11:21

“Nghị lực phi thường” từ những điều “không bình thường”

Nhưng trong cái khốn khổ ấy tôi đã bắt gặp những tấm gương sáng vượt qua nghèo đói để tìm đến ước mơ và thành công trong đời. Xót xa hơn khi chứng kiến những số phận thiếu may mắn, những mảnh đời được xem như bất hạnh của đời người…hơn hết là những số phận ảnh hưởng của chất độc màu da cam.

Nhắc đến chất độc da cam, có bao giờ bạn nghĩ, trên đời này thứ gì làm con người ta khốn khổ nhất. Và có ai đó đã từng nghĩ đến chất độc da cam ảnh hưởng đến cuộc sống con người ta như thế nào hay chưa? Có lẽ trong sự phát triển của xã hội hiện đại ngày nay, ở đâu đó trên dải đất hình chữ S những số phận ảnh hưởng bởi chất độc da cam vẫn đang ngày ngày gánh chịu hậu quả theo suốt cả cuộc đời.

Cách hàng hoa ban trắng trước nhà, là nơi gia đình anh Lò Văn Tấm sinh sống, người khiến bản thân tôi cảm phục hơn bao giờ hết. Sinh ra không được bình thường như bao người, nhưng khát vọng vươn lên, khát vọng thay đổi về một cuộc sống tốt đẹp đã giúp anh trở nên gần gũi, thân thiện và luôn hòa đồng với mọi người.

Có lẽ, tuổi thơ của tôi cũng từng gắn liền với một phần cuộc đời anh, mà đúng hơn là tuổi trẻ của tôi đã có những khoảng thời gian đáng trân quý cùng anh.

Đầu năm 1980, anh Tấm sinh ra vào đúng một ngày mưa lạnh. Cái lạnh khắc khổ của một thời bao cấp thiếu thốn với những đợt lũ đầu mùa do mưa nhiều. Cái lạnh cắt da cắt thịt của tiết trời đông miền rừng núi. Và là cái lạnh khắc nghiệt như chính cuộc đời sau này của anh vậy.

Phải chăng cái tên Tấm mà bố mẹ anh đặt đã mong ngóng muốn anh luôn bình dị, hiền hòa như chính cô Tấm trong chuyện cổ tích chăng? Thế nhưng…trong đỗi tâm linh, huyền bí của một vùng dân tộc nghèo ấy, từ khi mới sinh ra người ta đã đặt lái tên thật để tránh sự theo đuổi của ma quỷ, và với anh họ gọi anh là Ang. Ang trong tiếng Thái nghĩa là người con thứ hai trong nhà.

Giá như cuộc đời anh được bình thường như bao người, có thể mọi thứ sẽ khác nhiều hơn…Năm lên ba, lên bốn anh bắt đầu có những dấu hiệu phát triển không bình thường, người cứ nhỏ như thế, bụng trướng to. Những năm 1984, 1985 ngày ấy, để tìm đến một bệnh viện hay trạm xá phải đi hàng trăm cây số, lại đi bộ hoặc xuôi bè. Nhà nghèo, bệnh tật, thế nhưng chưa bao giờ anh được đến bệnh viện để chữa trị.

“Nghị lực phi thường” từ những điều “không bình thường” - Ảnh 2.

Hình ảnh ngôi nhà sàn của gia đình anh Lò Văn Tấm

Những năm 2000, lúc ấy tôi 6 tuổi, anh vừa tròn 20, cái tuổi đẹp nhất, và đáng trân quý nhất của cuộc đời. Thế nhưng, anh vẫn trong hình hài của cậu bé 8 tuổi, người vẫn lùn, và bụng vẫn trướng như thế. Thời gian ấy, tôi đâu nghe người ta gọi anh là Ang, mà người đời gọi anh với cái tên Ang Xui. Cái tên như ám chỉ sự xui xẻo và nó vô tình "vẽ" lên người anh những điều người ta cho là không may mắn. Cái tên Xui ấy đã theo anh đến tận lúc anh rời xa cuộc đời này.

Tôi khâm phục ở anh bởi đức tình kiên cường và chịu khó. Gia đình anh thuộc một trong những hộ nghèo nhất trong làng. Bố, mẹ già yếu, đau ốm liên miên, bản thân anh không thể đi làm bình thường như mọi người, ấy thế mà mỗi bữa cơm nhà đều nhờ đến chính bàn tay của anh. Có những chiều mưa tầm tã anh vẫn đội mưa hàng giờ ngồi câu cá, rồi những trưa hè mang hơi nắng của những cơn gió lào vụt qua, người ta lại thấy bóng dáng nhỏ bé của anh trên những sườn đồi hì hục đào từng dây củ mài.

Siêng năng, làm lụng như thế, anh còn là gương sáng cho chính chúng tôi, những thanh niên trai tráng trong làng phải học tập. Ai đời, người ta đã đau khổ, không lành lặn như thế, mà việc gì anh cũng thành thạo. Ngày tôi chưa biết đi rừng, đã thấy anh chăm chút sửa từng cái bẫy, đan từng chiếc sọt, gùi quanh làng giúp mọi người. Anh cho tôi nể phục không chỉ bởi tài năng ấy, mà còn là tấm lòng chân thành giúp đỡ mọi người. Hẳn ai cũng sẽ quý anh, bản thân không được như người ta, nhưng công việc anh chẳng chịu thua bất kỳ ai trong làng.

Giá như ngày xưa anh được đến trường đi học, giá như anh được tiếp xúc nhiều hơn với con chữ, giá như con người anh lớn lên bình thường như bao người,…giá như…và nhiều cái giá như nữa…thì có lẽ bản thân anh đã có một cuộc sống yên bình như bao người.

Tuổi trẻ của tôi đã gắn bó với anh một khoảng thời gian khá dài. Mùa hè năm 2012, tôi vừa thi Đại học và đang chờ kết quả. Ngay sau buổi thi, công việc của tôi là làm bạn với những chú bò, làm lụng đỡ đần bố mẹ những việc trong nhà. Khoảng thời gian đó, tôi xem như khoảng trời tự do, đẹp đẽ nhất của thời thanh xuân lúc ấy. Nó đẹp vì chính sự bình dị mà chúng tôi tự tạo ra nó, nó đẹp vì với chúng tôi không có khoảng cách, và nó đẹp bởi chính tâm hồn chúng tôi tuyệt đẹp.

Trong nhóm bạn lúc ấy, có anh Tấm, một cậu nhóc, một cô bé và tôi vừa lên 18. Cái tuổi mà người ta biết lo, biết nghĩ, biết làm giàu thì tôi mới bắt đầu rong chơi tuổi trẻ của mình. Những ngày hè, chúng tôi đi cùng nhau khắp từng ngọn đồi, và tôi dám chắc chẳng còn ngọn núi nào quanh làng không có dấu chân chúng tôi qua. Sáng sớm cùng nhau đi, mang theo ít cơm ăn trưa trên rừng, chiều lại về. Công việc nó bình thường đến thế, nhưng suốt mùa hè ấy đã gắn chặt chúng tôi với nhau. Và 4 năm sau đó, là bốn năm tôi học Đại học, bốn mùa hè chúng tôi lại có những kỉ niệm đáng nhớ bên nhau.

“Nghị lực phi thường” từ những điều “không bình thường” - Ảnh 3.

Hình ảnh đợi bò về mỗi chiều tàn

Sống bên anh, tôi hiểu cảm giác cô đơn, lạc lõng của anh như thế nào. Anh luôn tự ti về bản thân, và cố tình né tránh mọi điều. Không hiểu cảm xúc nào đã khiến tôi quyết tâm giúp anh quay lại với tuổi trẻ của mình. Có thể nói, tôi lôi anh đi mọi nơi, tôi hòa anh vào mỗi cuộc chơi. Cái tuổi ăn, tuổi nghịch lúc ấy cùng hai đứa nhóc, chúng tôi có vô vàn những trò lố bịch, trêu đùa, bốn chúng tôi cứ thế…ngày qua ngày "hạnh phúc". Tôi biết anh hạnh phúc, biết anh vui, vì trong suốt cuộc đời anh, chưa bao giờ tôi thấy anh cười vui đến vậy. Trước đây, anh ít nói, ít cười, và chính anh cũng thay đổi khi hòa vào những cuộc vui ấy.

Khoảng thời gian cùng anh đi chăn trâu, chăn bò, tôi thấy anh có dùng điện thoại, nhưng anh không hề biết chữ. Tôi thấy anh gọi và nghe nhạc là chủ yếu.

Có lần chúng tôi tò mò, anh không biết chữ sao mà biết tên ai để gọi. Vì chính tôi, thỉnh thoảng anh vẫn gọi tìm tôi trò chuyện. Khi cầm điện thoại vào danh bạ, tôi bất ngờ, vì danh bạ có đầy số nhưng không lưu tên ai cả. Anh nói rằng anh nhớ từng số điện thoại trong đó. Khi ấy, một cảm giác khó tả, xúc động dâng lên trong tôi, không chỉ bất ngờ vì điều anh nói, mà còn khâm phục, ngưỡng mộ con người anh. Có lẽ đó chính là điều tuyệt vời nhất mà người ta đều nể phục anh, và đó cũng là những khoảnh khắc mà mỗi chúng tôi nhớ đến anh, nghĩ về anh, sự ngưỡng mộ về một số phận "bất hạnh" trong cuộc sống.

“Nghị lực phi thường” từ những điều “không bình thường” - Ảnh 5.

Hính ảnh anh Tấm giúp mẹ thường ngày

Hè năm 2016 có lẽ là mùa hè đáng nhớ, đó là năm cuối tôi học Đại học. Về đi chăn trâu, chăn bò cùng anh được vài ngày, tôi lại rời quê đi xin việc. Những ngày tháng 7 ấy, chúng tôi dắt bò quanh trục đường biên giới. Những trận bài quỳ, những buổi trèo cây hái dâu gia đất, những trò dọa ma người qua đường,…có những buổi vui đến chập tối mới về. Những khoảng thời gian ấy, tôi không nghĩ đó là khoảnh khắc cuối cùng chúng tôi được cười đùa với anh.

Năm 2017 tôi nhập ngũ, bắt đầu cuộc sống trong môi trường quân đội. Trong đơn vị, tôi được phân công kèm cặp một đồng chí dân tộc Khơ mú chưa biết chữ. Lúc dạy chữ, vô tình tôi lại kể cho đồng đội nghe về câu chuyện anh Tấm. Chuyện về người anh luôn có khát vọng và tài năng vươn lên trong cuộc sống. Chính câu chuyện tôi kể, lại thúc giục ý chí vươn lên, ý chí kiên cường vượt khó của người đồng đội dân tộc Khơ mú ấy. Ba tháng tân binh là ba tháng cậu tập đọc từng con chữ, tập viết, tập khoanh từng con số. Nghị lực từ câu chuyện anh Tấm đã tiếp thêm sức mạnh về hành trình đi tìm con chữ của người đồng đội cùng đơn vị năm ấy.

Khoảng tháng 6 năm đó, cũng là khoảng thời gian hè mấy năm qua chúng tôi ở cạnh nhau, tôi nghe tin anh qua đời. Tôi sốc vì mấy năm cùng anh chưa một lần anh ốm yếu, chưa một lần anh từ bỏ công việc, chưa một lần anh thôi hi vọng về một tương lai tốt đẹp.

Thanh xuân thật ngắn ngủi, đời người cũng ngắn biết nhường nào, sẽ chẳng còn đâu hình ảnh "cậu bé" ngày ngày dắt bò mỗi sớm, và còn đâu cánh tay thoăn thoắt đan từng chiếc gùi mỗi trưa hè.

Có lẽ, hình ảnh về anh trong tôi chẳng bao giờ tôi quên được, một người anh đã để lại trong tôi bao cảm xúc và kỉ niệm. Tôi biết, chất độc màu da cam đã khiến anh trở thành như vậy, khiến anh không bình thường như bao người. Nhưng chính khát vọng, sự vươn lên khắc phục khó khăn, đã cho anh một khoảng thời gian tuyệt đẹp trong cuộc đời này.

“Nghị lực phi thường” từ những điều “không bình thường” - Ảnh 7.

Đi chăn bò - hoạt động hàng ngày của anh Tấm

Sau khoảng thời gian xa nhà, tôi dành thời gian nghỉ phép về thăm anh. Ngôi mộ của anh được dựng chắc chắn theo phong tục người Thái quê tôi. Có lẽ ai đi qua, người ta cũng đều tưởng nhớ về anh, một người khắc khổ, luôn tận tụy chăm lo bộn bề đủ việc trong gia đình.

Thanh xuân của anh không còn nữa, bóng dáng quen thuộc ngày xưa cũng đã rời xa, nhưng hình ảnh về anh vẫn luôn hiện hữu trong tôi. Tấm gương về anh, những nghị lực phi thường từ anh, sẽ mãi là hành trang, là bài học quý để tôi thực hiện ước mơ, hoài bão trên con đường binh nghiệp sau này.

Để góp phần xoa dịu những nỗi đau, những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống, hàng năm vào những ngày lễ lớn, đặc biệt trong những dịp lễ Tết, tôi cùng Chi đoàn địa phương thường xuyên đến thăm và tặng quà những người có công, những gia đình có hoàn cảnh do ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Những tình cảm đó, đã góp phần tạo thêm ý chí, niềm tin và nghị lực, xây dựng thêm khát vọng vươn lên hòa mình trong cuộc sống của "những người bình thường".

“Nghị lực phi thường” từ những điều “không bình thường” - Ảnh 9.

CBCS trên địa bàn thăm và tặng quà các gia đình có người nhiễmchất độc màu da cam

Trong những ngày cuối tháng 7 hàng năm, những hoạt động của Ngày Thương binh Liệt sĩ lại khiến mỗi người chúng ta cảm giác nao lòng, không những xúc động tri ân những anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống mang vinh quang về cho đất nước, mà còn ở sự đau nhói bởi hậu quả chiến tranh để lại, nỗi đau về chất độc da cam quá lớn trong cuộc sống.

Có thể nói, chất độc màu da cam gây ảnh hưởng đến nhiều hoạt động thực tiễn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hóa, tinh thần của con người trong xã hội. Nhưng với khát vọng vươn lên, với nghị lực phi thường những số phận thiếu may mắn ấy đã biết vươn lên và luôn cố gắng thành công trong cuộc sống, hướng tới một tương lai tươi sáng ở phía trước./.


Hà Văn Khánh – Quân khu 4

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Một tờ báo giàu chất nhân văn

Một tờ báo giàu chất nhân văn

(Dân sinh) - Ngày 25/8/1993, tại Hội trường Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh, Báo Lao động - Xã hội ra mắt độc giả cả nước số đầu tiên. Đây là tờ báo đầu tiên của ngành LĐ-TB&XH đã hội...
1 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh