Bà cụ 105 tuổi trải qua 3 cuộc đại phẫu chiến thắng tử thần
- Y học 360
- 19:06 - 27/10/2020
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) vừa tiến hành thay khớp gối, nội soi lấy sỏi đường mật và thay khớp háng thành công cho một người bệnh 105 tuổi. Đây là trường hợp hiếm gặp, người bệnh lớn tuổi bị gãy cổ xương đùi và nhiều bệnh lý nội khoa đi kèm, đòi hỏi phải có sự phối hợp liên chuyên khoa trong chẩn đoán và điều trị nhằm giúp người bệnh đi đứng trở lại, tránh các biến chứng nguy hiểm sau té ngã.
Nhờ sự phối hợp tốt giữa các chuyên khoa, dù tuổi đã cao, thể trạng yếu nhưng người bệnh được trải qua 3 cuộc phẫu thuật lớn một cách nhẹ nhàng, hồi phục tốt và không xảy ra bất kỳ tai biến, biến chứng nào trong quá trình điều trị.
Người bệnh V.T.S. (105 tuổi, ngụ tại TPHCM). Trước đó cụ S. bị thoái hóa khớp gối khiến đi lại khó khăn. Trong một lần đang tự đi lại trong nhà, bà trượt chân ngã khiến mông và lưng đập xuống sàn. Sau khi ngã, cụ cảm thấy đau đớn, không cử động được.
Người nhà đưa cụ đến cấp cứu tại BV ĐHYD TPHCM. Sau khi thăm khám và chụp X-quang, các bác sĩ cho biết cụ bị gãy cổ xương đùi trái trên nền bệnh thoái hóa khớp gối khiến đi lại khó khăn, dẫn đến té ngã. Cụ S. còn mắc nhiều bệnh mãn tính như tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hạ natri máu, xơ phổi và tăng áp phổi.
PGS TS BS. Bùi Hồng Thiên Khanh – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐHYD TPHCM cho biết, nếu không tiến hành thay khớp, người bệnh sẽ phải nằm tại chỗ vì đau nhức, không xoay trở được gây hạn chế trong ăn uống, tiểu tiện, đại tiện và khó khăn cho người chăm sóc. Điều này dễ gây các biến cố về hô hấp, tuần hoàn và suy thận như nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng tiểu, viêm loét da vùng tì đè… dẫn đến tử vong.
Trước nguyện vọng của người nhà muốn cụ S. có thể tự vận động trở lại, khoa Chấn thương chỉnh hình lên kế hoạch thay khớp háng bán phần bên trái và thay khớp gối cho cụ. Tuy nhiên để điều trị hiệu quả, cần có sự phối hợp liên chuyên khoa để kiểm soát tốt các bệnh nội khoa và hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện phẫu thuật.
TS BS. Phan Tôn Ngọc Vũ – Trưởng khoa Gây mê – Hồi sức BV ĐHYD TPHCM chia sẻ: "Để an toàn cho người bệnh, chúng tôi theo sát tình trạng sức khỏe, ngưng các thuốc kháng đông để giảm nguy cơ chảy máu. Bên cạnh đó, chúng tôi lên kế hoạch điều trị với mục tiêu không chỉ giảm đau trong quá trình phẫu thuật mà còn hạn chế tối đa các biến chứng, giúp người bệnh vận động và tập vật lý trị liệu sớm nhất có thể. Trước từng ca phẫu thuật, chúng tôi cân nhắc phương pháp gây mê phù hợp nhất với thể trạng của người bệnh, hạn chế gây mê toàn thân mà dùng gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng liên tục để giảm đau, vận động sớm tránh viêm phổi".
Đầu tháng 8/2020, các bác sĩ tiến hành thay khớp háng bán phần cho người bệnh, phối hợp việc gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng liên tục. Ca mổ diễn ra thuận lợi. Ngay ngày đầu tiên sau mổ, người bệnh đã có thể tự ngồi dậy xoay trở. 2 tuần sau phẫu thuật đầu tiên, người bệnh đang được tập vật lý trị liệu, chuẩn bị cho phẫu thuật thay khớp gối thì đột ngột xuất hiện triệu chứng đau dưới sườn phải, sốt cao, vàng da. Sau khi xét nghiệm, siêu âm và chụp CT bụng, các bác sĩ phát hiện người bệnh bị sỏi đường mật biến chứng. Nếu không can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ nhiễm khuẩn nặng, có thể tử vong.
Sau đó, các bác sĩ thực hiện gây mê toàn thân liều thấp để nội soi ngược dòng lấy sỏi đường mật cho người bệnh. Đây là một thủ thuật ít xâm lấn, giúp người bệnh hồi phục nhanh, tránh các biến chứng nguy hiểm. Sau khi thực hiện thủ thuật lấy sỏi đường mật thành công, gần 1 tuần sau, người bệnh tiếp tục được thực hiện phẫu thuật thay khớp gối trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Sau phẫu thuật, người bệnh nhanh chóng được tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng và sử dụng thuốc điều trị các bệnh nền. Sau 4 tuần, người bệnh có thể đi đứng trở lại, tình trạng sức khỏe ổn định. Trước khi xuất viện, người bệnh và người nhà được hướng dẫn các bài tập đơn giản để tiếp tục duy trì việc tập vật lý trị liệu tại nhà. Kết quả tái khám vào tháng 10/2020 cho thấy người bệnh phục hồi tốt, có thể tự đi đứng, sinh hoạt bình thường.
Theo PGS TS BS. Bùi Hồng Thiên Khanh, đây là một trong những trường hợp người bệnh cao tuổi nhất tại Việt Nam được thực hiện cả phẫu thuật thay khớp háng và khớp gối. Trước đây, những phẫu thuật lớn như thế này thường được chống chỉ định đối với người lớn tuổi vì có nguy cơ xảy ra nhiều tai biến, biến chứng trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên với sự phát triển của y học, các phương pháp gây mê – hồi sức cùng sự phối hợp giữa các chuyên khoa trong cùng một cơ sở y tế đã giúp cho người bệnh lớn tuổi, có nhiều bệnh lý nội khoa được chẩn đoán, điều trị sớm cũng như thực hiện các phẫu thuật một cách an toàn, hiệu quả. Từ đó, người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn, tránh các tai biến, biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
PGS TS BS. Bùi Hồng Thiên Khanh khuyến cáo, té ngã là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người cao tuổi. Khi té ngã, người cao tuổi rất dễ gãy xương do tình trạng lão hóa, mật độ xương thấp. Do đó, cần bổ sung canxi trong chế độ ăn cho người lớn tuổi, tăng cường tập luyện thể thao và khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa nguy cơ loãng xương. Trong trường hợp người cao tuổi bị gãy xương cần nhanh chóng cố định vùng bị gãy và đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa xương khớp – chấn thương chỉnh hình để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.