Ngày ấy trên đỉnh rú Mồ
- Người có công
- 23:39 - 02/09/2020
Đã 3 năm rồi không biết cụ Bùi Đình Thuận, người từng chứng kiến cái phút giây lịch sử lá cờ búa liềm đầu tiên ở Hà Tĩnh xuất hiện trên đỉnh rú Mồ xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà vào năm 1945 liệu có còn sống nữa không? Vườn ổi của nhà cụ có còn sai quả như lần trước không?... Tất cả những câu hỏi về cụ và những gì liên quan đến cụ cứ như thúc giục tôi bằng bất cứ cách nào cũng phải đến thăm ở thôn Phú Sơn, xã Tượng Sơn vào dịp Quốc khánh 2/9 này.
Vậy là tôi theo cơn nắng nhẹ đang loang trên vai áo vòng xuống cầu Đò Hà, rà chân ga cho chiếc xe 2 chỗ của mình đi chầm chậm, nghe tiếng gió vi vu trên đỉnh rú Mồ, mà lòng se lại với bao cung bậc cảm xúc! Tôi cứ miên man liên tưởng đến câu chuyện của cố đại tá Bùi Đính từng kể cho tôi về thời kì cướp chính quyền ở Tượng Sơn từ 18 năm trước tại thành phố Vũng Tàu, trong một lần bất ngờ được gặp ông qua buổi giao lưu giữa anh em văn nghệ sĩ Hà Tĩnh với hội đồng hương Hà Tĩnh tại Vũng Tàu. Và tiếp đến là cả một trang hồi ức dường như còn nóng hổi của cụ Bùi Đình Thuận với sự trùng lặp một cách rất kì lạ đến từng chi tiết về lời kể đại tá Bùi Đính, tới nay cũng đã 3 mùa thu qua.
Tượng Sơn xưa có tên là xã Hoàng Hà, thuộc huyện Thạch Hà, được coi là một trong những địa phương giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước. Vào dịp này nơi đây đang ngập tràn cờ hoa từ khắp các ngã đường, ngõ xóm... Trên đỉnh rủ Mồ cao chót vót ta dễ nhận thấy lá cờ búa liềm như chạm vào mây trắng, kiêu hãnh tung bay trước gió lộng mùa thu thì ai mà chẳng khấp khởi nhớ về cái thủa người dân Hoàng Hà vừa thoát thai khỏi đêm trường nô lệ, cất tiếng khóc chào đời giữa buổi bình minh độc lập, tự do.
Trên ngọn rú lịch sử này, vào rạng sáng ngày 13, tháng 8, năm 1945, cụ Bùi Thái- thân sinh của Đại tá Bùi Đính là người con của quê hương Hoàng Hà sau 20 năm biền biệt đi hoạt động cách mạng ở Thanh Hóa đã bất ngờ trở về quê hương, tham gia phong trào cướp chính quyền theo chỉ đạo của cấp trên. Chính cụ đã quấn lá cờ búa liềm trên người, cùng với con trai mình Đại tá Bùi Đính và cụ Bùi Đình Thuận trèo lên tận đỉnh rú cao cắm lá cờ cánh mạng đầu tiên ở Hà Tĩnh, thay cho lời tuyên ngôn của xã Hoàng Hà đã chính thức giành chính quyền về tay nhân dân.
Dịp này tôi gặp lại cụ Bùi Đình Thuận đã sau 3 năm rồi nhưng trông cụ vẫn còn khỏe, nhanh nhẹn và đặc biệt rất minh mẫn.
Cụ Bùi Đình Thuận sinh năm Ất sửu (1925), cầm tinh con trâu, nay vừa tròn 96 tuổi.
Cụ Bùi Đình Thuận là thương binh chống Pháp lại ở cái tuổi U100 rồi mà còn ăn, ngủ, đi lại và sinh hoạt bình thường, và thỉnh thoảng cụ còn dạo bộ một vòng quanh làng, ngước lên rú Mồ tịnh tâm ôn lại một thời đã qua, và như muốn gửi gắm thêm những điều gì của mình trên đó trước lúc trở về với đất đai tiên tổ!
Trở lại với thời trai trẻ, cụ nguyên là sinh viên ở Trường nam Pháp - Việt tại thành Hà Tĩnh. Tại đây cụ được giác ngộ cách mạng ngay trong nhà trường từ những ngày đầu. Vì thế, sau khi Nhật đảo chính Pháp cụ được cử về địa phương tham gia hoạt động cách mạng, được bầu làm Thủ lĩnh của tổ chức Đội Thanh niên cứu quốc xã Hoàng Hà và làm Tổng Thư ký chính quyền cách mạng lâm thời của 5 làng xã vùng Đông – Nam, huyện Thạch Hà gồm: Hoàng Hà, Giang Xá, Hà Xá, Ngu Xá và Hòa Thắng.
Đúng vào ngày phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh (13/8/1945), Trung ương Đảng ra chỉ thị: "Nhật - Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta". Nhận thấy thời cơ hội không thể gì tốt hơn. Nếu để chậm, nguy cơ Pháp quay lại tình hình sẽ phức tạp, nên Ban lãnh đạo Việt Minh huyện Thạch Hà chỉ đạo các địa phương cần phải tranh thủ chớp thời cơ cướp chính quyền từ tay bọn hào, lý. Và Tượng Sơn đã tận dụng tốt thời cơ vàng đó một cách triệt để nhất.
Với Đại tá Bùi Đính, (người bạn cùng tuổi và cùng quê với cụ Bùi Đình Thuận) từng đi lính khố xanh cho Pháp đóng tạ Hà Tĩnh, cũng là nhân tố quan trọng trong đội Thanh niên cứu quốc của xã Hoàng Hà. Đại tá Bùi Đính chính thức tham gia hoạt động trong tổ chức cách mạng sau khi phát xít Nhật nhảy vào đánh chiếm Hà Tĩnh. Lúc này người Pháp hoang mang bỏ chạy, kéo nhau lên dãy Trường Sơn ẩn nấp. Thời điểm này ông cùng nhiều lính khố xanh khác được giác ngộ nhanh chong trở về địa phương của mình, tham gia cướp chính quyền. Sau đó đến năm 1946 đại tá Bùi Đính tham gia vào quân đội cho đến lúc nghỉ hưu và qua đời tại Vũng Tàu .
Còn cụ Bùi Đình Thuận đến năm 1948 bắt đầu đi học Trường Lục quân của Quân khu IV, rồi về sư đoàn 325 làm chỉ huy cấp tiểu đoàn và làm phiên dịch tiếng Pháp tại chiến trường Bình - Trị - Thiên, đến năm 1958 phục viên về quê tham gia làm việc tại chính quyền địa phương rồi nghỉ hưu.
Như vậy, từ năm 2002 tới nay, thực hiện lời hứa với đại tá Bùi Đính tôi đã về xã Tượng Sơn tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ của địa phương và rất may mắn được gặp cụ Bùi Đình Thuận, nhân chứng sống của lịch sử đang làm sống lại một quá khứ hào hùng của dân tộc trên mảnh đất này khiến lòng tôi không khỏi bồi hồi!
Xã Tượng Sơn nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh khoảng chưa đầy 7km, trước đây nơi này được ví như là xứ sở của đói nghèo truyền kiếp. Khi nạn đói năm 1945 ập đến khắp nơi thì người Tượng Sơn vẫn không hay biết gì, vì họ đã quen với cái dạ dày trống rỗng! Theo cụ Bùi Đình Thuận thì giai đoạn đó ở Tượng Sơn không có người chết đói, bởi họ tự biết cách tồn tại bằng những thứ rau cỏ, rễ cây, củ chuối, con cua, con ốc... những ngày đầu giành chính quyền nhờ sự tuyên truyền vận động tốt của tổ chức cách mạng lâm thời nên bọn hào lý cũng ngoan ngoãn tự nguyện đến giao nộp ấn triện, mà không phải tốn lấy 1 giọt máu hoặc xảy ra bất cứ một trở ngại nào.
Sau ngày đất nước giành độc lập, xã Tượng Sơn vẫn như một "ốc đảo" đối với TP Hà Tĩnh, bởi bị cách trở bởi con sông Rào Cái dữ dằn quanh năm chảy xiết, đi lại rất khó khăn. Năm này qua năm khác hạn hán mất mùa vẫn xảy ra thường xuyên, nhiều gia đình phải bỏ quê vào miền Nam lập nghiệp, đất đai bỏ hoang, mật độ dân số tự nhiên cứ thế thưa thớt dần.
Tuy vậy, đến năm 1978 khi công trình Đại Thủy nông Kẻ Gỗ hoàn thành đưa vào sử dụng, đất đai Tượng Sơn từ chỗ trống trơ cằn cỗi bỗng trở nên tươi tốt hẳn lên, nhờ hưởng lợi trực tiếp từ nguồn nước tưới tiêu bất tận của công trình thế kỷ này. Dẫu vậy, phương thức canh tác tiểu nông nên cuộc sống của người nông dân ở đây vẫn hết sức bấp bênh! Đáng buồn nhất là kể cả những năm được mùa liên tiếp mà sản phẩm của bà con làm ra lắm lúc cũng phải bán chạy, bán tháo, không xứng so với công sức đầu tư nên không ít trong số họ lại tiếp tục bỏ làng, bỏ quê đi tìm kế mưu sinh khác.
Với một vùng đất thuần nông có quy mô dân số gần 5.000 khẩu, 1.300 hộ; có diện tích đất tự nhiên gần 9.000 ha thì Tượng Sơn phải làm thế nào để đời sống vật chất tinh thần của người dân được ổn định và ngày một nâng cao?; làm thế nào dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng đi đôi với phát triển kinh tế?... Quả là một phương trình rất khó có thể tìm ra lời giải!
Thế nhưng, trong "cái khó lại ló cái khôn" . Trước sức tác động của cơ chế thị trường, nhất là nằm bên nách TP Hà Tĩnh, một trung tâm kinh tế lớn nhất của cả tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tượng Sơn xác định đây là điều kiện thuận lợi để khai thác sức mạnh tập thể và yếu tố tự nhiên của địa phương để làm nên những sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu lớn của người tiêu dùng như rau sạch, thực phẩm sạch...
Trong lúc người Tượng Sơn đang manh nha làm cuộc cách mạng kinh tế bằng con đường nông nghiệp nông thôn, không ít người dân ở đây đã mạnh dạn đi đầu trong việc bớt bỏ diện tích trồng lúa sang chuyên canh các loại rau sạch, gầy dựng thương hiệu riêng, bắt tay với các cơ sở kinh doanh lớn ký hợp đồng bao tiêu đầu ra, mở rộng thị trường để đảm bảo sản xuất bền vững như hộ ông Dương Văn Phán- Chủ nhiệm HTX sản xuất rau Hoàng Hà; hộ ông Dương Kim Dũng- Tổ trưởng Tổ rau sạch Sâm Lộc…
Đặc biệt, từ năm 2010 Tượng Sơn càng được tiếp sức bởi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM). Và thực sự Phong trào NTM như một luồng gió mát được thổi vào lòng tự trọng của từng con người ở đây. Ngay từ đầu người dân Tượng Sơn đã xác định, coi phong trào xây dựng NTM là của dân do dân làm chủ, và hưởng lợi chính từ thành quả của mình làm ra, chứ không phải là dự án đầu tư của nhà nước. Từ đó lan tỏa thành sức mạnh trong mọi tầng lớp nhân dân tạo nên một bước ngoặt vĩ đại làm thay đổi hoàn toàn diện mạo làng xã, đưa Tượng Sơn từ một xã nghèo trở nên điểm sáng khác biệt trên bản đồ Hà Tĩnh.
Đến nay, thành tựu trong 10 năm thực hiện phong trào xây dựng NTM xã Tượng Sơn trở thành một trong những địa phương đầu tiên của huyện Thạch Hà về đích các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015; cán đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2019; và phấn đấu đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Tĩnh vào năm 2020. Theo số liệu thống kê của UBND xã Tượng Sơn: Thu nhập bình quân đầu người của người dân đạt 48 triệu/1 năm; thu ngân sách địa phương đạt trên 10 tỷ đồng/ 1 năm... đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
Hòa vào niềm vui chung vào những ngày này, ông Dương Kim Huy- Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn không dấu được cảm xúc cho biết rằng: Bao nhiêu năm ấp ủ, hiện nay Tượng Sơn đã hoàn thành đề án cải tạo nâng cấp di tích lịch sử rú Mồ thành khu du lịch trải nghiệm. Theo đó, sẽ xây dựng hệ thống bậc đá lên đến đỉnh núi; thay thế cột cờ cũ cao 5 mét cùng với lá cờ búa liềm dài 3 mét, bằng cột cờ cao 10 mét và lá cờ búa liềm dài 5 mét để xứng với giá trị lịch sử của nó.
Vậy là những lời chia sẻ của cố đại tá Bùi Đính và của cụ Bùi Đình Thuận về những trang hồi ức của họ khiến lòng tôi trăn trở suốt 18 năm qua đã trở thành hiện thực. Từ nay, đứng trên thành phố Hà Tĩnh mọi người có thể nhìn thấy rõ mồn một chiếc búa liềm lịch sử tung bay giữa trời cao gió lộng.
Với những gì có được hôm nay và những dự tính về cả một tương lai đầy hứa hẹn, Tượng Sơn hoàn toàn xứng đáng với niềm tự hào là địa phương giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất ở Hà Tĩnh và so với cả nước.