CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:48

Ngày Quốc khánh - hiểu thêm về lịch sử tên gọi Quốc hiệu Việt Nam

 

Vua Gia Long.

Vua Gia Long định đổi tên nước là Nam Việt

Dưới triều Nguyễn, tài liệu Mộc bản được xem như quốc bảo, chỉ những người có thẩm quyền làm việc trong Quốc Sử quán mới được tiếp xúc. Mỗi bộ sách khi biên soạn xong đều được dâng lên vua ngự lãm, sau đó mới được đem đi khắc in. Do vậy, Mộc bản triều Nguyễn không chỉ là kho tư liệu quý, mà còn là nguồn sử liệu gốc mang tính lịch sử và có giá trị pháp lý cao. Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 30/7/2009. Đây cũng chính là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Trung tâm) tại Đà Lạt đang bảo quản 34.619 tấm, trong đó có một số bộ sách rất có giá trị mà các nhà nghiên cứu về lịch sử, pháp luật, địa lý Việt Nam không thể bỏ qua như: Đại Nam thực, Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Đại Nam nhất thống chí… Mộc bản triều Nguyễn phản ánh nhiều vấn đề và sự kiện xã hội Việt Nam. Trong đó có sự kiện quan trọng là việc vua Gia Long cho đổi Quốc hiệu Việt Nam.

Theo các cứ liệu lịch sử hai từ Việt Nam đã xuất hiện từ sớm. Ngay từ cuối thế kỷ 14 đã có bộ sách với nhan đề Việt Nam thế chí do Học sĩ viện  Hàn lâm Hồ Tông Thốc biên soạn. Cuốn Dư địa chí  của Nguyễn Trãi viết đầu thế kỷ 15 nhiều lần nhắc đến hai chữ Việt Nam. Điều này còn được đề cập rõ trong những tác phẩm của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngay trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ có câu: “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy hai chữ “Việt Nam” trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ 16 - 17 như bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Dương, bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Nội, bia chùa Phúc Thánh (1664) ở Bắc Ninh... Đặc biệt bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: “Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan” (đây là cửa ngõ yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc).Riêng tên gọi Quốc hiệu Việt Nam, thì chính thức được bắt đầu xuất hiện dưới triều Nguyễn, đời vua Gia Long.

 Ban đầu, ý định của vua Gia Long là cho đổi tên nước là Nam Việt. Trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ nhất kỷ, quyển 19, mặt khắc 9, 10 có chép: “Lấy Tham tri bộ Binh là Lê Quang Định làm Thượng thư bộ Binh sung Chánh sứ sang nước Thanh; Thiêm sự bộ Lại là Lê Chính Lộ và Đông các học sĩ là Nguyễn Gia Cát sung Giáp ất phó sứ. Trước là khi vua đã lấy lại Bắc Thành gửi thư cho tổng đốc Lưỡng Quảng đem việc ấy chuyển đạt lên vua Thanh, vua Thanh sai phục thư nói nước ta đã vỗ yên được toàn cõi An Nam thì nên làm biểu sai sứ xin phong. Còn sứ bộ trước là bọn Trịnh Hoài Đức thì cho chuyển đến Quảng Tây, đợi sứ bộ xin phong đến thì đều tiến đến Yên Kinh đợi lệnh. Bọn Chính Lộ đem việc tâu lên. Vua hạ lệnh cho bọn Quang Định đem quốc thư và phẩm vật xin phong và xin đổi quốc hiệu làm Nam Việt”.

Sở dĩ vua Gia Long đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, với lý do rằng “Nam” có ý nghĩa “An Nam” còn “Việt” có ý nghĩa “Việt Thường”.

Sự kiện đổi Quốc hiệu diễn ra nghiêm trang, quyền lực

Tuy nhiên, vua Thanh cho rằng chữ Nam Việt giống với chữ Đông Tây Việt nên không muốn cho. Thế tổ Cao Hoàng đế hai, ba lần phục thư để biện giải, lại nói nếu vua Thanh không cho thì không chịu phong. Vua Thanh sợ mất lòng nước ta, nên mới dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước, gửi thư lại nói: “Khi trước mới có Việt Thường đã xưng Nam Việt, nay lại được toàn cõi An Nam, theo tên mà xét thực thì nên tóm cả đất đai mở mang trước sau, đặt cho tên tốt, định lấy chữ Việt đặt ở trên để tỏ rằng nước ta nhân đất cũ mà nối được tiếng thơm đời trước, lấy chữ Nam đặt ở dưới để tỏ rằng nước ta mở cõi Nam giao mà chịu mệnh mới, tên xưng chính đại, chữ nghĩa tốt lành, mà đối với tên gọi cũ của Lưỡng Việt ở nội địa (Trung Quốc) lại phân biệt hẳn”. Đến đây vua Thanh sai Bố Sâm đem cáo sắc và quốc ấn đến phong.

Đến tháng 2, năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long chính thức cho đổi Quốc hiệu là Việt Nam. Sự kiện đổi Quốc hiệu được diễn ra rất nghiêm trang, quyền lực. Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam thực lục đệ nhất kỷ, quyển 23, mặt khắc 12, 13 có khắc: “Ngày Đinh Sửu, vua đem việc cáo Thái miếu. Lễ xong, vua ngự ở điện nhận lễ chầu mừng. Xuống Chiếu bố cáo khắp trong ngoài: “Đế vương dựng nước, trước phải trọng Quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất Viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước. Hơn 200 năm, nối hòa thêm sáng, vững được nền thần thánh dõi truyền, giữ được vận trong ngoài yên lặng. Chợt đến giữa chừng, vận nước khó khăn, ta lấy mình nhỏ, lo dẹp giặc loạn, nên nay nhờ được phúc lớn, nối được nghiệp xưa, bờ cõi Giao Nam, đều vào bản tịch. Sau nghĩ tới mưu văn công võ, ở ngôi chính, chịu mệnh mới, nên định lấy ngày 17 tháng 2 năm nay, kính cáo Thái miếu, cải chính Quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến Quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa. Lại hạ chiếu báo các nước Xiêm La, Lữ Tống và Mộc bản triều Nguyễn khắc về việc vua Gia Long cho đổi Quốc hiệu Việt Nam vào năm 1804 các thuộc quốc Chân Lạp, Vạn Tượng, khiến cho đều biết”.

Mộc bản và bản dập bìa sách “Đại Nam thực lục tiền biên”.

Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, hai chữ “Việt Nam” được sử dụng với tư cách là Quốc hiệu và được công nhận hoàn toàn về mặt ngoại giao. Việc đổi Quốc hiệu Việt Nam được xác lập bởi một văn bản pháp lý quan trọng đó là Chiếu của Thế Tổ Cao hoàng đế. Sự kiện vua Gia Long đặt Quốc hiệu Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là sự thể chế hóa nguyện vọng lâu đời của các tầng lớp trí thức, quan lại và nhân dân; khẳng định tính pháp lý về chủ quyền của một Nhà nước Việt ở phương Nam; thể hiện ý chí, sức mạnh muôn đời của các cộng đồng cư dân Việt trên dải đất phương Nam, cũng là một sự khiêm nhường, đúng mực, “biết người biết ta”, trong quan hệ bang giao với nhà Thanh và các nước.

Và dưới vương triều Nguyễn, Quốc hiệu Việt Nam tồn tại trong suốt thời gian 34 năm (1804 - 1838). Quốc hiệu Việt Nam được sử dụng ít hơn kể từ khi vua Minh Mạng lên nối ngôi và cho đổi Quốc hiệu là Đại Nam.

Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, hai tiếng Việt Nam được sử dụng trở lại bởi các nhà sử học và chí sĩ yêu nước trong các tác phẩm và các tổ chức chính trị như: Phan Bội Châu viết Việt Nam vong quốc sử (1905), Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1925) và Hội Việt Nam độc lập đồng minh (1941)... Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiến pháp năm 1946 chính thức thể chế hóa Quốc hiệu này. Từ đấy, Quốc hiệu Việt Nam được sử dụng phổ biến, với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng, toàn diện nhất.

Có thể nói, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đất nước ta từng có nhiều tên gọi chính thức như: Văn Lang thời Hùng Vương, Âu Lạc thời An Dương Vương, Vạn Xuân thời Tiền Lý, Đại Cồ Việt thời Đinh - Tiền Lê, Đại Việt thời Lý -Trần - Lê, Đại Ngu thời nhà Hồ, và sự ra đời của Quốc hiệu Việt Nam dưới triều Nguyễn là một dấu mốc lịch sử quan trọng, để rồi từ đó hai tiếng Việt Nam đã trở thành tên gọi quen thuộc, ăn sâu vào tiềm thức, vào máu thịt của mỗi người dân đất Việt hôm nay.

Cao Thị Quang (Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh