THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:26

Mỗi năm chi khoảng 31.000 tỷ đồng chăm sóc người có công

Mỗi năm chi khoảng 31.000 tỷ đồng chăm sóc người có công - Ảnh 1.

Đời sống người có công với cách mạng ngày càng được nâng lên.

Tính đến năm 2018, mức chuẩn để xác định trợ cấp ưu đãi NCC là 1.515.000 đồng. Tổng kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC hàng năm khoảng 31.000 tỷ đồng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 9 thông qua năm 1994. Mới đây tại, Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng sửa đổi. Đến nay, Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng đã qua 7 lần bổ sung, sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012, 2020 để phù hợp với từng thời kỳ.

Hiện, đã có 12 diện đối tượng NCC được quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, theo đó, điều kiện xem xét xác nhận đã được sửa đổi, bổ sung mở rộng nhằm bảo đảm xác nhận đúng và không bỏ sót đối tượng. Hiện, cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu NCC và số NCC đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng là gần 1,4 triệu người. Mức chuẩn để xác định trợ cấp ưu đãi NCC đang là 1.515.000 đồng. Tổng kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng hằng năm khoảng 31.000 tỷ đồng (bao gồm trợ cấp 1 lần, trợ cấp hằng tháng, bảo hiểm y tế, công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa…).

Ngoài chế độ trợ cấp, NCC với cách mạng tùy theo diện đối tượng còn được hưởng một số chế độ ưu đãi khác như: ưu đãi về đất ở, nhà ở; cấp thẻ bảo hiểm y tế; cấp phương tiện trợ giúp, điều dưỡng, phục hồi sức khỏe; giáo dục – đào tạo; tín dụng… Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và NCC với cách mạng thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng. Mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và được các cơ sở giáo dục tại địa phương chăm sóc; công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai đồng bộ và có hiệu quả.

Số liệu thống kê cho thấy, 95,75% số đối tượng NCC đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; 97% NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng… Giai đoạn 2012 – 2018, cả nước đã chi 10.726 tỷ đồng để hỗ trợ cho 85.412 gia đình NCC, làm mới 44.652 căn nhà và sửa chữa 40.760 căn nhà tình nghĩa; tặng 63.523 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, với tổng số tiền gần 290 tỷ đồng…, góp phần động viên NCC và thân nhân NCC ổn định cuộc sống.

Công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng của các đối tượng chính sách được chú trọng. Theo báo cáo của các địa phương, cả nước có 3.234 trường hợp diện tồn đọng (trong đó đề nghị xác nhận liệt sĩ là 669 trường hợp; đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh là 2.565 trường hợp). Với mục tiêu giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận NCC đang lưu trữ tại sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ chỉ huy quân sự, thành phố và Công an tỉnh trở lên, các địa phương đã khẩn trương thực hiện rà soát, thẩm định. Đến nay, đã công nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cấp đổi lại Bằng Tổ quốc ghi công cho 16.520 trường hợp.

Như vậy, từ khi Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng được ban hành, NCC với cách mạng ngày càng được quan tâm chăm lo về vật chất, tinh thần; được trân trọng, tôn vinh, biết ơn. Thông qua việc thực hiện Pháp lệnh, bằng những chính sách, việc làm cụ thể, thiết thực, đời sống của NCC với cách mạng nhìn chung ngày càng ổn định, từng bước cải thiện và cao hơn bình quân ở khu vực dân cư.

P.V

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh