THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:33

UBTVQH thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)

Liên quan đến một số nội dung lớn của Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết:

*Về đối tượng áp dụng và đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung các quy định:

Mở rộng công nhận đối tượng người bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung báo cáo số liệu về đối tượng, kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ ưu đãi đối với đối tượng này.

Pháp lệnh hóa quy định của Nghị định 31/2013/NĐ-CP về đối tượng vợ hoặc chồng của liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác được hưởng chế độ trợ cấp tiền tuất hằng tháng và bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với đối tượng này.

 Về đối tượng người nước ngoài có công với cách mạng (NCCVCM): Ủy ban thống nhất với Chính phủ thể hiện trong Công văn số 425, kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành theo hướng không hạn chế việc việc thực hiện chính sách ưu đãi người nước ngoài có công với cách mạng và giao Chính phủ quy định (tại khoản 6 Điều 48).

Đối với NCCVCM đang định cư ở nước ngoài: Đối tượng này không bị hạn chế việc nhận chế độ ưu đãi mà mình được hưởng. Trong quá trình thực hiện, đề nghị Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH  phải chỉ đạo, hướng dẫn các phương thức phù hợp để đối tượng nhận được chế độ ưu đãi.

Đối với người hoạt động kháng chiến chưa đủ thời gian cấp Huân chương, Huy chương: Theo báo cáo của Cơ quan soạn thảo, các đối tượng này đã được hưởng một số chế độ ưu đãi như trợ cấp một lần hoặc hằng tháng; nếu đối tượng này đã được tặng Bằng khen thì nhận thêm một khoản trợ cấp một lần theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg.

"Nếu bổ sung đối tượng này vào dự thảo Pháp lệnh dẫn đến có thể phải bổ sung chế độ, chính sách trong khi họ đã hưởng chế độ trợ cấp một lần và không nhất quán với quan điểm về giải quyết chính sách từ trước đến nay. Ủy ban thống nhất với giải trình của Cơ quan soạn thảo không bổ sung đối tượng này vào dự thảo Pháp lệnh.", Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết.

UBTVQH thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi)

iều kiện công nhận liệt sĩ: bảo đảm chặt chẽ, tôn vinh xứng đáng đối với người có công

Về các điều kiện xem xét công nhận liệt sĩ, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Dự thảo Pháp lệnh được chỉnh lý như sau:

Đối với trường hợp "Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm trong đấu tranh phòng chống tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự: Dự thảo Pháp lệnh đã bỏ "phòng" trong "phòng, chống tội phạm" và chỉnh lý thành hai điểm để phân biệt đấu tranh chống tội phạm của người được giao nhiệm vụ và người không được giao nhiệm vụ.

 Đối với người được giao nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm: Dự thảo bỏ quy định điều kiện "dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm", đồng thời, dự thảo đã bổ sung điều kiện "Trực tiếp làm nhiệm vụ", cùng với việc  bổ sung các trường hợp không được xem xét công nhận người có công, bảo đảm chặt chẽ hơn so với quy định hiện hành, phù hợp với thực tiễn đấu tranh chống tội phạm của lực lượng chuyên trách.

Đối với trường hợp "Đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân; có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội" : Dự thảo Pháp lệnh đã được tiếp thu, chỉnh lý chặt chẽ hơn như sau: "Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội".

Đối với các trường hợp "Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện hoặc diễn tập chiến đấu phục vụ quốc phòng an ninh có tính chất nguy hiểm"; "Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao" : Dự thảo Pháp lệnh đã được chỉnh lý như sau: "Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm". Quy định này đã bao hàm các trường hợp xứng đáng khác đang được thực hiện và bổ sung một số trường hợp mới trong thực tiễn. Đồng thời, bao gồm được cả trường hợp công nhận liệt sĩ "Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao" vì đây là thuộc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm.

Đối với trường hợp "Do ốm đau, tai nạn khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn":  Sau khi thống nhất với Cơ quan soạn thảo, dự thảo Pháp lệnh được chỉnh lý trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh hiện hành nhưng chỉ giới hạn công nhận liệt sĩ trong trường hợp "Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định".

Đối với trường hợp "Do vết thương tái phát dẫn đến tử vong" đối với thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên: Dự thảo đã được chỉnh lý bảo đảm chặt chẽ hơn, bổ sung cụm từ "là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong" sau cụm từ "Do vết thương tái phát".

Dự thảo Pháp lệnh giữ lại quy định hiện hành trường hợp công nhận liệt sĩ khi làm nghĩa vụ quốc tế.

UBTVQH thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp

* Về điều kiện, tiêu chuẩn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh : Dự thảo Pháp lệnh giữ lại quy định hiện hành, đồng thời bổ sung thêm các trường hợp vết thương còn sót, vết thương bổ sung để phù hợp với thực tế.

 Điều kiện, tiêu chuẩn bệnh binh đã được chỉnh  lý như sau: "Sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân bị mắc bệnh mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm thì được cơ quan có thẩm quyền cấp "Giấy chứng nhận bệnh binh" và bổ sung việc giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này

Đối với trường hợp bị bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần sau khi tham gia làm nghĩa vụ quốc tế, theo báo cáo của Ban soạn thảo, hồ sơ các đối tượng này cơ bản đã được giải quyết xong và thực tế tâm thần có nhiều dạng biểu hiện bệnh với nhiều nguyên nhân khác nhau, khó xác định được nguyên nhân do bệnh cũ tái phát, do tham gia làm nghĩa vụ quốc tế nên không tiếp tục quy định trường hợp này trong Pháp lệnh.

*Đảm bảo mức sống tốt mà không phụ thuộc vào số con liệt sĩ cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Về chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo nguyên tắc đảm bảo mức sống tốt mà không phụ thuộc vào số con liệt sĩ.

"Ủy ban thấy rằng, Pháp lệnh hiện hành quy định chế độ trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ, trong đó giới hạn không quá mức trợ cấp 3 liệt sĩ (tương ứng 3 lần mức chuẩn) và đã được thực hiện ổn định trong những năm qua và mức trợ cấp 3 lần mức chuẩn bảo đảm được cuộc sống tốt cho đối tượng. Sau khi thống nhất với Cơ quan soạn thảo, dự thảo Pháp lệnh đã được chỉnh lý theo hướng giữ mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ tại điểm a khoản 3 Điều 16 như hiện hành, riêng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, quy định chế độ trợ cấp được hưởng bằng 3 lần mức chuẩn trợ cấp hàng tháng chứ không tính theo số liệt sĩ và phụ cấp hằng tháng". Bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Về chế độ ưu đãi đối với thân nhân của thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học: Dự thảo Pháp lệnh quy định đối tượng thân nhân là vợ, chồng được hưởng chế độ ưu đãi căn cứ vào độ tuổi 55 trở lên đối với vợ và 60 tuổi đối với chồng. Quy định này kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành và phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 về độ tuổi nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Để bảo đảm tính thống nhất về quan điểm giải quyết chế độ ưu đãi áp dụng đối với những người hết tuổi lao động, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban và Ban soạn thảo dự kiến  điều chỉnh tuổi hưởng chế độ ưu đãi thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đã nhận được sự thống nhất rất cao giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng như các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, thực hiện kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Phiên họp thứ 47 là cố gắng càng sớm càng tốt với trách nhiệm cao nhất để thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công (sửa đổi) với tinh thần đổi mới và tăng cường được trách nhiệm quản lý nhà nước, đảm bảo chính sách được thực hiện phải công bằng và có lợi nhất với đối tượng được thừa hưởng chính sách.

Sau kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội, 100% đại biểu dự Phiên họp đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh