CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:08

Mở rộng quyền lợi của người lao động

 

Nhiều tiến bộ, phù hợp với nguyện vọng của người lao động

          Về bảo hiểm xã hội một lần kế thừa Luật BHXH hiện hành, Luật BHXH 2014 qui định những trường hợp vẫn được nhận BHXH một lần như: Người đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện; người ra nước ngoài định cư; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, binh sĩ trong quân đội nhân dân và công an nhân dân khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Một điểm mới quan trọng nhất Luật BHXH 2014 bổ sung qui định đối với một số trường hợp đặc biệt được nhận BHXH một lần ngay là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và một số bệnh khác theo qui định của Bộ Y tế. Như vậy, so với Luật BHXH năm 2006, đây là điểm tiến bộ giải quyết kịp thời cho cả những trường hợp có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên không may bị bệnh hiểm nghèo được nhận ngay BHXH một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt nếu không có khoản tiền này thì người lao động và gia đình họ sẽ rất khó khăn. Như vậy, việc giải quyết cho nhận ngay BHXH một lần cho trường hợp này là phù hợp với nguyện vọng của người lao động và gia đình họ, hợp với đạo lý… trong khi Luật BHXH năm 2006 không có qui định này.

 

Ảnh minh họa

 

Đối với các trường hợp khác có khó khăn nhưng chưa tới mức phải nhận ngay BHXH một lần thì khuyến khích người lao động tích luỹ thời gian đã đóng BHXH để sau này đóng tiếp BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khi về già, bớt đi gánh nặng đối với bản thân, gia đình và xã hội, đảm bảo an sinh lâu dài vừa thực hiện được quyền công dân của mình, vừa giúp Nhà nước thực hiện được nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi về an sinh xã hội đối với công dân. Cũng với mục tiêu đó, nếu trong thời gian bảo lưu đóng BHXH không may gặp hoàn cảnh khó khăn đặc biệt như nêu trên thì NLĐ được giải quyết nhận ngay BHXH một lần hoặc nếu không may NLĐ qua đời thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở (nếu đã có thời gian đóng BHXH đủ từ 12 tháng trở lên) và trợ cấp tử tuất (hàng tháng hoặc một lần) tùy theo thời gian đã đóng BHXH. Nhận BHXH một lần thì NLĐ thiệt hơn vì tính ra mỗi năm đóng BHXH bao gồm cả NLĐ và người sử dụng lao động đóng vào quỹ BHXH là 2,64 tháng lương nhưng khi nhận BHXH một lần mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 chỉ được nhận 1,5 tháng tiền lương bình quân đóng BHXH, mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi được nhận 2 tháng tiền lương bình quân đóng BHXH, nếu đã nhận BHXH một lần rồi thì không được nhận các chế độ như vừa nêu trên. Điều 60 Luật BHXH 2014 thực chất là nhằm đảm bảo thực hiện quyền an sinh xã hội của công dân một cách lâu dài, bền vững và cũng là biện pháp để Nhà nước thực hiện nghĩa vụ bảo đảm an sinh xã hội đối với công dân của mình, giảm gánh nặng đối với ngân sách nhà nước.

 Để chính sách đi vào cuộc sống

Tuy nhiên, trong thực tế xuất hiện tình huống NLĐ làm việc trong một số ngành nghề, công việc đặc biệt với tính chất nghề nghiệp và thu nhập thấp, không ổn định, họ không thể theo đuổi cả đời, đồng nghĩa với việc họ không thể làm việc và đóng BHXH cho đủ 20 năm để có thể được nhận lương hưu đó là một thực tế. Khi gặp hoàn cảnh này NLĐ chỉ có thể tính đến việc giải quyết khó khăn trước mắt. Mặc dù biết khi mất việc làm NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, được cấp thẻ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng; ngoài ra NLĐ còn được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của Bộ Luật lao động đối với thời gian làm việc trước năm 2009 do chủ sử dụng lao động trả nhưng dường như tất cả các chế độ đó chưa đáp ứng được đối với họ, NLĐ thật sự cần có một khoản tiền làm vốn sinh nhai, sau một số năm làm việc trở về quê làm ăn sinh sống, họ không nghĩ đến việc tìm cho mình một nghề hay công việc mới phù hợp để đóng tiếp BHXH cho đến khi tuổi già đây là một thực tế cần được xem xét để giải quyết cho hợp lý, hợp tình.Trong số này có trường hợp đặc biệt khó khăn mà chỉ duy nhất còn cuốn sổ BHXH là chỗ dựa cuối cùng của họ nếu không được nhận ngay khoản tiền BHXH một lần họ sẽ tìm mọi cách bán hoặc cầm cố sổ BHXH để nhận một khoản tiền chấp nhận thấp hơn số tiền mà cơ quan BHXH thanh toán theo quy định. Nếu không xử lý tốt vấn đề này vô tình sẽ đẩy người lao động vào chố khó khăn thêm, tạo cơ hội cho những kẻ lợi dụng kẽ hở của chính sách mua bán sổ BHXH để kiếm lợi bất chính trên lưng người lao động.

Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho biết, để giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo cần phải có sự linh hoạt trong các quy định của chính sách để làm sao giải quyết thỏa mãn đối với số đông người lao động hướng tới lợi ích lâu dài đồng thời giải quyết được nguyện vọng của một số ít người lao động có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, cấp bách không thể chờ đến khi đủ tuổi đời để nhận BHXH đây là một thực tế cần được xem xét, Chính phủ đã có Nghị quyết đề nghị Quốc hội xem xét lại Điều 60 Luật BHXH 2014, theo hướng cho phép NLĐ được lựa chọn nhận ngay BHXH một lần khi đã suy nghĩ kỹ càng, thấu đáo về lợi ích lâu dài nhưng vẫn cần thiết, cấp bách phải được nhận BHXH một lần mới giải quyết được khó khăn trước mắt  hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để đóng tiếp BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Cũng theo ông Được, có một câu hỏi rất đáng quan tâm từ NLĐ: Khi đủ tuổi đời để nhận lương hưu nhưng chưa tích lũy đủ thời gian đóng BHXH thì có được nhận lương hưu hay hay phải nhận BHXH một lần? Điều 60 Luật BHXH 2014 quy định rõ, khi NLĐ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH cụ thể chưa đóng đủ 20 năm hoặc 15 năm tùy trường hợp và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện nếu có nguyện vọng thì được hưởng BHXH một lần. Với quy định này, trong điều kiện thị trường lao động Việt Nam hiện nay nói chung, ở những ngành nghề, công việc đặc thù, không ổn định, thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn không thể theo đuổi cả đời tham gia, tích lũy đóng BHXH để khi về già được nhận lương hưu nói riêng, câu hỏi trên cho thấy, chẳng những NLĐ am hiểu luật mà họ còn có lý khi yêu cầu phải có lời giải thật thỏa đáng về quyền được bảo đảm an sinh xã hội của họ.

Đối với trường hợp NLĐ trong quá trình lao động họ không may gặp hoàn cảnh khó khăn đặc biệt đã nhận BHXH một lần nhưng sau khi đã vượt qua khó khăn, NLĐ đã tìm được việc làm mới ổn định, trở lại thị trường lao động và tiếp tục đóng BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện nhưng khi đủ 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH đã có quy định cho phép người lao động nếu thiếu không quá 06 tháng thì được đóng tiếp BHXH bắt buộc cho đủ 20 năm để nhận lương hưu, thiếu từ 07 tháng trở được đóng BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu (Khoản 2, Điều 73 Luật BHXH 2014), được hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện tùy từng trường hợp, tùy theo điều kiện kinh tế xã hội theo quy định của Chính phủ, ngoài ra còn cho phép người lao động được chọn đóng BHXH tự nguyện một lần cho nhiều năm về sau với  mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức đóng cao hơn mức đóng hàng tháng ( Điểm d, Khoản 2, Điều 87 Luật BHXH 2014). Đây là những quy định mới tiến bộ, giải đáp được câu hỏi của một đại biểu quốc hội đề nghị cho người lao động hoàn trả lại số tiền BHXH một lần đã nhận để được tính thời gian đóng BHXH tương ứng. Mặt khác nếu cho hoàn trả BHXH một lần thì những người đã nhận trợ cấp thôi việc ( một cục ) trước đây sẽ xử lý như thế nào? Luật BHXH 2014 quy định cho đóng BHXH tự nguyện linh hoạt như  đã nêu trên là phù hợp.

Có thể nói, việc NLĐ đề nghị xem xét lại Điều 60 Luật BHXH 2014 đang là vấn đề cử tri cả nước quan tâm, hiện nay các cơ quan của Đảng, Chính phủ, đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đang tích cực nghiên cứu, xem xét, xử lý để chính sách đi vào cuộc sống.

Huyền Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh