Nợ, trốn đóng Bảo hiểm xã hội là trọng tâm công tác thanh tra năm 2022
- Tây Y
- 16:06 - 28/09/2021
Chiều 27/9, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ hai theo hình thức trực tuyến, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH; quản lý Quỹ BHXH năm 2020.
Thanh tra doanh nghiệp tại 14 tỉnh, thành phố nợ bảo hiểm
Tham gia phát biểu, bà Nguyễn Thị Như Ý, Ủy viên Ủy ban Xã hội cho biết, thời gian qua, tại địa phương của bà (tỉnh Đồng Nai), dù công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý rất tốt, song cũng còn nhiều doanh nghiệp vi phạm chế độ, chính sách với người lao động, trong đó có trốn đóng, nợ đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, bà Nguyễn Như Ý cho rằng, chế tài quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH còn định tính, chung chung, dẫn đến cách hiểu khác nhau. “Vì vậy, trên thực tế, BHXH và Công đoàn chuyển nhiều hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng cơ quan điều tra chưa khởi tố được vụ nào theo điều 216 của Bộ luật Hình sự. Từ thực trạng trên, đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện trong tố tụng, tạo cơ sở để tổ chức công đoàn cấp trên đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ BHXH”, bà nói.
Chung mối quan tâm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội cho rằng, thống kê báo cáo của Chính phủ cho thấy, số nợ BHXH trên 3 năm rất lớn, cần có giải pháp cho vấn đề này.
Cùng mối quan tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan đề nghị thời gian tới phải xử lý nghiêm các doanh nghiệp nợ đọng BHXH để răn đe. “Nếu không xử lý nghiêm, tình trạng nợ đọng BHXH vẫn còn và khó khắc phục”, ông Đoan nói.
Liên quan đến nợ đọng BHXH còn nhiều, giải trình làm rõ ý kiến các đại biểu còn băn khoăn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện có trên 200 nghìn doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng… Và vừa qua có thanh tra, nhưng hiệu quả thanh tra và xử lý vi phạm chưa tốt, “vẫn còn nhiều vấn đề đáng phải quan tâm”.
Vì vậy, Bộ trưởng thông tin, ông vừa chính thức ký quyết định giao thanh tra của toàn ngành trong năm 2022, sẽ thanh tra tập trung ở 14 tỉnh thành, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan còn nợ đọng bảo hiểm để xử lý.
“Coi đây là trọng tâm của công tác thanh tra năm 2022, để xử lý nghiêm”, ông Dung khẳng định.
Nhiều người nói “vỡ Quỹ”, nhưng thực tế phát triển bền vững
Nói về BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, có 3 nhóm bảo hiểm: Hưu trí tử tuất, Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp phát triển tương đối đồng bộ, và có hiệu quả. Tất cả các loại hình này cho đến nay, nhìn tổng thể, không những giải quyết được các chính sách theo quy định nhất định, mà còn có “kết dư tương đối tốt”.
Nêu lại câu chuyện vài năm trước đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, dư luận lo lắng vấn đề an toàn quỹ, nhiều người nói “vỡ Quỹ”, rồi “chuyện A, chuyện B” liên quan đến Quỹ…, thông tin rất nhiều chiều, “nhưng đến giờ khẳng định các Quỹ chúng ta bền vững”.
“Thậm chí, gần đây còn dành một lượng tiền rất lớn kết dư (38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp - P.V) để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, nhưng trên cơ sở cam kết đảm bảo tính bền vững tối thiểu gấp 2 lần so với tổng chi của năm liền kề, để đảm bảo theo quy định pháp luật”, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH nói.
Trước hết, đó là Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ). Bốn tháng qua, chịu tác động của đại dịch, đời sống người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng nặng nề mọi mặt, do Quỹ Bảo hiểm hoạt động tương đối hiệu quả, tích lũy, do đó chúng ta mới quyết định được 2 chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sự dụng lao động theo Nghị quyết 68.
“Đặc biệt, mới đây nhất là Nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và Nghị quyết 116 của Chính phủ vừa ban hành ngày 24/9, dành tới 38.000 tỷ để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động – đây là những quyết định chưa từng có tiền lệ. Nhưng muốn thực hiện được, cũng phải có cơ sở bền vững, có kết dư mới “quyết” được các chính sách hỗ trợ này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Sẽ đưa ra thảo luận tại tổ cũng như hội trường tại Kỳ họp Quốc hội tới
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay đã có 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang tiếp nhận và phối hợp với các bộ, ngành xem xét 6 hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện theo quy định.
Phát biểu kết luận phiên họp, bà Nguyễn Thuý Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đánh giá cao việc thực hiện chính sách BHXH, đặc biệt là tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện tăng gấp đôi so với năm 2019.
Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, Quốc hội có kế hoạch sửa đổi Luật BHXH, Luật Việc làm, nên đề nghị các đại biểu tiếp tục góp ý bằng văn bản cho Ủy ban để tổng hợp, xem xét.
“Báo cáo này lần đầu tiên sẽ được đưa ra thảo luận tại tổ cũng như hội trường tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV”- bà Nguyễn Thuý Anh thông tin thêm.