THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:21

Điều 60 Luật BHXH 2014: Phù hợp với xu hướng chung của thế giới

Đảm bảo an sinh cho người lao động khi về già

Thừa ủy quyền cuả Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã  trình bày Báo cáo về Điều 60 của Luật BHXH năm 2014, với Quốc hội. Theo báo cáo của Chính phủ, chính sách BHXH một lần trong Luật BHXH (2006) dẫn đến hằng năm số người lao động hưởng BHXH một lần (gấp 4,4 lần số người hưởng lương hưu hằng tháng), chiếm tỷ lệ 80% tổng số người được giải quyết chế độ BHXH, chủ yếu là người lao động có thời gian tham gia BHXH từ 1 năm đến 3 năm (chiếm 72%), tập trung vào khu vực doanh nghiệp tư nhân và liên doanh, ở các ngành nghề như dệt may, da giày và khu công nghiệp tập trung, số lượng người xin hưởng BHXH một lần cao hơn.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo Quốc hội về Điều 60 Luật BHXH năm 2014

“Việc cho phép người lao động có dưới 20 năm đóng BHXH mà chưa hết tuổi lao động được nhận trợ cấp BHXH một lần tuy tạo điều kiện linh hoạt cho người lao động lựa chọn nhưng chưa khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình làm việc để có thể được hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, với quan điểm hướng tới việc mở rộng diện bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận BHXH một lần.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng cho bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%. Tỷ lệ đóng 14% của người sử dụng lao động được hạch toán vào giá thành, chi phí lưu thông, giảm trừ thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp (25%), thực chất là ngân sách nhà nước hỗ trợ 3,5% mức đóng góp cho chính sách bảo hiểm hưu trí. “Quy định trên thể hiện trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp để bảo đảm an sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Việc thu hẹp điều kiện cho phép hưởng BHXH một lần như Luật BHXH (2014) là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Theo Hiệp hội an sinh quốc tế (ISSA) và Tổ chức lao động quốc tế (ILO), các quốc gia có hệ thống bảo hiểm hưu trí giống như Việt Nam đều không cho hưởng BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp định cư ở nước ngoài hay bị bệnh hiểm nghèo như Điều 60, Luật BHXH (2014) đã quy định. Ngay cả các quốc gia có hệ thống bảo hiểm hưu trí dựa trên tài khoản cá nhân thì hầu hết các quốc gia này cũng không khuyến khích người lao động rút các khoản đóng góp trước tuổi 55 hoặc chỉ cho phép rút một tỷ lệ hạn chế để đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng, đầu tư trước mắt nhưng phải trích từ Quỹ phòng xa, Quỹ hưu trí bổ sung hoặc các chương trình Bảo hiểm hưu trí theo ngành nghề để đảm bảo khả năng người lao động không gặp rủi ro khi về già không có lương hưu và chăm sóc y tế.

Một số nước theo hệ thống này cũng đang điều chỉnh thu hẹp các điều kiện hưởng BHXH một lần để hướng tới mục tiêu an sinh lâu dài cho người lao động phù hợp với xu hướng già hóa dân số đang gia tăng.

NLĐ có thể nhận lại số tiền đã tham gia BHXH

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, từ ngày 26/3/2015, công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam 100% vốn nước ngoài (Đài Loan), có trụ sở tại quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp trên địa bàn một số địa phương như Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, đã ngừng việc do không đồng tình với quy định tại Điều 60 về BHXH một lần theo Luật BHXH năm 2014 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vẫn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai 

Ngay sau khi diễn ra ngừng việc tập thể, Bộ LĐ-TB&XH,  Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan thông tin báo chí đã giải thích chính sách dựa trên quan điểm, mục tiêu của Đảng và quy định của Hiến pháp.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc nêu trên được Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền lý giải là do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên người lao động muốn lấy BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già, nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng BHXH để làm vốn về quê làm ăn. Bên cạnh đó, việc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền giải thích chính sách chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời nên người lao động chưa hiểu cặn kẽ được ý nghĩa, mục đích của các quy định mới của Luật BHXH năm 2014, đặc biệt là quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần

Xuất phát từ những căn cứ nêu trên, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006. Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Tán thành với đề xuất của Chính phủ, trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia BHXH, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị, cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng BHXH một lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già (năm 2014, ngân sách phải chi hơn 3.000 tỷ đồng cho khoảng 1,5 triệu người 80 tuổi trở lên không có lương hưu).

Ngọc Ước

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh