CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:40

Báo cáo Quốc hội quy định Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

 

Hình ảnh một cuộc họp của UBTV Quốc hội

BÁO CÁO

Về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

về bảo hiểm xã hội một lần  

Kính gửi: Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thực hiện Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII; Nghị quyết số 23/2012/QH13 ngày 12 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chính phủ có Tờ trình số 28/TTr-CP ngày 07 tháng 02 năm 2014 kèm hồ sơ về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và có nhiều nội dung quy định theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động như mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng thời gian hưởng chế độ thai sản, bổ sung quy định hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con, tăng mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hiện nay, Chính phủ đang tích cực chuẩn bị và ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật mà Quốc hội giao cho Chính phủ để khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành thì cũng có đầy đủ các văn bản hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức thực hiện.

1. Về quy định bảo hiểm xã hội một lần theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

a) Căn cứ đề xuất khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 thì người lao động sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.

Theo số liệu thống kê, tính bình quân trong giai đoạn 2007 - 2014, trong tổng số người được giải quyết chế độ thì có khoảng 80% giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chỉ có khoảng 20% hưởng lương hưu hàng tháng. Hàng năm, có khoảng gần 500.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và con số này có xu hướng gia tăng qua từng năm. Việc cho phép người lao động có dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà chưa hết tuổi lao động được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần chưa khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình làm việc để có thể được hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. Việc giải quyết bảo hiểm xã hội một lần tuy tạo điều kiện cho người lao động có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trước mắt nhưng khi về già không có lương hưu để bảo đảm cuộc sống sẽ khó khăn cho bản thân người lao động, gia đình và xã hội.

Với quan điểm hướng tới việc mở rộng diện bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 06 năm 2012, Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Khi người lao động vẫn còn trong độ tuổi lao động mà nghỉ việc thì tạm thời chưa giải quyết bảo hiểm xã hội một lần mà thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện, được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu khi về già. Bên cạnh đó, khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc thì với quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp người lao động vẫn được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới[1].

Quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nói chung và Điều 60 nói riêng được tiến hành đảm bảo đúng trình tự, quy trình quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của Chính phủ cũng đã nhận được sự đồng thuận từ phía các Bộ, ngành, địa phương và của Hội đồng thẩm định dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); quá trình tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan liên quan của Quốc hội thẩm tra dự án luật này cũng không có ý kiến khác liên quan đến nội dung quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.

Như vậy, nội dung Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của hầu hết các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 vẫn chưa có hiệu lực thi hành thì một bộ phận người lao động chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

b) Tóm tắt vụ việc người lao động ngừng việc để bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

Từ ngày 26 tháng 3 năm 2015, công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam 100% vốn nước ngoài (Đài Loan), có trụ sở tại quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp trên địa bàn một số địa phương như Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, đã ngừng việc do không đồng tình với quy định tại Điều 60 về Bảo hiểm xã hội một lần theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2014.

Sau khi sự việc xảy ra, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương khác đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định tình hình và tuyên truyền, vận động để người lao động sớm trở lại làm việc. Đoàn công tác liên ngành cũng đã trực tiếp đối thoại với người lao động, giải thích cặn kẽ mục đích, ý nghĩa của quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và những lợi ích của người lao động theo quy định này. Tuy nhiên, người lao động tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nên quy định theo hướng giải quyết linh hoạt, người lao động được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu khi về già.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc nêu trên là do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên người lao động muốn lấy bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già, nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội để làm vốn về quê làm ăn. Bên cạnh đó, việc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền giải thích chính sách chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời nên người lao động chưa hiểu cặn kẽ được ý nghĩa, mục đích của các quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đặc biệt là quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.

2. Kiến nghị, đề xuất

Xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện[2].

Việc sửa đổi như trên sẽ tạo sự linh hoạt trong giải quyết bảo hiểm xã hội một lần, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống trước mắt. Tuy nhiên, nếu người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần thì khi hết tuổi lao động sẽ không có điều kiện để được hưởng lương hưu hàng tháng, không bảo đảm ổn định cuộc sống khi về già, không bảo đảm an sinh xã hội và tạo thêm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc hỗ trợ những người không có lương hưu. Chính vì vậy, cùng với việc sửa đổi như trên Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu rõ các lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo đảm cuộc sống khi về già để hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Chính phủ kính báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để Chính phủ chuẩn bị Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Điều 60 trước khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành.

 

 

 



[1] Chương VI của Luật Việc làm năm 2013

[2] Quy định tại Điều 77 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh