THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:42

Kiến nghị Quốc hội ra Nghị Quyết về Điều 60 Luật BHXH

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi bên hành lang Quốc hội sau phiên thảo luận

Điều 60 là xu hướng tiến bộ

Cho ý kiến về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, các ĐB bày tỏ sự thấu hiểu, chia sẻ với bức xúc của một bộ phận người lao động trong thời gian qua liên quan đến việc thu hẹp đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau 1 năm nghỉ việc.

Là người đăng ký phát biểu đầu tiên, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng không cần phải sửa Điều 60, vì “có sai mới sửa”, trong khi ĐB nhận thức rằng “Điều 60 là hoàn toàn đúng đắn”. Thấu hiểu và thông cảm với người lao động, ĐB Thúy nhìn nhận: “Ở thời điểm hiện tại, yêu cầu của người lao động về việc được nhận bảo hiểm xã hội một lần là có thật và chính đáng”. Tuy vậy, ĐB Thúy cũng băn khoăn:“Có phải tất cả người lao động muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần họ thực sự khó khăn? liệu số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần có giải quyết được khó khăn trước mắt của họ không”.

Dẫn chứng từ báo cáo của Chính phủ, ĐB Thúy cho biết từ năm 2010-2014, trong hơn 2 triệu người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì có tới  gần 1 triệu người mới làm việc có một năm trở lại, tức là hưởng một 1 lần chỉ được tối đa 1,5 tháng tiền lương tối thiểu mà có thể số tiền này còn thấp hơn tiền lương thực nhận. “Thực tế, phần lớn người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần là những người lao động có số năm đóng bảo hiểm xã hội chưa nhiều, làm công việc ngắn hạn và thời vụ nên nhận thức về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tích lũy số năm đóng bảo hiểm xã hội còn hạn chế”- ĐB Thúy nhận định.

Vì những lý do trên, ĐB Thúy đề nghị Quốc hội chỉ cần ra một Nghị quyết cho phép người lao động sau 1 năm nếu hoàn cảnh khó khăn thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, để đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động, các ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) và một số ĐB khác ủng hộ quan điểm của Chính phủ là tôn trọng quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Đồng thời cho rằng, không phải sửa Điều 60 vì nguyên tắc có sai mới sửa mà Điều 60 hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với hiến pháp, mục tiêu của Đảng và xu hướng phát triển chung.

Bình luận về Điều 60, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho hay, đây là chính sách ưu việt, tiến bộ của nhân loại; quy trình làm luật đúng pháp luật. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một bộ phận NLĐ đình công, phản đối Điều 60. “Tôi đề nghị Quốc hội ra một Nghị quyết kéo dài điểm c, khoản 1 điều 55 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 giống như Quốc hội đã từng ban hành Nghị quyết 77 về đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội” ĐB Yến hiến kế.

Ngoài ra, ĐB Yến cũng đề nghị thời gian tới, Quốc hội phải xây dựng một hệ thống giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nếu không thì xu hướng nhận bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ lại tiếp tục tăng cao như thời gian qua. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng một lộ trình để nâng dần điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần phù hợp với tỉ lệ lao động trong khu vực chính thức để giảm dần số người không có lương hưu khi về già.

Cùng quan điểm với ĐB Yến, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng đề xuất “Cần phải tiến hành khảo sát, nghiên cứu đối với từng ngành nghề cụ thể để nâng dần tiêu chuẩn được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần…”

Các đại biểu sau phiên thảo luận sáng nay 27/6

Tránh tính trạng càng sửa càng sai

Phát biểu đầy tâm tư về Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói: “Quả thực không vui khi Luật bảo hiểm vừa ban hành đã có một bộ phận lao động phản ứng và nguyện vọng đó cũng nhanh chóng được tiếp thu và đề nghị sửa đổi. Điều này có liên quan đến việc điều chỉnh luật và pháp lệnh năm 2015. Nếu chúng ta nói luật ban hành đúng thì không hợp lý. Đúng mà vì sao lại có người lao động phản ứng và chúng ta lại đề nghị sửa đổi. Nếu chúng ta nói luật ban hành sai thì lại càng không thỏa đáng, rất buồn cho Quốc hội chúng ta khi ban hành một luật mà có nhiều vấn đề không được nhân dân không đồng tình”.

 Theo ĐB Phương, quy trình làm luật đúng, có xin ý kiến của mọi tầng lớp và đối tượng tác động. Đồng tình với Chính phủ cần có sự điều chỉnh, nhưng ĐB Phương cũng đưa ra quan điểm rất rõ ràng phải làm theo quy trình và xem có bao nhiều phần trăm đồng tình, tránh tình trạng "có sai có sửa, càng sửa càng sai". “Quốc hội nên có Nghị quyết về vấn đề này trước mắt ổn định tình hình cũng như có thời gian để đánh giá lại. Còn nếu sửa đổi phải theo quy trình chặt chẽ, tránh tình trạng thụ động như hiện nay”- ĐB Phương phát biểu.

 

ĐB Phương cũng nói thêm, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền cho người lao động để làm sao cho người ta hướng đến cái bền vững, lúc về già chứ không nên lo cái khó khăn trước mắt.

Trước đó, các ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Lê Thị Yến, Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh trong khi phát biểu đó là đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước, công đoàn, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ và có nhiều giải pháp phù hợp hơn nữa để tuyên truyền phổ biến và giải thích đúng bản chất, đúng ý nghĩa mục tiêu, quan điểm của chính sách bảo hiểm xã hội để người lao động hiểu rõ lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo cuộc sống khi về già để thận trọng cân nhắc và có sự lựa chọn tốt nhất cho quyền lợi của mình.

 

 

ĐB Nguyễn Ngọc Phương:

“Báo chí đẩy tình huống xảy ra phức tạp hơn”

 Tôi cũng muốn lưu ý một điểm mà Quốc hội cần phải rút kinh nghiệm trong quá trình làm luật. Đặc biệt hiện nay chúng ta đã có tiền lệ. Cần phải chuẩn bị một số tình huống khi xảy ra mà luật ban hành, tránh tình trạng lúng túng, thụ động như hiện nay. Báo chí vào cuộc rất nhanh nhạy, các đại biểu trả lời nhiều khi chưa chặt chẽ, còn thiếu định hướng, chính vì vậy đẩy tình huống xảy ra phức tạp hơn.

Một số nước trên thế giới, khi luật thông qua cũng có phản ứng, gần đây nhất là Pháp. Khi nâng độ tuổi lên 62 thì hàng triệu người tuần hành biểu tình và nhiều cơ quan xí nghiệp cũng phải dừng lại, nhưng Quốc hội Pháp vẫn thông qua 177 phiếu thuận, 153 phiếu trống. Hoặc tương tự như nước Singapore, gần đây nhất một số nước Châu Âu khi thắt chặt chi tiêu, người dân cũng phản ứng nhưng người ta vẫn thông qua.

Vấn đề quan trọng nữa là xem xét chính sách đúng hay không đúng, đặc biệt phải làm tốt công tác tuyên truyền về lợi ích, về chính sách pháp luật đến tận người lao động, như thế nào. Hạn chế đến tối đa sự hiểu nhầm và đặc biệt là khi tình huống xảy ra, chưa có ý kiến Quốc hội chúng ta chỉ tiếp thu không nên có lời hứa.

Văn Bình

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh