Điều 60 Luật BHXH: Đã tốt thì sao phải sửa?
- Tra cứu phẫu thuật
- 13:31 - 13/05/2015
Các đại biểu thảo luận Điều 60 Luật BHXH tại phiên họp 38 Ủy ban thường vụ Quốc hội
Đảm bảo cuộc sống cho người lao động sau khi về hưu
Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trình bày báo cáo về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và có nhiều nội dung quy định theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động như mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng thời gian hưởng chế độ thai sản, bổ sung quy định hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam có Vợ sinh con; tăng mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Khi người lao động vẫn còn trong độ tuổi lao động mà nghỉ việc thì tạm thời chưa giải quyết bảo hiểm xã hội một lần mà thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện, được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu khi về già.
Bên cạnh đó, khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc thì với quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động vẫn được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới.
Điều 60 Luật BHXH đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động sau khi nghỉ hưu
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ: Quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nói chung và Điều 60 nói riêng được tiến hành đảm bảo đúng trình tự, quy trình quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của Chính phủ cũng đã nhận được sự đồng thuận từ phía các bộ, ngành, địa phương và của Hội đồng thẩm định dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); quá trình tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan liên quan của Quốc hội thẩm tra dự án luật này cũng không có ý kiến khác liên quan đến nội dung quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.
Như vậy, nội dung Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của hầu hết các nước trên thế giới.
Cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Điều 60 rất ưu việt và hoàn toàn đúng đắn, tiến bộ; việc sửa đổi cần được thảo luận, xem xét trên nhiều khía cạnh thực sự thấu đáo và phải được Quốc hội quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, quan điểm, mục tiêu ở Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là hoàn toàn đúng đắn và tiến bộ., việc phản ứng của công nhân vừa qua chỉ là từ một doanh nghiệp ở phía Nam, chưa thể là tiếng nói đại diện cho công nhân cả nước. Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Điều 60 có thể chưa phù hợp với thực tế cuộc sống hiện tại, nhưng lại phù hợp với chiến lược lâu dài, bởi luật đảm bảo chế độ an sinh xã hội đa tầng, để người lao động không bị “rơi xuống đáy xã hội”, sống dưới mức tối thiểu, đồng thời hướng tới chiến lược đúng đắn là 50% người lao động tham gia bảo hiểm vào năm 2020.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế, do đó cân nhắc thận trọng và đưa ra Quốc hội thảo luận kỹ về vấn đề này trước khi quyết định sửa hay không.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng của Chính phủ cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích cho người lao động hiểu về vấn đề này.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: "Cần tiếp tục tuyên truyền để người lao động hiểu"
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, làm luật, bổ sung, sửa đổi luật là trách nhiệm của Quốc hội, tuy nhiên phải có căn cứ, nguyên tắc. Để công nhân phản ứng, theo Chủ tịch Quốc hội, đó là do công tác phổ biến, tuyên truyền thực hiện luật chưa tốt cho nên khi đụng chạm tới lợi ích trước mắt thì người lao động sẽ phản ứng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị từ nay tới ngày 1/1/2016, khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành, cần tổ chức tốt việc thực hiện, tuyên truyền vận động người lao động, nếu không vận động được thì đến kỳ họp Quốc hội cuối năm sẽ xem xét việc sửa đổi. “Nếu các đồng chí nói còn thiếu sót, xem xét chưa thận trọng, quy định chưa chuẩn, thì chúng ta phải nhận khuyết điểm và sửa ngay. Nhưng Công đoàn, Chính phủ đều nói Điều 60 đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Hai trụ cột của an sinh xã hội là BHYT, BHXH bảo đảm lợi ích cho người lao động đến tuổi già được lương hưu. Vậy tại sao chưa thực hiện đã sửa? Tôi đề nghị từ nay đến trước khi Quốc hội họp kỳ cuối năm, nếu các đồng chí thấy tuyên truyền, vận động không được và xem có nguyên nhân gì khác thì phải khắc phục”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.