THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:04

Mẹ Việt Nam Anh Hùng mãi mãi một tình yêu con bao la

Mẹ ơi ! Con muốn dệt những vần thơ về mẹ

Để đọc lên cho nước mắt trào rơi

Vì có gì đẹp nhất trên đời

Thiêng liêng nhất phải là tình mẹ.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Khâm (Nguyễn Thị Bình).

Đất nước đã hòa bình, độc lập và đang trong thời kỳ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Để có được điều đó, không thể không nhắc đến thế hệ cha anh đi trước đã đổ biết bao xương máu ở chiến trường; sự hy sinh to lớn và thầm lặng của các Mẹ Việt Nam anh hùng để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay.

Trong số đó mẹ Nguyễn Thị Khâm ( trong chiến trang chống Mỹ mẹ lấy tên là Nguyễn Thị Bình), hình ảnh người phụ nữ vùng đất đỏ, cái nôi của những người con yêu nước.

Nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà mẹ treo rất nhiều ảnh Bác Hồ.

 PV Báo Dân Sinh, có dịp đến thăm mẹ vào một buổi trưa giữa tháng 7. Nhìn mẹ, người đã 89 tuổi đời, tóc bạc trắng màu khói sương, đôi mắt mờ hơn, bước đi cũng đã khó khăn rất nhiều, một mình trong căn nhà tình nghĩa, mẹ vẫn làm những công việc nhà có thể. Với đức tính cần cù, nhẫn nại, gần gủi, thân thương đến lạ.

 Cả cuộc đời mẹ sống thanh bạch, hết lòng vì nước, vì dân, sẵn sàng hiến dâng tất cả những gì quí giá nhất . Khi Tổ quốc cần mẹ đứng lên không tiếc cả tuổi xuân. Mẹ không ngần ngại tiễn đưa chồng và đứa con duy nhất Liệt sĩ Trần Thanh Hải của mình ra chiến trường, cũng giống như bao người mẹ Việt Nam anh hùng khác cũng hiến dâng những đứa con kiên dũng, đánh đổi máu xương cho độc lập dân tộc.

Bằng khen, huân huy trương được Đảng và Nhà nước trao tặng mẹ.

Mẹ là tấm gương sáng cho con cháu về sự hy sinh cao cả, không xá gian lao, không đòi hỏi lợi ích riêng cho bản thân. Mẹ đã góp phần cho quá trình đấu tranh và phát triển của mảnh đất vùng ven ngoại thành này, để có một Thủ Đức hôm nay, cùng Thành phố vững bước hướng tới tương lai.

Chiến tranh là thế, cả xóm làng điêu tàn, người thân phải ly tán. Mẹ Nguyễn Thị Khâm sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng vùng Đất đỏ, gia đình chỉ có 02 anh em, khi còn nhỏ thấy nhà nhiều khách lạ tới ở trong buồng cũng không biết họ là ai, chỉ nghe ba nói là người quen trên Sài Gòn xuống chơi nhưng không được nói với ai. Bố mẹ và người anh nay cũng không còn, ”Mẹ chỉ được một người con duy nhất thôi, nhưng ba “nó” đi chiến trường, mẹ thì tham gia hoạt động giao liên, nên từ nhỏ đã phải gửi  ông bà ngoại chở che. Lâu lắm  mới có dịp gặp mặt nhau trong một hai ngày. Thế rồi anh cũng sớm giác ngộ với cách mạng, 18 tuổi được phân công bảo vệ mục tiêu tại Huyện ủy Thủ Đức, trong quyết tử anh đã bị hy sinh cùng với ba trong 01 trận càn ác liệt”. Nghe mẹ kể mà lòng tôi đau nhói.

Rồi thời gian trôi qua, lớn lên nhận thức được, hiểu biết về cách mạng, mẹ và anh trai tham gia các hoạt động tại địa phương. Năm 18 tuổi mẹ trốn gia đình tham gia cách mạng tại Xuyên Mộc Đồng Nai, rồi lập gia đình, sau khi lập gia đình, cả hai người đều tham gia kháng chiến, lâu lắm mới có dịp gặp nhau một lần.

Năm 1968 mẹ  bị địch bắt giam, tra tấn tại Trung tâm cải huấn Thủ Đức - Ảnh: minh hoạ.

Mẹ nhớ lại, năm 1965 được cấp trên phân khu về Thủ Đức làm công tác giao liên, khi làm nhiệm vụ 1968 bị địch bắt giam tại Trung tâm cải huấn Thủ Đức nay là trường Cao Đẳng Bộ Công an.

Những vết thương đau nhói khi trái gió trở trời, vì sự tra tấn thảm khốc của kẻ thù, chúng dí điện, lấy kìm kẹp hai lỗ tai mẹ xoắn cho đến lúc tay chân co quắp ngã quỵ rồi ngất xĩu, nó lại tạt nước, tạt nước đến lúc tỉnh lại để tra tấn tiếp. Hay chúng dùng vôi bột rắc lên người rồi đổ nước sôi ùng ục....cho đến lúc xương, thịt trồi ra. Những ngón đòn roi tra tấn dã man nghe mà rùng rợn. Nhưng mẹ vẫn kiên quyết một lòng không khai, không nhận là giao liên.

Trại giam năm xưa giờ là trường cao đẳng cảnh sát nhân dân II.

Kể sao hết những việc mẹ làm anh dũng, mà kiên trung, không sợ kẻ thù, không sợ hy sinh, ngày đêm mẹ đã kịp chuyển những tài liệu mật cho cơ sở cộng sản.

Đau đớn là vậy, may mắn thay một năm trong trại khi ra tòa kêu án, mẹ  được trả tự do. Mẹ tiếp tục trở về hoạt động cách mạng sauthời gian trị thương.

Hoạt động trong lòng địch, mẹ luôn giữ khí tiết, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao phó, tuyên truyền chị em đứng lên đấu tranh, giành lại độc lập, tự do cho hòa bình. 

Cánh tay bị gẫy sau những màn tra tấn dã man của địch.

Những năm sau chiến tranh, mẹ lại tham gia các hoạt động của quận, tham gia các phong trào của hội phụ nữ, là đảng viên xuất sắc nhiều năm tại đảng bộ phường Trường Thọ - quận Thủ Đức cho đến ngày nghỉ hưu.

Mẹ quyết định ở lại mảnh đất Thủ Đức một mình, không người thân, nơi quê hương thứ 2 của mẹ, nơi gắn với biết bao kỷ niệm. Điều mà mẹ không muốn rời xa nơi này chính là được gần mộ Liệt sĩ Trần Thanh Hải đang được an táng tại Nghĩa trang Thành phố, để lâu lâu sức khoẻ cho phép mẹ lại lên thăm mộ.

Hiện mẹ cư ngụ một mình tại ngôi nhà tình nghĩa số 159/1 Đặng Văn Bi,Khu phồ 5, Phường Trường Thọ, Quận Thủ Đức.

Năm 2003 được Nhà nước phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng trong niềm vinh dự mừng vui. Đất nước đã giải phóng nhưng lòng mẹ vẫn quặn đau khi không còn người thân bên cạnh.

Đến thăm mẹ, nghe mẹ nói chuyện mà buồn: “Ngày không sao vì có đoàn thể, bà con lối xóm thỉnh thoảng lui tới, khi đêm đến là lúc mà mẹ thấy cô quạnh vô cùng, mặc dù được các ban, ngành, đoàn thể, hàng xóm quan tâm chăm sóc thường xuyên như là người thân vậy đó, nhưng còn gì đau hơn khi mất mát những người ruột thịt hở con”. Nói đến đây đôi mắt mẹ trùng xuống, ngân ngấn, lấy tay mẹ gạt đi những giọt lệ đang lặng lẽ lăn dài trên má.

Tủ đựng huân huy chương được mẹ sắp xếp gọn gàng.

Năm 2008, mẹ được Thủ tướng Chính phủ trao tặng kỷ niệm chương Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù, đầy. Mẹ là tấm gương sáng, nêu cao tinh thần kiên trung bất khuất, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Cuộc đời mẹ là vậy đó, thật hãnh diện và cao quí biết nhường nào. Mẹ là tấm gương sáng ngời, đi vào lịch sử như những lời ru chan chứa tình người, mẹ là niềm tin, bóng mát là nhựa sống truyền lộc biếc cho thế hệ muôn đời.

Ngày 19 tháng 5 năm 2014, Mẹ vinh dự được nhà nước trao tặng huy hiệu 65 năm tuổi đảng. Mẹ được kết nạp vào hàng ngũ đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 12.9.1949.

Tháng 11.2018 mẹ vinh dự được nhà nước trao tặng huy hiệu 70 năm tuổi đảng

 “Tuổi trẻ hôm nay, các đoàn thể, ban, ngành quận Thủ Đức luôn bên Mẹ, quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ”. Đại diện Hội chữ thập đỏ quận cho chia sẻ.

Mẹ cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng, cho đất nước. Mẹ hy sinh cả người chồng, người con duy nhất để đem lại hoà bình cho dân tộc. Sự hy sinh của mẹ cũng như những người Mẹ Việt Nam khác. Trên đất nước này còn biết bao người mẹ giống như mẹ Khâm. Các mẹ hy sinh tất cả chỉ để mong đất nước được giải phóng, đem lại bình yên hạnh phúc cho bao thế hệ mai sau. Nhưng giờ đây, khi chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, khi tuổi xế chiều, mắt đã mờ, chân đã chậm, các mẹ nhớ về những người thân yêu mà lòng quạnh đau.

 


HẢI LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh