THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:07

31.000 tỷ đồng/năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

Toàn cảnh hội nghị.

 

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị góp ý dự án Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng sửa đổi do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.

 

10.726 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho  gia đình NCC

Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 9 thông qua ngày 29/8/1994 và đã qua 5 lần bổ sung, sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012.

Trong những năm qua, việc thực hiện Pháp lệnh tiếp tục được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, thể hiện sâu sắc đạo lý và truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu NCC và số NCC đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng gần 1,4 triệu người.

Tổng kinh phí thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng hàng năm khoảng 31.000 tỷ đồng (bao gồm trợ cấp 1 lần, trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế, công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa...).

Giai đoạn 2012 - 2018, cả nước đã chi 10.726 tỷ đồng để hỗ trợ cho 85.412gia đình NCC làm mới 44.652 căn nhà và sửa chữa 40.760 căn nhà tình nghĩa; tặng 63.523 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền gần 290 tỷ đồng. Những kết quả trên đã góp phần tích cực động viên NCC, thân nhân NCC ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Pháp lệnh, bên cạnh kết quả đạt được, còn có những khó khăn, vướng mắc như về tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét, công nhận NCC với cách mạng; về chế độ ưu đãi NCC với cách mạng; về thủ tục xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; việc giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận NCC đang tồn đọng; việc trục lợi chính sách đối với NCC; những vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành chế độ chính sách đối với NCC…

Vì thế, Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng sửa đổi nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về NCC; bổ sung, chỉnh sửa và xây dựng cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, công bằng và hợp lý cho NCC; từng bước tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh.

Việc sửa đổi lần này nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về NCC; bổ sung, chỉnh sửa và xây dựng cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, công bằng và hợp lý cho NCC. Từng bước tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh.

 

Chăm sóc các thương, bệnh binh.

 

Cần có chế tài xử nghiêm những gian dối, trục lợi chính sách

Theo Ban soạn thảo, Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi gồm 7 chương, 59 điều, tăng 2 chương, 11 điều so với Pháp lệnh hiện hành. Dự thảo Pháp lệnh tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung cơ bản như: Quy định rõ hơn về đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi, cụ thể; đối tượng liên quan đến nhiễm chất độc hóa học theo hướng quy định người hoạt động kháng chiến mắc bệnh có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi; quy định rõ đối tượng người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày. Dự thảo Pháp lệnh cũng sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về điều kiện, tiêu chuẩn đối với 11 đối tượng NCC.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, dự thảo Pháp lệnh sửa đổi phải để NCC thấy được niềm vinh dự, tự hào; các ban, ngành, đoàn thể thấy được sự hy sinh, cống hiến của người có công. Dự thảo cũng phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý đối tượng và thực hiện các chính sách ưu đãi; làm rõ trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức xã hội trong tuyên truyền chính sách, giám sát chính sách xã hội để các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền thấy được tính thiết thực, tính hữu ích của dự thảo.

Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam Nguyễn Văn Thuận đề nghị cần có chính sách đối với những cựu chiến binh đi tìm hài cốt liệt sĩ. “Nhiều người lặn lội, tâm huyết đi tìm hài cốt liệt sĩ, nhưng họ mang tiền gia đình đi làm, Nhà nước nên có chính sách đối với người có thành tích tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ”, ông Thuận đề xuất.

Góp ý cho dự thảo Pháp lệnh, tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Pháp lệnh cần quy định rõ những chế tài xử nghiêm những gian dối, trục lợi trong thực hiện chính sách NCC, điều đó làm tổn thương NCC, làm giảm sút niềm tin trong xã hội”.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và các chế độ cho NCC, thân nhân của NCC; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách ưu đãi NCC; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC; huy động nguồn lực xã hội thực hiện các hoạt động đầu tư và chăm sóc NCC với cách mạng.

“Các ý kiến tham gia góp ý của các  đại biểu sẽ được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng hợp và xây dựng thành văn bản để kiến nghị trực tiếp đến cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Pháp lệnh sửa đổi, đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng tại các kỳ họp Quốc hội và các phiên họp thường kỳ của Chính phủ trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nói.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh