Luật sư hỏi điều tra viên nói bị cáo Trịnh Xuân Thanh 'không thành khẩn' có bằng chứng gì?
- Pháp luật
- 02:58 - 11/01/2018
Chiều nay (10/1), các luật sư vẫn tham gia xét hỏi tại phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm
Luật sư Nguyễn Văn Quynh bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng kết luận điều tra ông Trịnh Xuân Thanh "không thành khẩn khai báo" ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ, luật sư của bị cáo này yêu cầu triệu tập điều tra viên đến tòa.
Tường thuật về nội dung này, báo Vnexpress cho biết, để làm rõ vì sao trong Kết luận điều tra kiến nghị áp dụng mức phạt nghiêm khắc với bị cáo Trịnh Xuân Thanh do "quá trình điều tra khai báo không thành khẩn, bỏ trốn gây khó khăn, cản trở", HĐXX mời điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) tới tòa.
Yêu cầu triệu tập của luật sư là căn cứ kết luận điều tra kết luận rằng bị cáoTrịnh Xuân Thanh không thành khẩn khai báo. Luật sư cho rằng điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ nên yêu cầu thẩm vấn điều tra viên tham gia điều tra vụ án tại tòa.
Cụ thể theo tường thuật của báo Pháp luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Văn Quynh hỏi điều tra viên "Cáo trạng quy buộc về hành vi khai báo không thành khẩn. Tôi là người đang bào chữa cho bị cáo, muốn hỏi điều tra viên có bằng chứng gì để cho rằng bị cáo Thanh quanh co, không thành khẩn?”.
Theo báo Tuổi trẻ TP. HCM, trả lời luật sư, điều tra viên khẳng định, trong quá trình điều tra vụ án, điều tra viên thượng tôn pháp luật, đảm bảo mọi quyền lợi của bị can. Bị can được đọc lại những biên bản lời khai của mình.
Báo Tuổi trẻ TP. HCM cũng thông tin, trước đó, trong phần thẩm vấn liên quan đến hành vi cố ý làm trái, luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã thẩm vấn nhiều nhân chứng và bị cáo trong phiên tòa để làm rõ điều này.
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa ngày 10.1 - Ảnh: TTXVN
Cụ thể, luật sư đã hỏi bị cáo Đinh La Thăng về quan hệ pháp lý của doanh nghiệp giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC): Là công ty mẹ - con vậy nên PVN có những ưu ái trái pháp luật, trái quy định và gây thiệt hại cho xã hội?
Trả lời câu hỏi này, bị cáo Đinh La Thăng khai rằng, việc triển khai các quy định của Đảng, chỉ thị của Bộ Chính trị về việc phát huy nội lực, PVN đã xin được chủ trương để đẩy mạnh phát triển đa ngành. PVN phải lo cho các con, các con béo khỏe thì tập đoàn lớn mạnh chứ không ưu tiên riêng cho bất kể thành viên nào. Bị cáo Thăng cũng khẳng định "tôn trọng kết luận điều tra và cáo trạng trên tinh thần các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng có những thứ bản chất vụ việc không hoàn toàn như vậy" - Báo Tuổi trẻ TP HCM thuật lại.
Diễn biến phiên tòa cho thấy, lời khai của các bị cáo có nhiều mâu thuẫn, một số bị cáo cho rằng không biết hợp đồng 33 sai, nhưng cũng có những bị cáo, nhân chứng khẳng định các bị cáo (nguyên là lãnh đạo PVN) biết rất rõ hợp đồng này sai vì đã được báo cáo đầy đủ.
Trong phần trả lời thẩm vấn của các luật sư về lời khai của các bị cáo khác gây bất lợi cho mình, bị can Đinh La Thăng cũng nói tôn trọng các bị cáo. Cụ thể, có đến 2 bị cáo khai rằng ông Đinh La Thăng biết rõ về hợp đồng số 33 còn sai phạm nhưng vẫn đốc thúc các bên ký kết hợp đồng và chuyển tiền tạm ứng cho tổng thầu PVC. Bị cáo Thăng khẳng định thực tế là không biết hợp đồng ấy, nhưng tôn trọng lời khai của các bị cáo vì đó là quyền khai báo của họ, "còn sự thật thì sẽ được HĐXX làm rõ" - Báo Tuổi trẻ TP. HCM thông tin.