CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:12

Thuộc cấp "đổ" hết trách nhiệm cho ông Đinh La Thăng

Chiều 8/1, khác với các phiên xét xử đại án, mở đầu phần thẩm vấn vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), HĐXX không xét hỏi các bị cáo có vai trò chính trước. Trong lúc này, hai bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh bị áp giải rời phòng xử sang khu vực cách ly. Suốt buổi chiều làm việc, hai ông không được đưa trở lại.

Tại phòng xử, HĐXX hỏi các bị cáo còn lại về hành vi của hai ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh trong việc chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33 thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trái quy định; sai phạm trong việc PVN cho PVC tạm ứng hơn 6,6 triệu USD cùng 1.300 tỷ đồng dẫn đến số tiền này bị sử dụng sai mục đích.

Cả chục bị cáo liên quan việc này có nhiều câu trả lời trái ngược khiến HĐXX phải cho đối chất. Trong hai cuộc đối chất, thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi ít nhất 10 lần câu hỏi: “Vì sao bị cáo biết sai mà vẫn ký duyệt tạm ứng?” cùng nhiều câu hỏi dồn dập đi thẳng vào bản chất khiến nhiều bị cáo lúng túng.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN trả lời Hội đồng xét xử . Ảnh: TTXVN

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó TGĐ PVN cho biết, bị cáo được Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực phân công thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, việc phê duyệt đấu thầu cũng như lựa chọn nhà thầu để đàm phán và ký kết là việc của HĐTV.

“Anh Đinh La Thăng ký Nghị quyết lựa chọn nhà thầu, bị cáo chỉ đôn đốc tiến độ việc ký kết với nhà thầu”, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh nói.

Bị cáo Khánh cũng thừa nhận Hợp đồng EPC số 33 sau này kiểm tra lại mới thấy thiếu các căn cứ, chưa được HĐTV PV Power phê duyệt, nội dung HĐ rất nghèo nàn, không có điều khoản chi tiết về kỹ thuật, thương mại, và những điều khoản liên quan đến thanh toán, tạm ứng. Do đó không có cơ sở để có thể tạm ứng được cho PVC. Tuy nhiên trên thực tế PVN đã tạm ứng cho PVC số tiền hơn 6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.

Ông Đinh La Thăng là người chỉ đạo thành lập ban quản lý dự án và yêu cầu rà soát lại nội dung HĐ để ký HĐ 4941 để điều chỉnh lại HĐ số 33. Sau khi rà soát, vai trò chủ đầu tư dự án này được chuyển giao cho PVN thay vì PV Power như trước đây.

“Việc rà soát lại HĐ số 33 để chuyển chủ đầu tư từ PV Power về PVN do ông Đinh La Thăng chủ trì, trong đó có yêu cầu rà soát và ký lại HĐ. Đến 30/5/2011 khi PV Power ký biên bản bàn giao, đã xác định HĐ thiếu những thủ tục pháp lý và nội dung cơ bản.”, bị cáo Khánh thừa nhận.

Tuy nhiên, ngay cả HĐ số 4941 cũng không được bổ sung những điều khoản còn thiếu trước đó. Bị cáo Khánh cho biết việc để xảy ra HĐ số 33 là do cấp dưới làm liều, trách  nhiệm của bị cáo là không kiểm tra, giám sát. Còn đối với HĐ số 4194 về nguyên tắc không có gì thay đổi ngoại trừ chủ thể chủ đầu tư.

“Anh Đinh La Thăng và TGĐ Phùng Đình Thực có văn bản ủy quyền cho bị cáo ký HĐ 4194”, cựu Phó TGĐ PVN cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: TTXVN.

Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó TGĐ PVN, trong cuộc họp giao ban ngày 1/6 ngay tại công trường, ông Đinh La Thăng đề nghị tạm ứng cho nhà thầu 10% giá trị HĐ.

“Quá trình chuẩn bị ký kết HĐ chuyển giao về Tập đoàn, bị cáo hoàn toàn không được tham gia. Sau khi đã chuyển về PVN, Chủ tịch (Đinh La Thăng) yêu cầu dự án này là dự án trọng điểm Quốc gia, được thực hiện cơ chế đặc thù nên cần đẩy nhanh tiến độ dự án, tạm ứng cho nhà thầu đủ số tiền theo HĐ đã ký”, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nói.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết, tại thời điểm đó không nhận thức được rằng HĐ số 33 không đủ điều kiện thực hiện. Sau này khi làm việc với cơ quan điều tra và VKS bị cáo mới nghĩ rằng HĐ này vi phạm quy định của pháp luật, và mình đã có những sai sót.

“Bị cáo thấy rằng mình có trách nhiệm quản lý tài chính của tập đoàn, còn trách nhiệm kiểm tra giám sát nhà thầu sử dụng tiền có đúng mục đích hay không là trách nhiệm của Trưởng ban quản lý dự án.”

Nói về vai trò của ông Đinh La Thăng, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết: “Người đứng đầu có yếu tố quyết định. Ở DN người đứng đầu đã quyết là làm.”

Trả lời HĐXX, bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng BQL Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 khẳng định đích thân bị cáo đã ký 03 văn bản gửi HĐTV và Ban TGĐ PVN để phản ánh năng lực thực hiện yếu kém của PVC cũng như kiến nghị lãnh đạo PVN xem xét cho ý kiến vì HĐ số 33 là trái với quy định của pháp luật.

“Bị cáo đã cảnh báo với lãnh đạo tập đoàn bằng 3 văn bản rằng HĐ số 33 có vấn đề và không đủ điều kiện thực hiện, đề nghị tập đoàn có ý kiến về việc này, nhưng tập đoàn vẫn không có ý kiến gì. Ngoài ra, bị cáo đã báo cáo trực tiếp cho TGĐ Phùng Đình Thực,” bị cáo Vũ Hồng Chương nói.

Trước lời khai của Chương, Thẩm phán Trương Việt Toàn đặt câu hỏi vì sao khi biết HĐ số 33 là sai nguyên tắc nhưng bị cáo vẫn ký chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Vũ Hồng Chương cho biết:

“Bị cáo bị ép bởi lãnh đạo tập đoàn. Tôi đã làm hết tất cả mọi trách nhiệm nhưng vẫn không cản được anh Đinh La Thăng và TGĐ lúc nào cũng giục phải giải quyết nhanh. Tôi lại là cấp dưới phải nghe lệnh cấp trên, trong quy chế tập đoàn tôi phải thực hiện công việc do TGĐ phân công.”

Bị cáo Phùng Đình Thực, cựu TGĐ PVN phủ nhận việc được bị cáo Chương phản ảnh trực tiếp về tính pháp lý của HĐ số 33. Đồng thời đẩy trách nhiệm cho cấp dưới khi khẳng định chính bị cáo đã giao trách nhiệm giám sát Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cho phó TGĐ phụ trách, nên các văn bản của bị cáo Chương đã được gửi thẳng đến các Phó TGĐ.

GIANG ĐÔNG (lược theo vnexpress.net, infonet.vn)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh