THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:59

Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công: Nén tâm nhang của thế hệ sau với các anh hùng liệt sĩ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu bấm nút khai trương Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh VGP


Kính thưa anh linh các hương hồn liệt sĩ;

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Hà Nội;

Kính thưa thân nhân các liệt sĩ!


Vào giờ này, trên hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ và đền thờ các anh hùng liệt sĩ đã tỏa sáng, những ngọn nến lung linh, những nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc đã được thắp lên trên phần mộ hàng vạn các liệt sĩ để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc lão thành cách mạng, các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 71 năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã không ngừng quan tâm, chăm lo, thực hiện đền ơn đáp nghĩa đối với người có công và gia đình có công với cách mạng. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện. Đối tượng người có công ngày một mở rộng. Đến nay chúng ta đã xác nhận trên 9 triệu người lượt người có công. Chế độ ưu đãi được bổ sung, hoàn thiện để cuộc sống thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. 

Tuy vậy, chúng ta chưa thể yên lòng khi một bộ phận người có công chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, mặc dù các cơ quan chức năng đã hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và người làm chứng không còn,

Nhưng chúng ta vẫn chưa thật sự mang lại kết quả như mong muốn, nguyện vọng của nhiều người có công và thân nhân chưa được đáp ứng. Nhiều trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình và người thân vẫn thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh liệt sĩ. Nhiều người bị thương nhưng chưa được xác nhận là thương binh và hưởng chính sách như thương binh. Đây là một điều trăn trở và day dứt của chúng ta, đặc biệt là những người làm công tác lao động thương binh và xã hội.

Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước”, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và nhất là các địa phương tập trung rà soát, xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh ở cấp tỉnh trên cả nước. Qua hơn 1 năm triển khai chúng ta đã xem xét khoảng gần 6.000 hồ sơ tồn đọng trong đó đã xác nhận 1.792 liệt sĩ, hơn 2.000 thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý cho nhân dân. Riêng trong dịp kỷ niệm 27/7/2018 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 442 liệt sĩ. Việc xác nhận liệt sĩ, thương binh đã được tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch và đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Để có được kết quả như trên, là sự cố gắng, tập trung rất lớn của toàn thể các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là được sự hưởng ứng tham gia ủng hộ của nhân dân, các chứng nhân lịch sử, các đồng chí lão thành cách mạng, những người đồng chí, đồng đội của người có công với cách mạng đã hết sức nỗ lực trong việc tìm kiếm, chắt lọc chứng cứ chứng minh. Có trường hợp để được công nhận là liệt sĩ chúng ta đã phải tìm tòi, xác minh chứng cứ tại 3 Quân khu và 4 tỉnh liên quan để từ đó xem xét, xác nhận đối tượng người có công với cách mạng. Những trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đều đạt sự nhất trí của toàn thể nhân dân ở các địa phương nơi suy tôn. Các đại biểu tham dự trong tất cả các cuộc họp và được công bố công khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Đến nay 1.792 liệt sĩ, 2.500 trường hợp thương binh được công nhận không có bất kỳ ý kiến nào khiếu nại, thắc mắc.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các thân nhân liệt sĩ!

Trong số 442 liệt sĩ được công nhận hôm nay, chúng ta rất cảm động và day dứt bởi có đến 63 liệt sĩ hy sinh từ thời kỳ chống Pháp, 15 liệt sĩ có tuổi đời đến nay đã hơn 100 tuổi (trong đó, người cao tuổi nhất là 126 tuổi); có cụ hy sinh nằm trong nghĩa trang liệt sĩ đến nay đã 85 năm nay mới được công nhận liệt sĩ. Như cụ Nguyễn Văn Am (Ký Ẩm), sinh năm 1892, là chiến sĩ đấu tranh giải phóng dân tộc xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, cụ tham gia khởi nghĩa chính quyền tại huyện Vĩnh Bảo, bị giặc Pháp bắt tù đày ra Côn Đảo và hy sinh tại nhà tù Côn Đảo năm 1936; cụ Trần Đức Vẻ (hay còn gọi là Trần Đức Ve), sinh năm 1889, là Trung đội phó du kích xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, hy sinh trong khi chống càn giặc Pháp, năm 1947; cụ Phương Sủng, sinh năm 1926 là Trưởng công an xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, hy sinh khi làm nhiệm vụ bị giặc Pháp bắt, tra tấn không đầu hàng, không khai báo bị bắn chết năm 1947,... và còn rất nhiều những trường hợp cảm động khác.

Kết quả hôm nay chính là hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của chúng tôi - những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, kính mong anh linh các liệt sĩ nhận của chúng tôi một sự tri ân sâu sắc.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các thân nhân liệt sĩ!

Trong những năm qua, bên cạnh công tác xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; báo tin về phần mộ liệt sĩ tới thân nhân liệt sĩ cũng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện. Với ý nhĩa nhằm tạo thuận lợi cho thân nhân liệt sĩ tra cứu thông tin, hình ảnh về phần mộ của liệt sĩ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tri ân các anh hùng liệt sĩ và chăm lo tốt hơn đời sống tinh thần của thân nhân liệt sĩ. 

Bằng những nỗ lực rất lớn và trách nhiệm, tâm huyết, sự quyết tâm cao độ, việc tiến hành này được triển khai trong hơn 3 tháng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện đã không quản ngày đêm, dành hầu hết những ngày nghỉ để triển khai các công việc, nhất là việc chụp ảnh, hoàn thiện hồ sơ, số hóa hơn 1 triệu mộ ở trên 3.077 nghĩa trang liệt sĩ tại 63 tỉnh, thành phố. Giờ phút này, cổng thông tin đã hoàn thiện để kịp thời khai trương vào dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ năm 2018.

Chúng tôi mong rằng, cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ sẽ thực sự đi sâu vào đời sống và trở thành kênh thông tin hữu ích phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng và nhân dân, sẽ là một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và thân nhân liệt sĩ.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đền ơn đáp nghĩa, công tác chăm sóc người có công với cách mạng thời gian tới sẽ tiếp tục được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, tham gia tích cực để người có công với cách mạng có cuộc sống đầy đủ hơn, tốt đẹp hơn.

Xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu và toàn thể nhân dân!

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh