Thủ tướng dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ
- Người có công
- 06:07 - 27/07/2018
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hoa kính viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Sơn Tây. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cùng tham dự lễ dâng hương với Thủ tướng có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, thành phố Hà Nội...
Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã có hàng triệu các anh hùng liệt sĩ ngã xuống, máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng của dân tộc. Trong suốt 71 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng, vì vậy, việc quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là đạo lý truyền thống của dân tộc, là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta đối với các thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thắp hương cho các liệt sĩ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân gia đình các liệt sĩ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Vào thời điểm này, ở hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước, các đoàn viên thanh niên và nhân dân cũng đang thắp lên những ngọn nến trên trên hàng vạn phần mộ của các liệt sĩ. Những ánh sáng ấy chính là biểu tượng của ngọn lửa tri ân, thể hiện sự biết ơn đối với sự hy sinh vô bờ bến của các anh hùng, liệt sĩ…
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên là nơi an nghỉ của hơn 1.750 liệt sĩ, trong đó có trên 260 phần mộ liệt sĩ chưa biết tên - các anh đến từ 33 tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước. Họ là những chàng trai vừa đôi mươi, mười tám đã anh dũng hy sinh trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tổ quốc.
Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Quảng Trị là nơi yên nghỉ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk là nơi yên nghỉ của hơn 2.000 anh linh liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến và liệt sĩ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong thời kỳ chiến tranh tại Campuchia.
Nghĩa trang liệt sĩ ngành Thông tin và Giao bưu R tại tỉnh Tây Ninh có gần 300 liệt sĩ trong số gần 1 vạn cán bộ ngành Giao bưu - Thông tin đã hy sinh anh dũng vì sự độc lập tự do của Tổ quốc.
Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh quy tập hơn 14 nghìn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc trong đó có nhiều mộ phần của các anh hùng liệt sĩ.