CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:00

Cựu vô địch bơi lội Ganefo 1966 Vũ Thị Sen: “Kỷ niệm gặp Bác theo tôi suốt cuộc đời”

 

Vũ Thị Sen và các vận động viên vui sướng được chụp ảnh với Bác Hồ.


Bất ngờ được gặp Bác

Những ngày này, cái tên Ánh Viên được nhắc tới nhiều khi vận động viên (VĐV) trẻ quê Cần Thơ tiếp tục trở thành tâm điểm ở sân chơi SEA Games. Nhưng ít ai biết rằng, trong khi các VĐV Việt Nam mới chỉ toả sáng ở sân chơi khu vực, thì hơn 50 năm về trước, Việt Nam đã có VĐV giành HCV giải châu Á. Vũ Thị Sen trở thành người Việt Nam đầu tiên mang vinh quang về cho Tổ quốc, từ một giải đấu tầm châu lục như thế. Và, đến bây giờ bà Sen vẫn luôn trân trọng với những gì làm được. Đặc biệt, từ thành tích vang dội cách đây hơn 50 năm đã mang tới một may mắn “cả đời người mới có” với cựu vô địch Ganefo 1966 Vũ Thị Sen.

Bà Vũ Thị Sen quê ở Bình Hải, Nghĩa Phú, Nghĩa Hưng, Nam Định. Lớn lên trong một gia đình có 6 anh chị em, bà Sen áp út. Ham mê bơi lội từ bé nhưng phải đến khi có sự dẫn dắt của 2 HLV Tô Kim Đắc và Nguyễn Văn Lạng, cái tên Vũ Thị Sen mới được làng bơi Việt Nam biết đến. Năm 1961, bà Sen đoạt giải nhất bảng B giải bơi lội cấp huyện, giải nhất bảng B cấp tỉnh. Liên tiếp các năm 1962, 1963, 1964 bà đều đoạt vô địch giải bơi lội toàn miền Bắc (bảng B) và năm 1965 đoạt chức vô địch bơi lội toàn miền Bắc (bảng A). Sau đó, bà được tập trung vào đội tuyển và được cử tham dự Đại hội Thể thao châu Á - Ganefo 1966 và đã đoạt 1 HCV, 1HCB, phá kỷ lục châu Á. Thành tích vang dội đó không chỉ giúp Vũ Thị Sen ghi dấu ấn tại đấu trường châu lục, mà khi về nước, bà Sen đã có một kỷ niệm hạnh phúc nhất trong đời.

 

Bà Sen luôn trân trọng tấm hình được chụp chung với Bác.


Bà Sen kể: “Năm 1966, tôi (bơi) và Trần Oanh, Nguyễn Văn Hùng (bắn súng), Trần Hữu Chỉ (điền kinh) là 4 người giành HCV tại Ganefo 1966. Thực tình, khi về nước chúng tôi không biết là được gặp Bác. Khi đang sơ tán tại Sơn Tây (Hà Tây cũ), bỗng có một chiếc xe đến đón chúng tôi về Hà Nội và họ chỉ cho biết về báo cáo với lãnh đạo. Khi về đến Ủy ban TDTT (Tổng cục TDTT bây giờ), các thầy vẫn giữ bí mật và giao cho tôi nhiệm vụ đại diện cho 4 VĐV báo cáo thành tích. Xe chở chúng tôi tới Phủ Chủ tịch và chúng tôi ai nấy đều sung sướng và cảm thấy vinh dự khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra tiếp chuyện”.

Kể đến đây, giọng bà Sen như nghẹn lại, nước mắt trào ra. Lau nhanh những giọt nước mắt mà miệng vẫn cười đầy hạnh phúc, bà Sen kể tiếp: “Đến lúc đó vẫn không ai nghĩ sẽ được gặp Bác. Chỉ đến khi Bác bất ngờ xuất hiện rồi Bác ngồi cùng các VĐV phía dưới chứ không ngồi hàng ghế trên của các lãnh đạo. Quá bất ngờ và sung sướng, tất cả chúng tôi bật khóc và nghẹn lời chào Bác...”.

 

 

CĐV Việt Nam tại SEA Games.

 


Niềm hạnh phúc vô bờ

Không ai nghĩ rằng, dù Bác bận việc nước nhưng vẫn quan tâm đến thể dục thể thao, quan tâm đến các VĐV có thành tích hồi đó. Bà Sen nhớ từng động tác, lời nói của Bác. Bà xúc động kể: “Ngay khi xuất hiện, Bác chào lại chúng tôi bằng ánh mắt trìu mến và nói: Đánh giặc Mỹ gian khổ khó khăn như vậy, nhưng quân và dân ta quyết tâm đánh thắng. Các cháu phải quyết tâm đặt thành tích cao hơn nữa. Muốn vậy phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong tập luyện và thi đấu, phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng là những VĐV của dân tộc anh hùng”. Tất cả chúng tôi lau hết nước mắt rồi đồng thanh: “Dạ”.

Vũ Thị Sen may mắn được ngồi ngay cạnh Bác và được thay mặt anh chị em VĐV phát biểu báo cáo với Bác. Khi Bác hỏi: “Cháu nào có ý kiến gì không?”. Sen đứng lên thưa với Bác: “Cháu là Vũ Thị Sen. Quê cháu ở Nghĩa Phú, Nghĩa Hưng, Nam Định. Để có thành tích như hôm nay đó là nhờ ơn của Đảng và Nhà nước, thầy cô, bè bạn. Chúng cháu sẽ cố gắng hết mình trong tập luyện và thi đấu, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Xin hết ạ!”.

Tiếp lời, Bác căn dặn: “Thành tích của các cháu hôm nay là rất đáng mừng, song thắng không kiêu, bại không nản, các cháu phải cố gắng hơn nữa để đem thành tích về cho Tổ quốc”. Cả căn phòng vỗ tay không ngớt, rồi Bác trao tặng Huy chương Hồ Chí Minh cho các VĐV. Sau đó tất cả cùng Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh lưu niệm.

Kỷ niệm được bà Sen nhớ mãi trong lần gặp Bác năm đó chính là cái xoa đầu đầy trìu mến với từng VĐV của Bác. Bà Sen nhớ lại: “Chúng tôi đều được nghe kể về phong cách giản dị của Bác nhưng gặp rồi mới thấy Bác gần gũi như thế nào.

Trong lúc chụp ảnh, các thầy ở ngoài bảo tôi và mọi người vuốt tóc chụp cho đẹp, Bác tới gần xoa đầu từng đứa và dừng lại ở tôi, VĐV nữ duy nhất và cười nói: “Các cháu làm gì có tóc mà vuốt”. Quả thực, khi đó dù là VĐV nam hay nữ cũng phải để tóc ngắn, nhưng không ai nghĩ Bác lại trực tính và vui vẻ đến thế”.

Bà Sen luôn kể cho con cháu nghe về câu chuyện được gặp Bác Hồ hơn 50 năm về trước. Tấm ảnh chụp chung với Bác cũng được gia đình bà treo ở vị trí trang trọng nhất trong phòng khách.

 

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên tại SEA Games 29.


Mong bơi lội Việt Nam ra biển lớn

Dù đã nghỉ thi đấu và không công tác trong ngành thể thao, nhưng với bà Sen, bơi lội vẫn luôn mang tới nhiều cảm xúc đặc biệt.

Ở SEA Games 28 cách đây 2 năm, bà Sen đã tấm tắc khen VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục đại hội. Còn tại SEA Games này, Ánh Viên một lần nữa làm dậy sóng đường đua xanh ở sân chơi khu vực.

Bà Sen mong cho bơi lội Việt Nam có thêm thật nhiều Ánh Viên, và đặc biệt là những VĐV Việt Nam có trình độ, đẳng cấp với đối thủ châu lục, thế giới, để mang về những tấm huy chương quý hơn vàng.

“So với thời chúng tôi, bơi lội Việt Nam bây giờ phát triển chóng mặt. Thế nhưng phải thừa nhận, so với châu lục, bơi lội Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất lớn. Với cách phát hiện và đào tạo như hiện nay, chúng ta có quá ít những nhân tài như Ánh Viên. Tôi mong là từ thành công của VĐV, thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình đào tạo VĐV trọng điểm, không chỉ ở môn bơi, mà cả ở các môn khác nữa”, bà Vũ Thị Sen trăn trở.

 

Kình ngư Nguyễn Hữu Kim Sơn (15 tuổi) giành HCV, phá kỷ lục SEA Games nội dung 400m hỗn hợp nam, môn bơi lội.


QUANG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh