Không được tuyển dụng chỉ vì là dân “rau má”, “cá gỗ”
- Dược liệu
- 18:03 - 09/01/2015
Bài cuối: Tìm “thuốc” chữa “nan y”
Vì đâu nên nỗi?
Mới đây, hội thảo “Thực thi quyền của người lao động di cư miền Trung ở các KCN” của nhóm tác giả ĐH Khoa học - Đại học Huế được tổ chức tại Đồng Nai cho thấy, người lao động Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh vẫn bị phân biệt khi tuyển dụng.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả trên, người lao động di cư miền Trung làm việc tại các DN sản xuất giày dép có vốn FDI tại Bình Dương và Đồng Nai chiếm tỷ lệ lớn (lao động Thanh Hóa chiếm 37,7%, Nghệ An 22,6%, Hà Tĩnh 14,1%). Mặc dù chiếm số lượng lớn và là “lao động chính” ở các doanh nghiệp, nhưng qua khảo sát nhóm tác giả đã ghi nhận, sự kỳ thị đối với lao động trên là chuyện có thật, thậm chí là đáng báo động.
Theo nhóm tác giả, có thực tế đáng buồn trên là bởi một số nam công nhân ở 3 tỉnh trên thường đánh nhau, gây bất hòa trong các công ty, DN. Bởi thế, nhiều DN có xu hướng e ngại khi tiếp nhận lao động 3 tỉnh này, đặc biệt là lao động nam.
Theo PGS-TS. Trịnh Thị Định (Đại học Huế), thành viên nhóm khảo sát, sở dĩ các doanh nghiệp “chê” lao động 3 tỉnh này là bởi họ sợ tính bảo thủ, tình đồng hương thái quá, hay kéo bè kéo cánh để uy hiếp chủ sử dụng lao động, tạo những xung đột không đáng có. Từ những nghi ngại trên là “tiếng dữ đồn xa” và tạo thành làn sóng kỳ thị.
Không chỉ nặng tính đồng hương, hay tham gia những cuộc đình công, biểu tình tập thể, đẩy công ty, DN vào thế khó mà một số lao động Thanh - Nghệ -Tĩnh ý thức kỷ luật lao động chưa cao. Thậm chí, cậy bè cánh còn có nhiều hành vi chèn ép, bắt nạt lao động vùng miền khác.
Không những thế, thời gian gần đây, tại các khu công nghiệp này còn xuất hiện những băng ổ nhóm giang hồ mà “ông trùm” những băng ổ nhóm này chính là những công nhân xuất thân từ 3 tỉnh trên.
Để lấy thanh thế, những “ông trùm” này đã thâu nạp công nhân đồng hương tiến hành hoạt động bảo kê, trộm cắp thậm chí cưỡng đoạt tài sản ngay tại nơi mà trước đây mình từng làm việc, gắn bó.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu như cách đây vài năm, người dân 3 tỉnh công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh sợ “thương hiệu” “giang hồ đất Cảng Hải Phòng” bao nhiêu thì bây giờ nỗi sợ hãi ấy lại dành cho “giang hồ xứ Nghệ, xứ Thanh”. Bởi ông trùm những băng ổ nhóm khét tiếng nhất đây đều có quê quán ở Thanh - Nghệ - Tĩnh này và nhiều kẻ từng xuất thân từ công nhân.
Bà Lê Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tâm Việt Group: Không nên vơ đũa cả nắm! * Kỳ thị lao động vùng miền có phải là vấn đề tâm lý không, thưa bà? - Theo quan điểm cá nhân tôi, việc kỳ thị lao động là do nhiều nguyên nhân như: Định kiến, chụp mũ, nâng quan điểm, lập trình, bầy đàn lây và lan. Vì vậy khi các chủ DN đã gặp vấn đề này hoặc bạn bè họ gặp phải thì họ khó để thay đổi đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, lao động nhiều, việc làm thì ít nên các chủ DN có nhiều sự lựa chọn nhân sự. Lao động các tỉnh miền Trung nắng gió khắc nghiệt, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đều có tinh thần học hỏi cao, họ rất chăm chỉ, cần cù và sáng tạo. Ở góc độ tâm lý, họ nghĩ rằng với sức lao động bỏ ra, họ phải được đảm bảo đầy đủ quyền lợi. Có lẽ vì vậy nên khi quyền lợi bị ảnh hưởng, ngay lập tức họ không kiểm soát được cảm xúc và phản ứng tức thời. Hiện tượng các DN từ chối lao động ở các vùng này cũng khiến họ bị động chạm, tổn thương và ảnh hưởng tới tâm ý rất lớn. * Đây có phải là hiện tượng vơ đũa cả nắm không, thưa bà? -Đây là một thói quen của chúng ta, khi đánh giá một sự việc thì dựa vào những gì nghe thấy, nhìn thấy mà đánh giá cả con người, vì một số người chưa tốt mà đánh giá cả vùng miền của họ. Tôi nghĩ các chủ DN là người hiểu rất rõ việc sử dụng nhân tài, sử dụng tài năng. Khi tuyển dụng họ đưa ra tiêu chí, nhưng nếu cứ có định kiến vùng miền, kỳ thị lao động như hiện nay thì chắc chắn họ không sử dụng được nhân tài. Tôi cho rằng, bất kỳ doanh nghiệp nào, khi tuyển dụng lao động phải đào tạo lao động cùng với văn hóa của DN, để họ cùng đồng hành và gắn bó mật thiết với DN. Thực tế hiện nay đa số công ty, DN tuyển dụng nhân sự vào làm việc, chưa thực sự quan tâm đến đào tạo văn hóa nghề nghiệp mà làm việc ngay, hoặc có đào tạo thì là chuyên môn nghiệp vụ nên họ không hiểu và nắm bắt được văn hóa DN mỗi nơi. * Cảm ơn bà! Thanh Huyền (ghi) |
Thiếu văn hóa nghề
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguồn cơn dẫn đến sự kỳ thị là do lối sống, tư cách của lao động. Tuy nhiên, thực tế, việc đào tạo đạo đức, tư cách, tác phong cho lao động vẫn còn thiếu, chưa được chú trọng, quan tâm ở ngay các trường dạy nghề.
Và đây chính là nguyên nhân khiến nhiều lao động vi phạm kỷ luật, vô tổ chức gây ác cảm cho DN sử dụng lao động. Tới Trung tâm Dạy nghề huyện Diễn Châu (Nghệ An), chúng tôi bắt gặp những nữ thanh niên trong đồng phục xanh, đang cần mẫn bên từng cây kim, sợi chỉ, cây kéo với âm thanh rộn ràng của tiếng máy khâu trong phòng học may hay những chàng trai miệt mài với chiếc cờ-lê, kìm, búa... cạnh những chiếc máy công nghiệp, những chiếc giường tầng thành phẩm... trong xưởng sản xuất.
Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Nhã Sơn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Diễn Châu cho biết: “Học viên ở trung tâm đào tạo ra chủ yếu được giới thiệu vào làm tại các DN ở địa phương. Theo ông Sơn, làn sóng các DN ở Bình Dương và TP Hồ Chính Minh đang ngấm ngầm tẩy chay lao động Nghệ An là có thật và không còn là cá biệt, đồng thời đã kéo dài mấy năm nay và là trở ngại lớn cho người xứ Nghệ đi tìm việc”.
Theo ông Sơn, để xóa bỏ kỳ thị trên cần xây dựng lại “thương hiệu lao động xứ Nghệ” và quảng bá thương hiệu này. Đương nhiên, muốn có được hình ảnh tốt đẹp ấy thì cần phải thay đổi ngay từ khâu đào tạo. Theo đó, ngoài việc đào tạo chuyên môn, người lao động cũng phải được đào tạo về văn hóa, tác phong để thành một lao động chuyên nghiệp.
Thế nhưng, thực hiện cuộc “cách mạng” này cũng không phải đơn giản. “Chúng tôi cũng như các học viên đang bị ảnh hưởng bởi hai từ “cấp tốc”. Học một khoá nghề có khi chỉ 3 tháng, do vậy, tác phong làm việc, kiến thức về pháp luật và văn hoá ứng xử của lao động luôn có một lỗ hổng khá lớn”.Tại Trung tâm Dạy nghề huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) dễ dàng nhận thấy nhiều học viên tỏ ra chán nản với giờ học lý thuyết phải ghi ghi, chép chép.
Các học viên học nghề may tại Trung tâm Dạy nghề huyện Diễn Châu (Nghệ An).
Cứ đến giờ học lý thuyết nhiều học viên lại trốn học, trong khi giờ học nghề thực hành thì đi học đông đủ. Về chuyện này, ông Moong Thanh Nhã, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Kỳ Sơn, giải thích: “Hầu hết học sinh khi chọn con đường học nghề đều không thích học văn hóa.
Khi không thích học mà bị ép sẽ dễ dẫn đến tình trạng nghỉ học giữa chừng, ảnh hưởng đến hiệu suất đào tạo”. Khi tìm hiểu thực tế hoạt động dạy nghề hiện nay, Luật Dạy nghề cũng như những quy định khác liên quan đến dạy nghề không hề có môn học liên quan đến những tiêu chí được coi là văn hóa nghề.
Các cơ sở dạy nghề chú trọng việc dạy cho học viên kỹ năng, kỹ thuật. Học viên học xong một khóa, có thể làm được một công việc cụ thể, như vậy nhà trường đã xong nhiệm vụ. Trao đổi vấn đề này, tiến sĩ Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lilama 2 băn khoăn: “Không phải các trường nghề không chú trọng việc đào tạo văn hóa nghề mà chương trình khung trong đào tạo nghề chưa dành nhiều thời lượng dạy cho học viên tác phong, ý thức nghề nghiệp, tình yêu với nghề... nên dù rất muốn làm, các trường cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối chương trình đào tạo”.
Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Chỉ có nâng cao văn hóa cho lao động thì “chữa lành” được “căn bệnh” kỳ thị. Cần chú ý nhiều hơn đến đào tạo về ý thức lao động, về kỹ năng giao tiếp, xử lý các tình huống tranh chấp, xung đột... Tuy nhiên, thực tế thì đây là khâu còn yếu thậm chí là thiếu trong đào tạo nghề.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề và công tác xã hội Việt nam cho rằng: Hàng năm Việt Nam tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động.Tuy nhiên, hiện vẫn rất thiếu lao động có chất lượng, và một trong nguyên nhân tạo nên điều này là do người lao động chưa được trang bị đầy đủ về văn hoá nghề. Thiếu văn hoá nghề thể hiện đầu tiên ở khía cạnh người lao động thiếu tính chuyên nghiệp. Đã đến lúc chúng ta cần coi việc trang bị "văn hoá nghề" cho người lao động là chìa khoá để nâng cao chất lượng nhân lực Việt Nam. Có văn hoá nghề, người lao động mới không đứng trước nguy cơ mất thị trường lao động của chính mình, ngay trên đất nước mình. |