CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:15

Không được tuyển dụng chỉ vì là dân “rau má”, “cá gỗ”

Bài 1: Khổ sở vì dân “cá gỗ”

 “Sau  khi nộp hồ sơ xin việc và lọt qua 3 vòng phỏng vấn, giám đốc đã đồng ý nhận tôi vào làm ở phòng hành chính nhân sự với đúng chuyên môn là quản lý nhân sự. Sếp đang hẹn thứ 2 tuần tới có thể đến làm luôn thì một nhân viên từ ngoài đi vào: “Sếp tuyển em 38 à?” (biển số xe gắn máy của tỉnh Hà Tĩnh). Ngay sau câu hỏi lạ lùng đó, không khí trong phòng bỗng dưng chùng xuống. Mọi người lấm lét nhìn tôi từ đầu đến chân hệt như tôi là quái vật đến từ hành tinh khác”. 

Đây là tâm sự nhói lòng của Nguyễn Thị Thu Hiền, 30 tuổi, quê Hà Tĩnh, tốt nghiệp loại khá, Khoa Quản trị nhân lực (Đại học Lao động Xã hội) khi cô bức xúc nhớ lại hành trình xin việc của mình.

Nơi khác mời vào, “cá gỗ” mời về

Nói về hành trình “đi xin việc” của mình, Hiền bảo, cô là người có chuyên môn, kinh nghiệm. Bằng chứng là trước đây, khi mới ra trường, sau 3 vòng phỏng vấn ngặt nghèo, cô đã được tuyển dụng vào vị trí quan trọng của Cty cổ phần ô tô chuyên dụng và thương mại dầu khí Thăng Long (đóng ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Vị trí mà Hiền làm ở Cty này là tuyển dụng các vị trí nhân sự còn thiếu, chấm công cho người làm và đặc biệt là tuyển nhân viên kinh doanh. Sau 4 năm làm việc tại đây, Cty lâm vào khó khăn do các đối tác thu hẹp làm ăn. Sau khi chốt sổ sách, làm chế độ bảo hiểm cho các nhân viên như nhiều người khác, Hiền cũng phải xách túi ra đi để tìm việc ở một đơn vị khác.

Không được tuyển dụng chỉ vì là dân “rau má”, “cá gỗ”

Học quản trị nhân lực, lại có kinh nghiệm phỏng vấn hàng ngàn hồ sơ xin việc, Hiền tự tin có thể xin việc tại những Cty tuyển dụng vị trí tương tự mà cô đã làm. Tuy nhiên, khi vác hồ sơ đi xin việc lại, cô mới thấy được làm ở Cty cũ là một may mắn vì không phải nơi nào người Thanh- Nghệ cũng được trọng dụng. Nơi thẳng thừng từ chối, nơi ngấm ngầm quy định không nhận “dân rau má” và “cá gỗ”!

Hiền kể, xem quảng cáo, cô thấy một Cty chuyên sản xuất bánh mỳ, bánh ngọt có trụ sở tại Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) tuyển nhân viên hành chính, nhân sự, Hiền vác ngay bộ hồ sơ đến nộp. Vòng 1 có 30 ứng viên được gọi đến phỏng vấn do nhân viên phòng hành chính nhân sự tiến hành, cô cùng 4 ứng viên khác lọt qua.

Vòng thứ 2 do trưởng phòng Hành chính nhân sự trực tiếp phỏng vấn, Hiền may mắn là người duy nhất được chọn. Vòng 3 sẽ là lãnh đạo Cty trực tiếp phỏng vấn. Hiền kể: “Chị trưởng phòng hành chính cầm theo hồ sơ dẫn tôi đến phòng gặp phó giám đốc để phỏng vấn. Khi đang đứng ngoài cửa thì tôi nghe được lời phó giám đốc “ơ, Cty mình không tuyển người Hà Tĩnh mà!”.

Dù chưa vào gặp trực tiếp nhưng tôi đã nhụt chí hẳn. Với kinh nghiệm phỏng vấn tuyển dụng của mình, tôi biết mình đã bị loại và họ sẽ tìm được lý do từ chối. Khi gọi tôi vào trong, chị trưởng phòng hành chính nhân sự ném cho tôi cái nhìn đầy ái ngại khiến tôi nản hẳn. Nhưng đến đây rồi chả nhẽ lại ra về, tôi vẫn tiếp tục theo cuộc phỏng vấn còn lại của mình”.

Khi vào phòng, vị lãnh đạo nọ chỉ hỏi vỏn vẹn 3 câu đơn giản mà vòng 1 đã hỏi: Em đã từng làm ở vị trí này chưa? Mất bao lâu để em có thể đưa công việc vào quỹ đạo? Hiện tại em đang ở đâu? Hai câu hỏi đầu quá đơn giản kể cả đối với một người lần đầu đi phỏng vấn. Đến câu thứ 3, tôi trả lời hiện đang sống tại Hà Đông (cách Cty chừng 8km).

Như chỉ chờ có thế phó giám đốc trả lời luôn: “Xa quá, công việc lại yêu cầu đi sớm về muộn, Cty muốn tuyển một người sống ở gần để đảm bảo công việc”. Không chờ tôi nói thêm một câu nào, bà đã mở cửa tiễn khách. Họng tôi nghẹn lại! Uất mà không nói thành lời. Tôi đáp ứng được tất cả mọi yêu cầu từ bằng cấp, kinh nghiệm, năng lực... nhưng chỉ vì quê Hà Tĩnh nên bị loại thì quá bất công.

Mất việc vì... biển số xe

Một lần khác, trường mầm non B. (phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) tuyển nhân viên hành chính, nhân sự. Nhà tuyển dụng yêu cầu: Tốt nghiệp chính quy ngành quản trị nhân lực, có kinh nghiệm làm nhân viên hành chính, chăm sóc khách hàng. Sử dụng thành thạo các phần mềm văn bản, quản lý hành chính, chấm công, độ tuổi từ 25-30... Đây là những tiêu chí Hiền hoàn toàn đáp ứng được.

Vòng 1 có tới 40 người được phỏng vấn nhưng khi vòng 3 chỉ còn mình cô. Hiền buồn rầu kể: “Lọt qua 3 vòng phỏng vấn, giám đốc đã đồng ý nhận tôi vào làm ở phòng hành chính nhân sự với đúng chuyên môn là quản lý nhân sự. Sếp đang hẹn thứ 2 tuần tới có thể đến làm luôn thì một nhân viên từ ngoài đi vào: “Sếp tuyển em 38 à?”.

Ngay sau câu hỏi bất ngờ ấy, không khí trong phòng chùng xuống. Mọi người lấm lét nhìn tôi từ đầu đến chân. Ngay cả giám đốc cũng dò xét rồi thay đổi luôn thái độ: “Em cứ về, phòng hành chính sẽ liên lạc lại với em!”. Chờ dài cổ nhưng cũng chả ai gọi điện báo lại. Thế là lại thêm một lần nữa Hiền bị từ chối chỉ vì quê quán, thứ mà không ai được lựa chọn khi sinh ra.

Thanh, Nghệ, tĩnh luôn là khu vực có lực lượng lao dộng có tay nghề cao

“Không ít lần tôi ứa nước mắt vì không ai có thể chọn quê quán cho mình và ngày ngồi trên ghế giảng đường đại học, tôi cũng chẳng thể ngờ “chùm khế ngọt” ấy lại gây cho tôi nhiều khó khăn đến tái tê, hờn tủi như vậy”, Hiền chua chát nói.

Thời điểm kinh tế khó khăn nên dù có năng lực, có bằng cấp nhưng đã 2 năm nay Hiền chưa xin được việc làm phù hợp với mình. Cô lấy chồng, sinh con và phấp phỏng chờ đợi đơn vị nào tuyển dụng vị trí phù hợp để nộp hồ sơ phỏng vấn.

Hiền giãi bày: “Sau nhiều lần đi thi tuyển chỉ vì lý do hết sức buồn cười khiến tôi nản. Bây giờ, chờ cơ hội có cơ quan nhà nước tuyển dụng để thi vào, dù tỷ lệ chọi có cao, thi có khó nhưng không bị phân biệt đối xử vùng miền”.

Muốn có việc làm phải đổi xe, chỉnh giọng nói…

Cùng là dân học quản trị nhân lực, lại chơi thân với các đàn chị đi trước nên Nguyễn Lan Thanh (quê ở Hà Tĩnh) được mách một số chiêu để ứng phó với sự kỳ thị vùng miền tại một số đơn vị tuyển dụng. Và, áp dụng “tuyệt chiêu” này, Thanh đã như lột xác.

Cô thay đổi phong cách ăn mặc, mua lại xe máy mang biển kiểm soát thủ đô, đặc biệt là chỉnh giọng thật chuẩn Bắc kỳ. Nhờ những thay đổi cùng với khả năng làm việc tốt, Thanh đã sớm tìm cho mình một công việc tại Hà Nội theo đúng chuyên ngành khiến nhiều bạn phải nể phục. Tuy nhiên, không phải con đường nào cũng được “rải bước trên hoa hồng”.

“Chém cha không bằng pha giọng!”, mấy bạn cùng quê nghe Thanh nói giọng Bắc để giao tiếp tỏ thái độ khó chịu vì cho rằng cô học đòi. Mỗi lần gọi điện về quê, buột ra vài từ giọng Bắc thì bị người nhà mắng té tát. “Người miền Bắc thường nhận xét dân Thanh- Nghệ Tĩnh keo kiệt, tằn tiện... mình cũng phải khắc phục.

Thi thoảng mời mọi người đi uống nước, mua ít hoa quả cùng nhau ăn vui vẻ, hay tham gia tiệc tùng cùng mọi người... Thời gian đầu cũng có người dòm ngó nhưng mình đã thay đổi để phù hợp môi trường sống và quan trọng hơn là hoàn thành công việc được giao nên chả ai còn để ý mình quê ở đâu”, Lan Thanh bật mí.

Kinh tế khó khăn nhiều doanh nghiệp thu gọn quy mô, cắt giảm nhân sự nên hành trình xin việc càng nhiều chông gai. Bởi thế, chuyện kén cá chọn canh, kỳ thị lao động vùng miền càng trở thành một vấn đề nan giải...

(Còn nữa)

Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh